Friday, April 26

Thủy lợi – xung lực phát triển kinh tế [Bài 2]: Thỏa nguyện dưới chân hồ Suối Vọng

Thay “áo mới” cho hồ Suối Vọng

Hồ chứa nước Suối Vọng nằm trong thung lũng giữa hai xã đồi là Bảo Bình và Xuân Bảo thuộc huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai), được xây dựng từ những năm 90 thế kỷ trước, với dung tích thiết kế hơn 4 triệu m3. Hồ là nơi cung cấp và điều tiết nước tưới tiêu cho vùng sản xuất nông nghiệp rộng hàng trăm ha, trải dài từ huyện Cẩm Mỹ tới tận cánh đồng Lang Minh, huyện Xuân Lộc.

Tuy nhiên, sau hàng chục năm đưa vào vận hành khai thác, theo thời gian, hiện tượng bồi lắng bùn đã khiến dung tích hữu ích của hồ bị giảm. Bên cạnh đó, nước rỉ qua chân đập gây thất thoát nguồn nước. Vào cao điểm mùa khô, nhất là những năm thời tiết cực đoan, do bị tác động bởi biến đổi khí hậu, hồ sẽ cạn sớm, ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất trong khu vực.

Hồ chứa nước Suối Vọng được tu sửa kiên cố, nạo vét lòng hồ nhằm phục vụ tưới tiêu tốt hơn và đảm bảo an toàn cho người dân xung quanh. Ảnh: Lê Bình.

Hồ chứa nước Suối Vọng được tu sửa kiên cố, nạo vét lòng hồ nhằm phục vụ tưới tiêu tốt hơn và đảm bảo an toàn cho người dân xung quanh. Ảnh: Lê Bình.

Trước tình hình trên, trên cơ sở đề xuất của Công ty TNHH Khai thác thủy lợi Đồng Nai, năm 2019 UBND tỉnh Đồng Nai đã phê chuẩn dự án sửa chữa nạo vét hồ. Sau khi tôn tạo từ 2/10/2019 – 17/9/2020, hồ Suối Vọng đã được thay “áo mới”.

Theo đó, mái thượng lưu công trình được đắp đất tạo mặt phẳng; trồng cỏ tạo mỹ quan đảm bảo hệ số mái theo thiết kế ban đầu; từ dưới chân đập lên đỉnh đập được gia cố bằng bằng đá và có hệ thống khung giằng bê tông cốt thép. Ngoài ra, các hạng mục như cống lấy nước, tràn xã lũ,… đều được nâng cấp sửa chữa.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, cán bộ quản lý hồ Suối Vọng cho biết, trước đây, công trình đập đất, các công trình phụ, tường chắn sóng, mái lát đá trải qua thời gian mấy chục năm do một số người dân không ý thức, lật lên để bắt ốc, bắt cua… khiến công trình bị hư hại.

Sau khi được nâng cấp sửa chữa, đặc biệt nhờ khoan phụt chống thấm khoảng hai phần ba tuyến đập, mực nước và khả năng tích nước của hồ đã khôi phục, giải bài toán thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân sống xung quanh đập và khu vực hạ lưu công trình.

Nông dân hưởng lợi

Theo Công ty TNHH Khai thác thủy lợi Đồng Nai, huyện Cẩm Mỹ nằm trong khu vực nghèo mạch nước ngầm do hầu hết diện tích đất đỏ được phong hoá từ đá bazan nên nước ngầm thường xuất hiện ở độ sâu từ 25 – 30m, nhiều khu vực nước ngầm xuất hiện ở độ sâu từ 80 – 102m.

Bên cạnh đó, phần lớn sông, suối tại địa phương đều ngắn và dốc nên khả năng giữ nước kém, nghèo kiệt vào mùa khô. Hồ chứa thủy lợi có vai trò quan trọng, rất cần thiết cho phát triển kinh tế – xã hội mà đặc biệt là cho phát triển sản xuất nông nghiệp.

Theo người dân địa phương, trước khi công trình hồ Suối Vọng được nâng cấp, để có nước sản xuất, nhiều nông dân phải đào hồ trữ nước sử dụng đến cuối vụ. Từ khi được nâng cấp, nguồn nước dồi dào, bà con đã an tâm sản xuất.

Nhờ hồ Suối Vọng luôn đủ nước mà bãi ngô sinh khối của ông Triệu Dương Cương luôn xanh tốt. Ảnh: Trần Trung.

Nhờ hồ Suối Vọng luôn đủ nước mà bãi ngô sinh khối của ông Triệu Dương Cương luôn xanh tốt. Ảnh: Trần Trung.

Với 8.000 m2 đất canh tác ngô sinh khối, những năm trước vào mùa khô gia đình anh Dương Văn Hồng, nông dân ấp Tân Bảo, xã Bảo Bình phải chật vật tìm nguồn nước tưới. Dù đã đào trữ nước nhưng chỉ đủ sản xuất cho vụ đông xuân, nhưng ngày nay anh có thể trồng ngô quanh năm không lo thiếu nước.

Tương tự, gia đình ông Triệu Dương Cương tại ấp Lò Than, xã Bảo Bình cũng có 2 ha ngô sinh khối. Nhờ diện tích đất cạnh hồ thủy lợi, đủ nước sản xuất, ngô sinh trưởng và phát triển tốt. Một ha ngô đem lại thu nhập cho gia đình ông gần 40 triệu đồng/vụ sau khi trừ chi phí.

Ông Nguyễn Minh Mẫn – cán bộ quản lý hồ Suối Vọng cho biết thêm, tận dụng nước từ hồ Suối Vọng, từ những năm 2.000 đổ về trước, hầu hết người dân phát triển cây cà phê, cây hồ tiêu, qua đó giúp đời sống, kinh tế bà con trong vùng phát triển vượt bậc.

Qua thời gian, khi giá tiêu và cà phê đi xuống, những năm gần đây, bà con chuyển sang cây ăn quả, trong đó, bơ và sầu riêng là cây trồng chủ lực. Ngoài ra, những vùng đất trũng, thấp cũng được bà con tận dụng để trồng các loại cây ngắn ngày như ngô sinh khối nâng cao thu nhập.

Ông Nguyễn Minh Mẫn - cán bộ quản lý hồ Suối Vọng suốt 20 năm nay, tự hào vì dòng chảy của hồ mang lại lợi ích kinh tế cho bà con nông dân xung quanh hồ từng ngày. Ảnh: Lê Bình.

Ông Nguyễn Minh Mẫn – cán bộ quản lý hồ Suối Vọng suốt 20 năm nay, tự hào vì dòng chảy của hồ mang lại lợi ích kinh tế cho bà con nông dân xung quanh hồ từng ngày. Ảnh: Lê Bình.

“Với dung tích 4,3 triệu m3, hiện hồ đang đáp ứng nhu cầu cung cấp nước tưới cho 300ha cây ăn quả. Ngoài ra, tùy theo biến động hàng năm, hồ còn phục vụ cho hơn 450ha cây ngắn ngày thuộc 2 xã Xuân Bảo, Bảo Bình của huyện Cẩm Mỹ và một phần huyện Xuân Lộc”, ông Mẫn chia sẻ.

Khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi

Trạm khai thác công trình thủy lợi Xuân Lộc – Long Khánh – Cẩm Mỹ hiện quản lý 9 công trình trong đó: 4 hồ chứa (Gia Ui, Núi Le, Suối Vọng, Gia Măng); 1 trạm bơm điện (Xuân Tâm); 4 đập dâng (Cù Nhí 1, Cù Nhí 2, Suối Nước Trong, Lang Minh) phục vụ trên 4.300ha đất sản xuất cây trồng các loại, đồng thời cung cấp 5 triệu m3 nước phục vụ sản xuất công nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Mẫn chia sẻ về những tiềm năng của hồ Suối Vọng còn bỏ ngỏ, cần được khai thác. Ảnh: Lê Bình.

Ông Nguyễn Minh Mẫn chia sẻ về những tiềm năng của hồ Suối Vọng còn bỏ ngỏ, cần được khai thác. Ảnh: Lê Bình.

Ông Hồ Văn Chiến, Trưởng trạm khai thác thủy lợi Xuân Lộc – Long Khánh – Cẩm Mỹ cho biết, đơn vị đang tập trung quản lý, khai thác các công trình thủy lợi nhằm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Sắp tới có một số công trình đưa vào kinh doanh du lịch.

“Trước khi có các công trình thủy lợi, vùng này không có nước nên người dân chỉ trồng rừng và bỏ hoang. Từ khi hệ thống thủy lợi được hình thành, người dân đã tích cực chuyển đổi cây trồng vật nuôi, các vườn cây ăn quả, các ruộng ngô dần hình thành, người dân rất phấn khởi và thậm chí có nơi người ta còn tận dụng kinh doanh lượng nước có trong ruộng để trồng hoa sen, hoa súng khai thác kinh doanh về du lịch vườn, câu cá giải trí…”, ông Hồ Văn Chiến chia sẻ.

Đơn cử, những năm trước, xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc chỉ có cánh đồng Tây Minh và Bình Minh rộng hơn 210ha mới có mạng lưới thủy lợi lấy nguồn từ hồ Suối Vọng về. Cánh đồng Đông Minh cách chỉ một con đường lúc đó chưa được đầu tư hệ thống thủy lợi, phải sử dụng nước giếng khoan và một phần nguồn nước tận dụng từ cánh đồng Tây Minh nên vụ đông xuân, Đông Minh chỉ canh tác khoảng 50ha, còn lại bỏ hoang. Từ khi được đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi dẫn nước từ hồ Gia Măng về thì 100% diện tích cánh đồng này làm được vụ đông xuân.

“Năm nay, nguồn nước còn dồi dào hơn mọi năm, nước dư từ hệ thống kênh mương đổ đầy con suối ở cuối cánh đồng, tạo nguồn cho vùng sản xuất cây ăn trái, cây lâu năm vùng giáp ranh. Đây là minh chứng hiệu quả công tác quản lý, vận hành, khai thác công trình thủy lợi của đơn vị”, ông Hồ Văn Chiến nhấn mạnh.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email