Friday, May 3

Sản xuất hữu cơ ‘nâng đời’ nông sản xứ Tuyên

HTX Thảo Mộc Việt (xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) tuy mới đi vào hoạt động hơn 1 năm nhưng đã có nhiều sản phẩm được thị trường đón nhận. Một trong những điểm khác biệt đó là những dòng sản phẩm của HTX đều lấy nguyên liệu từ vùng sản xuất hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ, hướng nông nghiệp tốt nên được người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng.

HTX Thảo Mộc Việt (xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) luôn nỗ lực duy trì vùng nguyên liệu sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tốt. Ảnh: Đào Thanh.

HTX Thảo Mộc Việt (xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) luôn nỗ lực duy trì vùng nguyên liệu sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tốt. Ảnh: Đào Thanh.

Hiện nay, vùng nguyên liệu dược liệu của HTX khoảng 5ha, gồm cà gai leo, tía tô, đinh lăng, lạc tiên… Trong quá trình sản xuất, mỗi lô nguyên liệu nhập cho HTX đều phải lấy mẫu kiểm tra về tồn dư hóa chất, đảm bảo an toàn mới được đưa vào sản xuất và HTX mới tiếp tục hợp tác với người dân.

Đến nay, HTX có 8 sản phẩm bán ra thị trường gồm cam sấy lạnh, trà túi lọc các loại. Trung bình mỗi tháng trong quý I/2023, HTX Thảo Mộc Việt bán ra khoảng 2.000 hộp trà các loại. Hướng tới trong quý II/2023, HTX sẽ bán ra thị trường đạt khoảng 3.000 hộp/tháng.

Anh Lương Văn Tuyên, Giám đốc HTX Thảo Mộc Việt cho biết, mỗi sản phẩm trà của HTX là một bài thuốc và có câu chuyện riêng. Đó là các bài thuốc truyền thống của người Tày, người Dao ở quê anh. Như trà cà gai leo giúp giải độc, mát gan; Tâm An Trà giúp an thần, nâng cao chất lượng giấc ngủ… Nhờ chất lượng sản phẩm và vùng nguyên liệu sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp tốt nên các sản phẩm của HTX có giá bán cao hơn các sản phẩm tương đồng trên thị trường khoảng 10% nhưng vẫn được các đối tác, bạn hàng và khách hàng đón nhận.

Nông nghiệp hữu cơ là hướng đi bền vững mà ngành nông nghiệp Tuyên Quang đang hướng tới. Ảnh: Đào Thanh.

Nông nghiệp hữu cơ là hướng đi bền vững mà ngành nông nghiệp Tuyên Quang đang hướng tới. Ảnh: Đào Thanh.

Hiện nay, HTX đã có 3 sản phẩm đạt 3 sao OCOP, trong năm 2023 dự kiến sẽ đăng ký thêm 4 sản phẩm và thi nâng hạng các sản phẩm được công nhận đạt 3 sao OCOP năm 2022…

HTX chè Ngân Sơn Trung Long (xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) hiện có 20ha chè của 8 thành viên. Xây dựng thương hiệu chè sạch, 5 năm trước, HTX đã thực hiện các quy trình trồng chè hữu cơ với diện tích trên 3ha. Việc tái thiết lại “sức khỏe” cho đất luôn là nhiệm vụ được các thành viên trong HTX quan tâm. Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường 1,7 tấn chè khô hữu cơ/3ha, giá bán bình quân 700 nghìn đồng/kg (cao gấp 3,5 lần so với sản xuất thông thường), doanh thu trên 1 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc HTX cho biết, sản phẩm chè của HTX được sản xuất theo quy trình nông nghiệp hữu cơ, được xây dựng nhãn hiệu, có tem truy xuất nguồn gốc, được công nhận 4 sao OCOP, nhờ đó đã dễ dàng vào được thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình… và có giá bán khá cao cũng như nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng.

Tỉnh Tuyên Quang vừa công nhận thêm 66 sản phẩm đạt sao OCOP trong năm 2022. Ảnh: Đào Thanh.

Tỉnh Tuyên Quang vừa công nhận thêm 66 sản phẩm đạt sao OCOP trong năm 2022. Ảnh: Đào Thanh.

Xác định sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu trong tương lai, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Tuyên Quang đã xác định sẽ chuyển một phần diện tích cây trồng chủ lực chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ để tạo sức cạnh tranh, nâng cao giá trị và thương hiệu của sản phẩm trên thị trường cũng như gia tăng giá trị trên đơn vị diện tích.

Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện nay, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đạt hơn 114ha, trong đó có hơn 6ha lúa, trên 27ha chè, 18ha cam, 10ha bưởi; sản xuất hữu cơ chuyển đổi hơn 52ha, trong đó gần 36ha bưởi, gần 17ha cam.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, VietGAP của Tuyên Quang đã có chỗ đứng trên thị trường và tạo sức cạnh tranh cao. Mới đây, tỉnh Tuyên Quang đã công nhận thêm 66 sản phẩm đạt sao OCOP, nâng tổng số sản phẩm đạt sao OCOP của tỉnh lên 191 sản phẩm, trong đó chủ yếu là các sản phẩm sản xuất theo GAP.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email