Friday, April 26

Ứng Hòa kiểm soát an toàn thực phẩm tại các bữa cỗ, bếp ăn tập thể

Một bữa ăn bán trú cho trẻ mầm non ở Ứng Hòa. Ảnh: NNVN.

Một bữa ăn bán trú cho trẻ mầm non ở Ứng Hòa. Ảnh: NNVN.

Bà Lê Thị Vọng – hiệu trưởng Trường Mầm non xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa cho biết bếp ăn của đơn vị được thiết kế theo hướng một chiều nghĩa là chuỗi các hoạt động từ sơ chế đến thành phẩm đều được thực hiện theo một chiều để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra để chuẩn bị cho bữa ăn bán trú nhà trường đã chọn đơn vị cung cấp uy tín, hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, được nuôi, trồng an toàn, được cơ quan chức năng cấp chứng nhận.

Cũng tương tự, kiểm tra tại Trường Mầm non xã Phương Tú đoàn thấy sự quy củ trong thiết kế nhà bếp, các nguyên liệu chế biến được bảo đảm an toàn, có ký hợp đồng với cơ sở kinh doanh, cung cấp hàng đầy đủ. Các trang thiết bị ở đây hợp vệ sinh cũng như người tham gia chế biến tại bếp ăn đảm bảo sức khỏe. Định kỳ, trường có tổ chức tập huấn cho những nhân viên nấu ăn kiến thức về làm thế nào để chế biến, bảo quản thức ăn an toàn thực phẩm, kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn.

Vân Đình từ lâu vốn nổi tiếng về nghề cháo vịt. Tại thị trấn có hơn 100 hộ kinh doanh hàng ăn thì phần lớn là cháo vịt. Trước đây họ chỉ biết chế biến theo cách gia truyền còn ít để ý đến vệ sinh an toàn thực phẩm thì nay đều được tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính quyền thành lập các đoàn kiểm tra thực tế, nhất là trong tháng hành động về an toàn vệ sinh thực phẩm đã kiểm tra 20 nhà hàng, xử phạt hành chính 1,5 triệu đồng đối với 1 cơ sở có dụng cụ chế biến không bảo đảm, không có xô đựng rác …

Đại diện UBND thị trấn Vân Đình cho biết, để quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn, địa phương mong được xây dựng tuyến phố điểm về an toàn vệ sinh thực phẩm, nơi đó các chủ nhà hàng phải ký cam kết.

Vân Đình còn có sáng kiến trong chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm là kế hoạch kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người trên địa bàn. Theo đó, thị trấn thành lập tổ giám sát, tư vấn điều kiện an toàn thực phẩm tại các bữa cỗ tập trung đông người. Thực hiện giám sát, hỗ trợ tư vấn 120-150 bữa cỗ tập trung đông người từ khâu nguyên liệu đầu vào đến chế biến và tổ chức ăn uống, bảo quản vận chuyển thức ăn. Đối tượng kiểm soát là các bữa cỗ tập trung đông người tổ chức tại nhà hoặc nơi công cộng của thôn, khu phố với quy mô bữa cỗ từ 60 người ăn trở lên.

Sản phẩm dưa lưới của huyện Ứng Hòa. Ảnh: NNVN.

Sản phẩm dưa lưới của huyện Ứng Hòa. Ảnh: NNVN.

Cũng trong tháng hành động về an toàn vệ sinh thực phẩm UBND huyện Ứng Hòa đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm đi thực tế 61 cơ sở thực phẩm trên địa bàn. Kết quả kiểm tra cho thấy 57 cơ sở đạt, 4 cơ sở chưa đạt, bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 9,5 triệu đồng. Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm các xã, thị trấn cũng tiến hành kiểm tra 252 cơ sở, trong đó có 239 cơ sở đạt, 13 cơ sở không đạt. Phần lớn cơ sở vi phạm do chưa cung cấp được giấy khám sức khỏe định kỳ, điều kiện vệ sinh cơ sở chưa bảo đảm, nguồn gốc không rõ ràng, chất lượng không tốt.

Ứng Hòa cũng kiến nghị thành phố sớm ban hành hướng dẫn việc xây dựng mô hình nhà trạm, lắp đặt nhà trạm, danh mục các thiết bị phục vụ xét nghiệm nhanh hằng ngày tại nhà trạm, chợ dân sinh để quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Hướng dẫn quy trình xác nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại chợ dân sinh và cấp biển nhận diện cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn. Tăng cường công tác đào tạo nhằm nâng cao kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho cán bộ có liên quan đến lĩnh vực này từ cấp xã đến huyện.

Sau khi đi thực tế, đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đề nghị Ứng Hòa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, khuyến khích việc tố giác sai phạm, xử lý nghiêm vi phạm về an toàn thực phẩm; Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị gồm các cấp, các ngành, hội, đoàn thể để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email