Sunday, April 28

Học ngành thủy sản, chưa ra trường đã có việc làm

Nơi đào tạo nguồn nhân lực thủy sản chủ lực

Trường Đại học Nha Trang là nơi đào tạo nguồn nhân lực chủ lực cho ngành thủy sản phục vụ phát triển kinh tế biển. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, ngành thủy sản đang chuyển đổi từ đánh bắt sang nuôi biển cũng như chế biến để nâng cao giá trị.

TS Quách Hoài Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang cho biết: Trường Đại học Nha Trang hiện là một trong những cơ sở đào tạo đại học lớn ở khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên với 20 khoa, viện, trung tâm nghiên cứu, trung tâm chuyển giao công nghệ. Trường hiện đào tạo 50 ngành, chuyên ngành trình độ đại học, 19 ngành trình độ thạc sĩ và 11 ngành trình độ tiến sĩ, trong đó khoảng 1/3 số ngành có liên quan trực tiếp đến đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển.

Mỗi năm, Đại học Nha Trang đóng góp khoảng 200 kỹ sư, cử nhân nhóm ngành thủy sản và khoảng 20 - 30 thạc sĩ/tiến sĩ. Ảnh: Mai Phương.

Mỗi năm, Đại học Nha Trang đóng góp khoảng 200 kỹ sư, cử nhân nhóm ngành thủy sản và khoảng 20 – 30 thạc sĩ/tiến sĩ. Ảnh: Mai Phương.

Những năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực cho ngành thủy sản nói riêng của Đại học Nha Trang đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trường là số ít cơ sở giáo dục đại học tổ chức đào tạo tất cả các bậc, hình thức trong hệ thống giáo dục đại học, từ đại học đến tiến sĩ; là cơ sở duy nhất trong cả nước đào tạo tất cả các ngành trong lĩnh vực thủy sản từ khai thác, chế biến, nuôi trồng, khoa học thủy sản, quản lý thủy sản và một số ngành kỹ thuật liên quan khác.

Mỗi năm, nhà trường đóng góp khoảng 200 kỹ sư, cử nhân nhóm ngành thủy sản; khoảng 20 – 30 thạc sĩ và tiến sĩ. Người học có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp đạt tỉ lệ từ 95 – 100%, phục vụ đa dạng nhu cầu việc làm từ các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thủy sản ở 28 tỉnh thành ven biển và các cơ quan trung ương, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh như chế biến thủy sản, nuôi trồng thủy sản khắp cả nước, trong đó tập trung ở khu vực Nam Trung bộ, ĐBSCL.

Tuy vậy, theo TS Quách Hoài Nam, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực thủy sản chưa đạt được kỳ vọng của trường ở cả khía cạnh đầu vào cũng như đầu ra. Sinh viên theo học nhóm ngành này có xu hướng giảm dần, ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra, mặc dù Trường có nhiều chính sách hỗ trợ cũng như nâng cao chất lượng đào tạo nói chung và nhóm ngành thủy sản nói riêng.

Về nguyên nhân sinh viên ngày càng không mặn mà theo học ngành thủy sản, TS Nam cho rằng những năm qua, mặc dù đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế biển nói chung và thủy sản nói riêng nhưng cơ bản sinh viên có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề, việc làm thời thượng. Bên cạnh đó, do đặc thù việc làm trong lĩnh vực thủy sản khá vất vả, trong khi mức thu nhập chưa cao hơn so với nhiều các ngành nghề, vị trí việc làm khác.

Mặt khác, các cơ quan nhà nước chưa định biên rõ ràng vị trí việc làm ở các cơ quan quản lý thủy sản. Ngoài ra, ở góc độ của cơ sở đào tạo, TS Nam cho rằng chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được như kỳ vọng của xã hội vì nguồn lực đầu tư của nhà nước cho nhóm ngành này chưa cao, trong khi đây là nhóm ngành phục vụ cho sự phát triển kinh tế biển và an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo. Ngoài ra, cơ sở đào tạo chưa thực sự thích ứng và linh hoạt trong xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội.

Cũng theo TS Quách Hoài Nam, số lượng sinh viên theo học ngành thủy sản ngày càng ít sẽ kéo theo nhiều hệ lụy trước mắt cũng như lâu dài. Thứ nhất, sẽ gây ra thiếu hụt nhân lực trình độ cao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nói chung, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế biển của đất nước, gây khó khăn cho sự phát triển của doanh nghiệp chế biến, nuôi trồng thủy sản trước mắt cũng như lâu dài, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của ngành hàng này trên thế giới.

Thứ hai, thực trạng này cũng gây ra tình trạng thiếu tính kế thừa trong đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học đầu đàn trong đơn vị nghiên cứu, cơ sở giáo dục đào tạo, về lâu dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công tác giáo dục và đào tạo của đất nước.

Cung không đủ cầu

TS Nam cũng cho biết hiện nay, cơ hội việc làm của sinh viên theo học ngành thủy sản ra trường là rất lớn. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, bên cạnh các cơ quan ở trung ương (Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư, các cục, vụ liên quan đến nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản, an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản của Bộ NN-PTNT…) và các cơ quan tương tự ở 28 địa phương ven biển, nhu cầu về cán bộ học ngành khai thác, quản lý thủy sản, chế biến thủy sản, nuôi trồng thủy sản hàng năm có thể đến hàng trăm sinh viên.

Đại học Nha Trang hợp tác sâu rộng với nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản, giúp cơ hội việc làm của sinh viên ra trường ngày càng cao. Ảnh: Mai Phương.

Đại học Nha Trang hợp tác sâu rộng với nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản, giúp cơ hội việc làm của sinh viên ra trường ngày càng cao. Ảnh: Mai Phương.

Ngoài ra, các đơn vị sản xuất, kinh doanh như các tập đoàn, công ty liên quan đến nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản còn có nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn lên đến hàng ngàn cử nhân, kỹ sư mỗi năm.

Trường Đại học Nha Trang hiện có mạng lưới hợp tác sâu rộng với rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thuỷ sản trên cả nước, qua đó cho phép doanh nghiệp cử các nhà quản lý, chuyên gia giỏi tham gia xây dựng chương trình đào tạo, giảng dạy và hướng dẫn sinh viên nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường và xã hội. Doanh nghiệp hỗ trợ sinh viên tiếp cận sớm với hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp nhằm góp phần phát triển đội ngũ lao động có kỹ năng và hội nhập thực tế.

Nhà trường thường xuyên cung cấp thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp tới sinh viên, định kỳ tổ chức ngày hội việc làm, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn nhân lực có chất lượng và phù hợp. Nhờ đó, thực tiễn các năm qua cho thấy chất lượng đào tạo các ngành về thủy sản luôn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, số lượng sinh viên tốt nghiệp luôn không đủ nhu cầu của doanh nghiệp đến tuyển dụng.

Thậm chí, khá nhiều sinh viên đã có việc làm ngay trong giai đoạn thực tập, làm đồ án tốt nghiệp. Về thu nhập, đa phần sinh viên tốt nghiệp các ngành về thủy sản làm việc tại các doanh nghiệp với mức lương khởi điểm từ 8 – 10 triệu đồng/tháng, đồng thời có nhiều cơ hội phát triển và thăng tiến trong sự nghiệp.

Nhiều sinh viên theo học ngành thủy sản dù chưa ra trường đã có việc làm với mức lương ổn định. Ảnh: Mai Phương.

Nhiều sinh viên theo học ngành thủy sản dù chưa ra trường đã có việc làm với mức lương ổn định. Ảnh: Mai Phương.

Để thu hút nguồn nhân lực theo học nhóm ngành thủy sản, TS Nam cho rằng rất cần có những chính sách cụ thể liên quan đến học phí, sinh hoạt phí, đặc biệt là các ngành khai thác, khoa học và quản lý thủy sản vì đây là những ngành đặc thù, rất cần cho phát triển kinh tế biển, an ninh chủ quyền biển đảo của đất nước. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách đặt hàng từ doanh nghiệp liên quan đến một số ngành mà doanh nghiệp đang có nhu cầu cao, chẳng hạn như nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản.

Ví dụ trong năm 2022, Đại học Nha Trang đã ký thỏa thuận hợp tác đào tạo với Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đào tạo 2 ngành Nuôi trồng thủy sản và Chế biển thủy sản. Theo đó, mỗi năm Minh Phú đặt hàng cho Đại học Nha Trang đào tạo 100 kỹ sư 2 ngành này với tổng kinh phí là 10 tỷ đồng, được triển khai trong 5 năm từ 2022 – 2027. Sinh viên theo học chương trình này sẽ được hỗ trợ kinh phí đào tạo, cam kết việc làm 100% sau khi tốt nghiệp. Đây có thể coi là giải pháp khả thi và bước đầu thu hút được nhiều sinh viên quan tâm theo học.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email