Tuesday, April 23

Chất lượng lao động thấp và có xu hướng già hóa ở ĐBSCL

Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người một tháng của vùng ĐBSCL chỉ đạt hơn 3,7 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn 56% so với vùng Đông Nam bộ. Mới đây, tại An Giang Bộ NN-PTNT tổ chức hội thảo “Đào tạo chuyển đổi nghề nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL”.

Lao động nông thôn giảm 1,23%/năm

ĐBSCL với quy mô dân số khoảng 17,4 triệu và tổng diện tích là hơn 4,1 triệu ha. Nhiều năm qua ĐBSCL là vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước đóng góp gần 32% GDP của toàn ngành, với các ngành hàng chủ lực như: Lúa gạo, trái cây và thủy sản. Trong đó hơn 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng thủy sản (tôm và cá tra) và 60% sản lượng trái cây xuất khẩu. ĐBSCL được đánh giá không chỉ góp phần bảo đảm cho an ninh lương thực trong nước mà còn cả an ninh lương thực thế giới.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thời gian qua, dưới sự quan tâm của các cấp, trình độ của lao động của vùng ĐBSCL đã được cải thiện. Trong đó, tỷ lệ lao động vùng đã qua đào tạo tăng từ 12% năm 2016 lên 15% năm 2021. Năng suất lao động ngành nông lâm thủy sản của vùng cũng có xu hướng tăng. Theo đó, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động ngành nông lâm thủy sản trong giai đoạn 2017 – 2021 đạt 11,5%/năm, cao hơn so với năng suất lao động ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Còn về thu nhập của lao động vùng có xu hướng tăng liên tục, tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân của lao động vùng đạt 4,9%/năm.

Trong định hướng phát triển vùng ĐBSCL phát triển theo hướng thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, là trung tâm kinh tế nông nghiệp xanh, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao của cả nước.

Hiện Bộ NN-PTNT cũng đã triển khai nhiều các đề án, dự án quan trọng trong vùng như: Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn hay sắp tới là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được canh tác theo quy trình giảm phát thải.

Tuy nhiên, hiện vùng ĐBSCL đang là khu vực có số người di cư khỏi vùng lớn nhất cả nước. Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 năm trở lại đây số lượng người di cư khỏi vùng châu thổ này lên đến gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một số tỉnh trong vùng. Nguyên nhân tình trạng xuất cư lớn do năng suất lao động và thu nhập của người dân thấp hơn vùng Đông Nam bộ. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người một tháng của vùng ĐBSCL chỉ đạt hơn 3,7 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn 56% so với vùng Đông Nam bộ.

Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của vùng ĐBSCL chỉ đạt hơn 3,7 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn 56% so với vùng Đông Nam bộ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của vùng ĐBSCL chỉ đạt hơn 3,7 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn 56% so với vùng Đông Nam bộ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới lực lượng lao động vùng ĐBSCL suy giảm là do dân số già và xu hướng di cư tăng đến các thành phố lớn, khu công nghiệp làm việc. Chất lượng lực lượng lao động vùng còn thấp do lao động nông thôn có xu hướng già hóa với tỷ lệ lao động trong nhóm dưới 30 tuổi giảm từ 33% năm 2011 xuống còn 16,7% năm 2021.

Bên cạnh lực lượng lao động suy giảm, tại hội thảo nhiều ý kiến cũng cho rằng các tỉnh, thành trong vùng còn đang đối mặt với nguy cơ dư thừa lao động trình độ thấp. Nguyên nhân là do vùng có số lượng lao động rất lớn đang làm việc tại các khu công nghiệp tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… Với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ, nhu cầu sử dụng lao động ngày một giảm đi sẽ dẫn đến một lực lượng lớn lao động trình độ thấp mất việc và quay trở lại khu vực này.

Thực hiện 5 nhiệm vụ và 8 nhóm giải pháp

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh đánh giá, ngoài lực lượng lao động đang có xu hướng giảm, chất lượng lao động thấp, có xu hướng già hóa, hiện chuyển dịch cơ cấu lao động vùng ĐBSCL từ ngành nông lâm thủy sản sang ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ còn tương đối chậm so với cả nước.

Theo ông Thịnh, hiện tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động trong nội ngành nông nghiệp, từ ngành nghề canh tác, nuôi trồng truyền thống sang các ngành nghề mới trong vùng ĐBSCL như: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, giảm phát thải; các ngành nghề dịch vụ nông nghiệp như: sơ chế, chế biến nông sản, chế biến phụ phẩm nông nghiệp vẫn chưa đáp ứng được theo nhu cầu.

10 năm trở lại đây, số người di cư khỏi vùng châu thổ này đã lên đến gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một số tỉnh trong vùng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

10 năm trở lại đây, số người di cư khỏi vùng châu thổ này đã lên đến gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một số tỉnh trong vùng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Để có lực lượng lao động đáp ứng được nhu cầu và định hướng phát triển bền vững của vùng, ông Lê Đức Thịnh cho rằng, vùng cần đẩy mạnh đổi mới toàn diện công tác đào tạo nghề, nhất là nghề liên quan đến sản xuất an toàn, giảm phát thải.

Quản lý, quản trị chuỗi giá trị nông sản, ứng dụng công nghệ tin học, chuyển đổi số nghề dịch vụ nông nghiệp, nông thôn. Cơ giới hóa, chế biến nông sản và phụ phẩm nông nghiệp. Đây được xem là giải pháp quan trọng nhằm giúp cho vùng nông nghiệp hàng hóa lớn của Việt Nam tiếp tục phát triển hiệu quả và bền vững trong bối cảnh mới của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và gắn với xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL.

Để đạt được các mục tiêu trên, đề án sẽ tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ và 8 nhóm giải pháp trọng tâm như: Chuyển dịch lao động từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả và chăn nuôi tập trung.

Đào tạo lao động có xu hướng chuyển dịch từ trực tiếp sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) sang các ngành dịch vụ nông nghiệp, các ngành chế biến để nâng cao thu nhập. Đào tạo các nghề hỗ trợ phát triển HTX, chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu sản phẩm nông nghiệp.

ĐBSCL cần đẩy mạnh đổi mới toàn diện công tác đào tạo nghề nông thôn, nhất là nghề liên quan đến sản xuất an toàn, giảm phát thải trong nông nghiệp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

ĐBSCL cần đẩy mạnh đổi mới toàn diện công tác đào tạo nghề nông thôn, nhất là nghề liên quan đến sản xuất an toàn, giảm phát thải trong nông nghiệp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Song song đó, tập trung đào tạo chuyển đổi nghề cho khoảng 100 nghìn lao động ảnh hưởng bởi nguy cơ sạt lở, mất nhà hoặc mất đất canh tác do tác động của biến đổi khí hậu. Ưu tiên đào tạo người lao động định hướng làm việc tại các nước Châu Á.

Đẩy mạnh đào tạo lao động trẻ, thanh niên khởi nghiệp trong nông nghiệp, lao động nông nghiệp là người đồng bào dân tộc thiểu số và quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo, hình thành được hệ thống các trường, trung tâm đào tạo vùng đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng 4.0.

Đào tạo lao động nông thôn chuyên nghiệp hơn

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết: Hiện tiềm năng và thế mạnh về phát triển nông nghiệp trong vùng ĐBSCL chưa khai thác hết, trong khi đó lực lượng lao động lại di cư sang các vùng khác tương đối lớn. Vì vậy, để giữ chân người lao động, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với các tỉnh, thành trong vùng xây dựng các giải pháp đào tạo nghề phù hợp cho khu vực.

Bộ NN-PTNT đề nghị các tỉnh ĐBSCL cần tập trung rà soát, nắm chắc đối tượng, nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp nông thôn, tập trung đào tạo lực lượng nông dân chuyên nghiệp. Đẩy mạnh công tác đào tạo nông dân chất lượng cao tham gia vào thị trường lao động quốc tế thông qua hợp đồng lao động của các doanh nghiệp. Xây dựng các chương trình đào tạo đa mục tiêu, đa đối tượng và đa hình thức.

Đề án 'Đào tạo chuyển đổi nghề nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL đến năm 2030' tỷ lệ lao động trong vùng ĐBSCL qua đào tạo sẽ đạt 65%. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đề án “Đào tạo chuyển đổi nghề nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL đến năm 2030” tỷ lệ lao động trong vùng ĐBSCL qua đào tạo sẽ đạt 65%. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng yêu cầu các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các địa phương phải có cơ chế đặt hàng với doanh nghiệp trong công tác đào tạo lao động. Đồng thời phải có các chính sách, cơ chế ưu đãi, hấp dẫn cho các doanh nghiệp tham gia công tác đào tạo nghề, có chính sách cho người lao động vay ưu đãi trong việc học nghề.

Đề án “Đào tạo chuyển đổi nghề nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL đến năm 2030” tỷ lệ lao động vùng ĐBSCL qua đào tạo sẽ đạt 65%. Trong đó, tỷ lệ qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 25%, tỷ trọng lao động khu vực nông nghiệp giảm xuống còn 20 – 25%, số lượng lao động cần đào tạo nghề 1,5 triệu lao động. Đến năm 2030, toàn vùng tỷ lệ cán bộ HTX tốt nghiệp cao đẳng, đại học ít nhất 25% từ đó góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người trong vùng ĐBSCL đạt 146 triệu đồng/người/năm.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email