Sunday, April 28

Tiền Giang bỏ vụ lúa thu đông ở vùng ngọt hóa Gò Công

Vụ lúa hè thu 2023, nông dân các huyện phía đông tỉnh Tiền Giang gieo sạ được hơn 21.000ha, tăng gần 6% so với kế hoạch. Hiện nông dân đã thu hoạch gần xong vụ lúa này. Năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi, lúa đạt năng suất khá, bình quân khoảng 6,5 tấn/ha, tương đương các năm. Mặc dù giá vật tư, giống, công lao động vụ này vẫn ở mức cao nhưng nhờ áp dụng tốt các quy trình “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” nên giá thành sản xuất năm nay có giảm nhẹ về mức khoảng 4.038 đồng/kg.

Nông dân Tiền Giang thu hoạch lúa hè thu. Ảnh: Minh Đãm.

Nông dân Tiền Giang thu hoạch lúa hè thu. Ảnh: Minh Đãm.

Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tiền Giang cho biết, sau khi thu hoạch vụ lúa hè thu này, Sở NN-PTNT Tiền Giang chỉ đạo không sản xuất vụ lúa thu đông 2023 đối với các huyện vùng phía đông của tỉnh bởi theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn, xâm nhập mặn mùa khô 2023 – 2024 dự báo gay gắt xấp xỉ mùa khô 2019 – 2020 nên nguồn nước ở vùng ngọt hóa Gò Công sẽ không bảo đảm cho sản xuất lúa.

Sở NN-PTNT khuyến cáo nông dân lựa chọn phương án cho đất nghỉ ngơi để chuẩn bị tốt cho vụ lúa đông xuân 2023 – 2024 nhằm né hạn mặn, hoặc có thể trồng luân canh một vụ cây ngắn ngày trên đất lúa để tăng thu nhập. Nhà nước sẽ hỗ trợ cho nông dân không sản xuất lúa thu đông 2 triệu đồng/ha hoặc 3 triệu đồng/ha đối với luân canh một vụ rau màu trên nền đất lúa.

Chương trình này được tỉnh Tiền Giang khuyến cáo từ năm 2016 đến nay và được người dân đồng tình hưởng ứng. Vụ đông xuân sớm 2019 – 2020, chính nhờ phương án này nên Tiền Giang đã thoát được hạn mặn và trúng mùa. Chương trình hỗ trợ liên tiếp 3 năm cho nông dân lần đầu tự nguyện đăng ký không sản xuất hoặc luân canh cây rau màu trên đất lúa.

Tuy nhiên, một vài năm gần đây, một số người dân vẫn tiếp tục xuống giống vụ thu đông, tỉnh tiếp tục khuyến cáo người dân không nên xuống giống vụ này để đảm bảo nguồn nước cho vụ lúa đông xuân ăn chắc.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email