Saturday, April 27

Việt Nam – Vương quốc Anh sớm mở cửa thị trường thịt gia súc, gia cầm

Buổi gặp mặt giữa lãnh đạo Bộ NN-PTNT và đại diện cơ quan thú y Vương quốc Anh có ý nghĩa lớn trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao. Ảnh: Quỳnh Chi.

Buổi gặp mặt giữa lãnh đạo Bộ NN-PTNT và đại diện cơ quan thú y Vương quốc Anh có ý nghĩa lớn trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ngày 27/9 tại Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tiếp và làm việc với cơ quan thú y Vương quốc Anh. Cố vấn trưởng về Thú y của Vương quốc Anh Christine Middlemiss coi cuộc gặp với lãnh đạo Bộ NN-PTNT là niềm vinh hạnh lớn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam – Vương quốc Anh kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Nữ giáo sư nhắc lại chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 9/2019, khi lần đầu tiên bà đàm phán về tiếp cận thị trường cho các sản phẩm thịt lợn và gia cầm của Anh vào Việt Nam. Trải qua 4 năm, các chương trình, dự án về mở rộng thị trường có tiến triển tốt. Bà Christine mong muốn Việt Nam cân nhắc hồ sơ đăng ký của các doanh nghiệp Anh quốc, sớm khởi động trao đổi thương mại.

“Bộ trưởng Bộ Môi trường, Lương thực và Các vấn đề nông thôn của chúng tôi rất vui mừng vì nền tảng hiệp định thương mại giữa hai nước rất tốt, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại nông nghiệp.

Hiện nay, một phái đoàn của Bộ Nông nghiệp chúng tôi đang tiến hành kiểm tra Audit sản phẩm gà chế biến của Việt Nam. Chúng tôi coi đây không chỉ là quá trình mang tính kỹ thuật, mà còn là cơ hội để hai nước cùng làm việc, học hỏi lẫn nhau. Chúng tôi đã hiểu hơn về hệ thống ngành thú y Việt Nam, và do vậy sẽ cố gắng gỡ bỏ rào cản hành chính để công việc tiến triển thuận lợi hơn”, bà Christine chia sẻ.

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) đã chính thức được ký kết hồi cuối năm 2020. Qua 3 năm, hợp tác lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước có nhiều bước tiến kể từ khi UKVFTA có hiệu lực. Trên cơ sở đó, cơ quan thú y mong muốn Bộ Nông nghiệp hai nước tiếp tục đàm phán về khả năng Việt Nam nhập khẩu sản phẩm thịt ngỗng, lông ngỗng, bò và cừu của Anh.

Cố vấn trưởng Christine Middlemiss hoan nghênh sự chủ động của Bộ NN-PTNT trong thúc đẩy hợp tác khoa học về thuốc thú y và nghiên cứu dịch tễ. Ảnh: Quỳnh Chi.

Cố vấn trưởng Christine Middlemiss hoan nghênh sự chủ động của Bộ NN-PTNT trong thúc đẩy hợp tác khoa học về thuốc thú y và nghiên cứu dịch tễ. Ảnh: Quỳnh Chi.

Dựa trên mối quan hệ kỹ thuật, chuyên môn hai nước đã xây dựng những năm qua, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định thị trường Vương quốc Anh luôn nằm trong ưu tiên hợp tác của Việt Nam.

Thứ trưởng nói: “Năm nay, doanh thu thương mại giữa hai nước năm nay sẽ rất cao, đặc biệt trong trao đổi nông sản. Chúng tôi đã nhận 63 hồ sơ doanh nghiệp của nước bạn và sẽ giao cho Cục Thú y kiểm duyệt để thịt lợn, gia cầm của Anh sớm được nhập khẩu vào Việt Nam”.

Những năm qua, hoạt động trao đổi giữa hai nước về các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, đặc biệt là các phương pháp chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật. Thay mặt Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cảm ơn nước bạn đã hỗ trợ ngành khoa học thú y Việt Nam xây dựng các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn, cũng như hỗ trợ chuyên môn về kháng kháng sinh.

Bộ NN-PTNT đề xuất Vương quốc Anh hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn với uy tín hàng đầu thế giới về chăn nuôi và thú y. Sở dĩ ngành nông nghiệp Việt Nam đa phần là các hộ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Lãnh đạo Bộ mong muốn học hỏi mô hình đại trang trại ở Anh, cũng như ứng dụng công nghệ cao vào chuỗi sản xuất.

Một số vấn đề khác được thảo luận gồm đào tạo kỹ năng phân tích rủi ro cho ngành thú y, khả năng Vương quốc Anh mở cửa thị trường cho sản phẩm gà chế biến của Việt Nam. Cùng với đó, hai lãnh đạo cho rằng thành tựu khoa học lĩnh vực thú y sẽ tạo điều kiện hợp tác nghiên cứu, sản xuất vacxin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm.

Cố vấn trưởng Christine Middlemiss hoan nghênh sự chủ động của Bộ NN-PTNT trong thúc đẩy hợp tác khoa học về thuốc thú y và nghiên cứu dịch tễ. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu làm gia tăng rủi ro về an ninh sinh học, cơ quan thú y Vương quốc Anh đề cao hợp tác toàn cầu về quản lý dịch bệnh.

Bà cho rằng Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm với nhiều đóng góp tích cực. Nữ giáo sư đánh giá cao vai trò của Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Một sức khỏe tại Việt Nam (One Health Poultry Hub Vietnam) trong giảm thiểu các nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng, giải quyết kháng kháng sinh và phòng, chống cúm gia cầm.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email