Tuesday, May 7

Đông Anh phát triển đô thị nhưng không quên trồng 100.000 cây xanh

Việc trồng cây được gắn với trách nhiệm của từng cơ sở. Ảnh: Tư liệu.

Việc trồng cây được gắn với trách nhiệm của từng cơ sở. Ảnh: Tư liệu.

Cơ sở hạ tầng được huyện Đông Anh chủ trương đi trước một bước. Nhờ đó mà cơ cấu kinh tế được chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp. Huyện tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX trong sản xuất, kinh doanh, trong đó, ưu tiên thu hút công nghệ cao mà điển hình là khu công nghiệp Đông Anh với quy mô 600 ha.

Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và gắn với chương trình OCOP để khẳng định thương hiệu và đưa nông sản nói riêng cũng như các sản phẩm hàng hóa khác nói chung vào hệ thống cửa hàng, siêu thị của thành phố cũng như xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được huyện duy trì với tốc độ bình quân trên 10%/năm tạo nguồn lực cho đà kiến thiết.

Trong sự phát triển nhanh chóng ấy Đông Anh không quên vai trò của cây xanh bởi hiểu đó chính là nhân tố quan trọng cho việc nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, kiến tạo bộ mặt cho nông thôn mới .

Theo ông Nguyễn Xuân Linh, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, hưởng ứng đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025 của Chính phủ, giai đoạn này huyện được thành phố giao chỉ tiêu trồng mới 100.000 cây xanh. Tương ứng với mỗi năm Đông Anh cần trồng 20.000 cây, đứng thứ 2 trong tổng số 30 quận, huyện của Hà Nội, chỉ đứng sau huyện Ba Vì do đặc thù là địa phương không có rừng trồng.

Năm 2023, Đồng Anh tiếp tục tập trung triển khai, hoàn thiện 78 dự án còn lại trong tổng số 155 dự án thành phần thuộc đề án, phấn đấu trồng mới xấp xỉ 34.000 cây các loại, trong đó có 20.000 cây bóng mát đô thị.

Phấn đấu mỗi người dân trồng mới và chăm sóc, bảo vệ ít nhất một cây xanh trong những mùa Tết trồng cây. Đồng thời phải tránh chạy theo phong trào, khi trồng, quản lý cây xanh trên địa bàn phải đảm bảo các yêu cầu, tiêu chí, tiêu chuẩn, chủng loại cây xanh theo đúng như quy định, không được lãng phí nguồn lực đầu tư của nhà nước và xã hội.

Đối với trường hợp cây chết, phải thay thế, bổ sung ngay đúng chủng loại, đúng quy cách để đảm bảo hiệu quả bóng mát và mỹ quan đô thị. Khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào trồng cây và xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân hành vi huỷ hoại, chặt phá cây.

Nông nghiệp được phát triển theo hướng tuần hoàn và đảm bảo môi trường. Ảnh: NNVN.

Nông nghiệp được phát triển theo hướng tuần hoàn và đảm bảo môi trường. Ảnh: NNVN.

Song song với việc trồng cây, từ năm 2018 huyện Đông Anh còn triển khai đề án tăng cường quản lý, khai thác ao, hồ trên địa bàn. Theo thống kê toàn huyện hiện có 217 ao, hồ nằm trong đề án cần phải được cải tạo, kè bờ và hiện đã thực hiện được khoảng 80%.

Điển hình có thể kể đến như dự án kè hồ Bảo hiểm Xã hội huyện, hồ Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện; hồ trung tâm xã Đông Hội; hồ trung tâm xã Liên Hà; ao Mắm ở xã Cổ Loa; ao Giếng Ngọc ở xã Dục Tú; ao cá Bác Hồ ở xã Kim Chung…

Những hồ, ao này trước kia đều có bờ bằng đất, nhiều nguồn nước ô nhiễm đổ vào hay trở thành nơi vứt rác của những gia đình xung quanh, rất ô nhiễm. Từ hồi được cải tạo lại theo hướng ngắt bỏ các nguồn nước thải chảy vào, xây bờ kè, lập hàng rào bảo vệ, tuyên truyền người dân không được vứt rác thải xuống mà các hồ ao đã được hồi sinh.

Chúng trở thành những lá phổi xanh trong lành, là nơi điều hòa không khí cho cả vùng, là nơi tập thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe, thư giãn cho cư dân mỗi sáng, chiều và một số trở thành nơi bơi lội giải nhiệt cho cộng đồng vào mùa hè nóng bức.

Có thể lấy ví dụ ngay ở xã Cổ Loa nơi có 19 ao, hồ hiện đã cơ bản được kè và cải tạo. Cùng với cây xanh, các hồ ao này đã tạo nên nét thanh bình, đáng sống cho một vùng quê nông thôn mới mà vẫn giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Chúng góp phần quan trọng cho việc phát triển lên quận sau này của Đông Anh bên cạnh những tòa nhà cao, đẹp là những mảnh không gian xanh.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email