Friday, April 26

Thủy lợi – xung lực phát triển kinh tế [Bài cuối]: Tập trung giữ nguồn nước cho tương lai

Nguy cơ thiếu nước

Tuy là tỉnh phát triển công nghiệp nhưng diện tích sản xuất nông nghiệp của Đồng Nai vẫn khá lớn. Lĩnh vực này được tỉnh rất coi trọng vì gần 60% dân số vẫn sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện có 137 công trình thủy lợi đang hoạt động gồm 18 hồ chứa, 56 đập dâng, 39 trạm bơm, 24 công trình ngăn mặn, ngăn lũ, tiêu thoát lũ. Tổng năng lực phục vụ tưới hàng năm đạt trên 50.800ha; tiêu và ngăn mặn cho hơn 9.300ha.

Trong số 18 hồ chứa (10 hồ chứa lớn và 8 hồ chứa vừa), Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai đang quản lý 11 hồ, Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai quản lý 1 công trình (hồ Bà Hào), còn lại địa phương quản lý 6 công trình.

Tổng dung tích các hồ chứa này là 107 triệu m3, tổng năng lực tưới phục vụ sản xuất gần 6.200ha, tổng năng lực cấp nước thô phục vụ công nghiệp và sinh hoạt gần 112.000 m3/ngày. Các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Các công trình thủy lợi được UBND tỉnh Đồng Nai quan tâm, bảo trì, nâng cấp thường xuyên nhằm phát huy tốt vai trò phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt. Ảnh: Lê Bình.

Các công trình thủy lợi được UBND tỉnh Đồng Nai quan tâm, bảo trì, nâng cấp thường xuyên nhằm phát huy tốt vai trò phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt. Ảnh: Lê Bình.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt, hiện công tác quản lý các công trình thuỷ lợi vẫn tồn tại một số hạn chế. Nhiều công trình đã có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng do đã được xây dựng và đưa vào hoạt động từ rất lâu.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các công trình thủy lợi còn chậm; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, vận hành, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi đã được chính quyền địa phương triển khai nhưng chưa đáp ứng yêu cầu khi đi vào thực tế. Các hành vi lấn chiếm, vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi vẫn đang tồn tại và chưa được xử lý dứt điểm.

Trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ hình thành thêm 8 khu công nghiệp (KCN), gần 300 khu dân cư và sân bay Long Thành sẽ hoàn thành đưa vào khai thác. Vì thế, dân số sẽ tăng nhanh, nhu cầu về nước cho sinh hoạt, sản xuất có thể tăng gấp 2-3 lần so với hiện nay.

Nếu công tác quản lý, bảo vệ các công trình thủy lợi thiếu chặt chẽ, tỉnh không quy hoạch, xây dựng các hồ chứa, công trình cấp nước đúng lộ trình, tỉnh Đồng Nai sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nước cho sinh hoạt, sản xuất.

Quản lý khai thác cả nước mặt và nước ngầm

Để đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong tương lai, Đồng Nai đã ban hành phương án, đề án khai thác nước dưới đất, nước mặt. Trong đó, giao trách nhiệm cho các sở, ngành, địa phương trong việc vận động, khuyến khích người dân, doanh nghiệp cùng tham gia tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước.

Hiện nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia các giải pháp tiết kiệm nước. Đặc biệt, không ít doanh nghiệp đã ứng dụng quy trình tái sử dụng nước thải. Với nông nghiệp, từ nhiều năm trước, nông dân trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng tưới tiết kiệm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để giảm sử dụng nước tưới, tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích sản xuất.

Theo các chuyên gia về môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên nước là trách nhiệm của cả cộng đồng. Cá nhân mỗi người dân cũng có thể tham gia bằng những hành động thiết thực như: sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch trong sinh hoạt, hạn chế những việc làm có thể gây ô nhiễm nguồn nước. Bảo vệ nguồn nước cũng là đang góp phần vào giảm nhẹ ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu.

Ngoài nhiệm vụ cung cấp nước phục vụ tưới tiêu, nước sinh hoạt, các hồ chứa nước tại Đồng Nai đang cho thấy hiệu quả của việc phát triển kinh tế. Ảnh: Trần Trung.

Ngoài nhiệm vụ cung cấp nước phục vụ tưới tiêu, nước sinh hoạt, các hồ chứa nước tại Đồng Nai đang cho thấy hiệu quả của việc phát triển kinh tế. Ảnh: Trần Trung.

Bên cạnh đó, trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh khuyến khích, hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiết kiệm nguồn nước tưới thông qua lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, tưới phun, chuyển đổi sang những cây trồng sử dụng ít nước. Với sản xuất công nghiệp, tỉnh cũng khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào sản xuất tuần hoàn, xử lý nước thải và tái sử dụng.

Theo quy hoạch thủy lợi của Đồng Nai đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, trên địa bàn tỉnh sẽ lấy nguồn nước sinh hoạt từ 2 sông Đồng Nai, Đồng Môn và 5 hồ gồm: Trị An, Gia Ui, Núi Le, Đá Vàng, Cầu Mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, để nguồn nước ngầm, nước mặt bị ô nhiễm sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho người dân, vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Vì thế, tỉnh sẽ ưu tiên nguồn vốn đầu tư các công trình nước sạch phục vụ nhân dân.

Tuy nhiên, các dự án nước sạch được đầu tư xong cần xây dựng quy chế vận hành, quản lý, mức giá bán phù hợp. Và khi có hệ thống cấp nước sạch tập trung, các địa phương vận động người dân trám lấp giếng khoan, giếng đào để bảo vệ nước ngầm cho tương lai. Trong phát triển bền vững không thể thiếu được việc bảo vệ nguồn nước.

Tiếp tục đầu tư cho thủy lợi

Để nguồn nước đảm bảo ổn định phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, trong giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai sẽ đầu tư xây dựng mới 72 công trình thủy lợi; sửa chữa nâng cấp 18 công trình; kiên cố hóa 60 công trình kênh mương.

Tổng kinh phí đầu tư trên 25.600 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách trung ương, tỉnh, địa phương và xã hội hóa. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2035, các công trình thủy lợi sẽ đảm bảo nước tưới cho tất cả diện tích sản xuất nông nghiệp, cung cấp đủ nước sinh hoạt tại các địa phương.

Các cán bộ của Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình thủy lợi để việc vận hành được trơn tru, phục vụ tốt hơn cho việc tưới tiêu. Ảnh: Lê Bình.

Các cán bộ của Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình thủy lợi để việc vận hành được trơn tru, phục vụ tốt hơn cho việc tưới tiêu. Ảnh: Lê Bình.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và thủy lợi Đồng Nai Vũ Quốc Việt cho biết, đến nay, toàn tỉnh đã triển khai đầu tư 35 dự án thủy lợi với tổng kinh phí gần 6.200 tỷ đồng. Trong đó, gồm có công trình phục vụ tưới, tiêu thoát nước, mở rộng hồ chứa nước, kiên cố hóa kênh mương. Thời gian tới, các dự án thủy lợi cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất sẽ tiếp tục được tỉnh ưu tiên nguồn vốn để triển khai thực hiện.

Về nước sạch nông thôn, hiện toàn tỉnh có 63 công trình cấp nước tập trung đang hoạt động với tổng công suất trên 64.000 m3/ngày đêm. Trong đề án “Cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025”, Đồng Nai sẽ bố trí 5.100 tỷ đồng để thực hiện các công trình cấp nước sạch.

Trong đó, hơn 3.300 tỷ đồng thực hiện các dự án cấp nước đô thị và gần 1.700 tỷ đồng dự án cấp nước khu vực nông thôn. Ngoài ra, sẽ bố trí hàng chục ngàn tỷ đồng để xây dựng mới, sửa chữa các công trình thủy lợi.

Trong đợt khảo sát một số công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, nước là nguồn tài nguyên quan trọng, địa phương nào có nguồn nước dồi dào sẽ có lợi thế lớn.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu, các địa phương phải phát huy tối đa giá trị của mặt nước, hồ nước để vừa là nguồn cung cấp nước vừa là điểm du lịch, không gian sinh thái phục vụ nhân dân, phục vụ kinh tế của địa phương. Cần quan tâm công tác giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn nước của người dân, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi ảnh hưởng đến nguồn nước, những vi phạm cần phải được xử lý nghiêm.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email