Saturday, April 20

Hà Nội tiết kiệm 1,7-2,2% tổng năng lượng tiêu thụ

Ông Trịnh Quốc Vũ cho biết, Bộ Công thương đã triển khai nhiều biện pháp giúp nâng cao nhận thức về tiêu thụ điện của người dân.

Ông Trịnh Quốc Vũ cho biết, Bộ Công thương đã triển khai nhiều biện pháp giúp nâng cao nhận thức về tiêu thụ điện của người dân.

Năm 2023, dự báo cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu khiến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng. Đặc biệt, năm nay có hiện tượng El Nino diễn ra mạnh khiến bài toán đảm bảo cung ứng điện ổn định, an toàn cho toàn quốc đối diện với nhiều thách thức hơn.

Từ đầu năm, Chính phủ, Bộ Công thương đã có những chỉ đạo sát sao với ngành điện nhằm tập trung triển khai các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện, đặc biệt là kêu gọi người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương cho biết, điều quan trọng nhất là xây dựng, thúc đẩy nhận thức của người sử dụng điện.

Trên cơ sở đó, Bộ Công thương đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy tiết kiệm điện như chiến dịch Giờ Trái đất, tổ chức các giải chạy để nâng cao nhận thức về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

Đồng thời, Bộ đã tổ chức những đoàn công tác kiểm tra về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, làm việc với các sở, ban, ngành, địa phương, với các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng để kiểm tra việc chấp hành các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Nhiều hội nghị, diện đàn, tọa đàm về chủ đề này đã được tổ chức.

“Qua theo dõi việc thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Chỉ thị số 20 của Thủ tướng về tăng cường tiết kiệm điện, chúng tôi đánh giá UBND các tỉnh, thành phố, với đầu mối là Sở Công thương giữ vai trò quan trọng nhất khi thực hiện các Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, ông Vũ nói.

Thông qua việc phối hợp, hướng dẫn và học hỏi các sáng kiến từ địa phương, Bộ Công thương đã gửi tờ trình Thủ tướng kiến nghị ban hành một Chỉ thị về tăng cường tiết kiệm điện đến năm 2025, nhằm vừa đảm bảo cung ứng điện, vừa giảm phát thải khí nhà kính và hoàn thành cam kết Việt Nam đưa ra tại COP 26 về phát thải ròng bằng ‘0’.

Về phía người sử dụng điện, ông Trịnh Quốc Vũ khuyến các tổ chức, cá nhân tăng cường chuyển dịch sử dụng các thiết bị có hiệu suất thấp sang thiết bị có hiệu suất cao hơn.

Lãnh đạo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững lấy ví dụ về thiết bị máy điều hòa không khí trong các hộ gia đình. Hiện mỗi năm Việt Nam tiêu thụ hơn 2 triệu máy, với lượng điện sử dụng chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng tiêu thụ điện quốc gia. Thay vì sử dụng các loại thông thường, ông Vũ đề nghị người dân xem xét sử dụng các loại máy có công nghệ tiết kiệm điện Inverter.

Chia sẻ thêm về điều này, bà Lý Thị Phương Trang, Chủ tịch HĐQT Daikin Vietnam cho biết hiện công nghệ điều hòa Inverter chiếm khoảng 50% trong tổng tiêu thụ điều hòa không khí dân dụng. Công ty hướng tới trong vòng 5 năm nữa, toàn bộ thị trường tại Việt Nam là máy Inverter.

Thời gian tới, Daikin Việt Nam sẽ tiếp tục khuyến khích và thúc đẩy cá nhân, tổ chức sử dụng sản phẩm điều hòa không khí loại biến tần, đồng thời nâng cao chỉ số về tiết kiệm điện của máy điều hòa không khí. Song song với đó, các công nghệ mới về AI, cảm biến… sẽ hỗ trợ người sử dụng để đưa ra phương án sử dụng tiết kiệm điện nhất.

Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc đang bước vào mùa nắng nóng. Nhu cầu sử dụng điện của các hộ sinh hoạt, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đều tăng cao.

Điều hòa không khí là một trong số những thiết bị chiếm tỷ lệ tiêu thụ điện lớn trong khu vực dân cư.

Điều hòa không khí là một trong số những thiết bị chiếm tỷ lệ tiêu thụ điện lớn trong khu vực dân cư.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội chia sẻ, năm 2022 Thủ đô có mức tiêu thụ năng lượng đứng đầu toàn quốc. Ngoài ra, khu vực này có biểu đồ phụ tải phức tạp khiến việc cân đối nguồn điện, sử dụng điện gặp nhiều thách thức hơn.

Trong năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu tiết kiệm từ 1,7 – 2,2% tổng năng lượng tiêu thụ trên địa bàn; 65% doanh nghiệp phụ tải trọng điểm có cam kết sử dụng tiết giảm theo biểu đồ mà ngành điện xây dựng; 75% doanh nghiệp, khu công nghiệp được tuyên truyền để tăng cường sử dụng công nghệ mới giúp giảm tiêu thụ điện; xây dựng 55 cơ sở sử dụng năng lượng xanh.

“Dự kiến Hà Nội sẽ tổ chức khoảng 1.000 lớp tập huấn đến tận phường, tổ dân phố để vận động người dân. Đồng thời, chúng tôi mong cơ quan Trung ương, Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương chung tay đưa các mô hình tiết kiệm năng lượng vào trong trường chương trình học ngay từ cấp tiểu học”, ông Thắng bày tỏ.

Cam kết xây dựng các sổ tay, hướng dẫn đến cơ quan, đơn vị tại 30 quận, huyện trên địa bàn, về các mô hình, cách sử dụng năng lượng tiết kiệm, Phó Giám đốc Sở Công thương đề nghị Bộ, ban, ngành Trung ương nghiên cứu, xem xét cơ chế đồng hành với doanh nghiệp để hỗ trợ chuyển đổi các công nghệ cũ, lạc hậu, sử dụng nhiều năng lượng dần trong tương lai.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email