Monday, April 29

ThaiBinh Seed hỗ trợ tối đa nguồn lực để kết nối đại điền với doanh nghiệp

Ông Trần Mạnh Báo trao đổi với các đại điền khi tham quan Viện Nghiên cứu cây trồng của ThaiBinh Seed tại huyện Đông Hưng. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Trần Mạnh Báo trao đổi với các đại điền khi tham quan Viện Nghiên cứu cây trồng của ThaiBinh Seed tại huyện Đông Hưng. Ảnh: Bảo Thắng.

Sáng 25/5, Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam và CLB Đại điền tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị “Kết nối Doanh nghiệp và Đại điền”.

Dự hội nghị có ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc sở NN-PTNT Thái Bình; ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam; ông Đỗ Văn Dân, Chủ tịch CLB Đại điền Thái Bình; ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT ThaiBinh Seed cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT Thái Bình, ThaiBinh Seed và hơn 300 đại điền trên địa bàn tỉnh cùng các địa phương lân cận.

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Lê Trọng Đảm cho biết, thời gian qua các chính sách về ruộng đất được Đảng, Nhà nước, các Bộ, ban, ngành ưu tiên. Dù vậy, những chính sách này không phải lúc nào cũng bắt kịp được sự chuyển động trong cuộc sống.

“Cánh đồng mẫu lớn đang trở thành vấn đề cấp thiết, đòi hỏi sự thay đổi của văn bản quy phạm pháp luật, cũng như sự thích ứng, chủ động từ người dân”, ông Đảm nói.

Ước tính có hơn 300 đại biểu đã tới tham quan cơ sở vật chất của ThaiBinh Seed sáng 25/5. Ảnh: Bảo Thắng.

Ước tính có hơn 300 đại biểu đã tới tham quan cơ sở vật chất của ThaiBinh Seed sáng 25/5. Ảnh: Bảo Thắng.

Theo ông Đảm, mô hình đại điền đã và đang chứng tỏ được sự hiệu quả trong sản xuất thực tiễn, cũng như trở thành chủ thể dẫn dắt sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Đặc biệt tại Thái Bình, địa phương có cơ chế tương đối cởi mở về tích tụ ruộng đất, cách làm này càng phát huy hiệu quả.

Qua phản ánh của các cơ quan thông tấn, báo chí, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã biết tới mô hình đại điền ở Thái Bình. Người đứng đầu Bộ NN-PTNT ngạc nhiên khi nhiều người dân nơi đây tích tụ được hàng chục hecta đất dù ruộng đất còn nhỏ lẻ, manh mún.

Lý giải về nguyên nhân này, ông Lê Trọng Đảm cho rằng ThaiBinh Seed giữ vai trò dẫn dắt, kết nối và luôn đồng hành với người nông dân. Nhờ sự quan tâm của tập đoàn trong việc hỗ trợ giống, kỹ thuật canh tác, người dân yên tâm tập trung sản xuất.

Thay mặt Ban tổ chức, ông Đảm cũng nêu ra 3 vấn đề trong việc tích tụ ruộng đất tại Thái Bình hiện nay. Một là, việc chuyển quyền sử dụng đất có bị giới hạn trong một xã, một thị trấn hay không. Hai là, thuế, phí cho người tích tụ ruộng đất hiện bị áp chung như các bất động sản khác. Ba là, các hộ không sản xuất nông nghiệp có được tích tụ ruộng đất hay không.

Phó Tổng biên tập Lê Trọng Đảm phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Bảo Thắng.

Phó Tổng biên tập Lê Trọng Đảm phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Bảo Thắng.

Cảm ơn sự đánh giá của lãnh đạo Báo Nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch HTQT ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo đồng thời nhấn mạnh: “Hợp tác doanh nghiệp và đại điền là xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường hiện nay”.

Thực tế, một số địa phương gần đây đã xuất hiện việc liên kết giữa các HTX và những “người nông dân mới”, cụ thể là các đại điền. Trên cơ sở đó, mô hình sản xuất trên những cánh đồng mẫu lớn, có thể áp dụng cơ giới và khoa học kĩ thuật, nâng cao chất lượng lúa gạo, nông sản, mang lại giá trị được hình thành.

Điều này vốn không xa lạ ở các tỉnh ĐBSCL, nhưng với khu vực Bắc bộ, người đứng đầu ThaiBinh Seed nhận xét, xu thế này vẫn còn tương đối hiếm và cần nhiều sự hỗ trợ.

Về phía ThaiBinh Seed, tập đoàn đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, gặp gỡ những người “nông dân mới” mà tiêu biểu là CLB Đại điền của tỉnh; đồng thời tổ chức các buổi làm việc với Ban điều hành của CLB để thảo luận, thống nhất các nội dung hợp tác.

“Tại hội nghị này, ThaiBinh Seed sẵn sàng là đơn vị tiên phong trong việc ký kết hợp tác với CLB Đại điền để phát triển ngành nông nghiệp Thái Bình”, ông Báo cam kết.

Ông Trần Mạnh Báo kêu gọi các đại điền và người nông dân mạnh dạn thay đổi nhận thức trong sản xuất. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Trần Mạnh Báo kêu gọi các đại điền và người nông dân mạnh dạn thay đổi nhận thức trong sản xuất. Ảnh: Bảo Thắng.

Ngoài việc kết nối, hợp tác với các đại điền, ThaiBinh Seed còn mong muốn “bắt tay” với các doanh nghiệp liên quan, sẵn sàng làm cầu nối để các bên chung tay phát triển nền nông nghiệp Thái Bình nói riêng và nền nông nghiệp cả nước nói chung.

Thông qua hội nghị, Chủ tịch ThaiBinh Seed cũng kêu gọi bà con nông dân thay đổi nhận thức để xây dựng nền sản xuất tiên tiến, hiện đại. Đặc biệt, người nông dân cần tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ theo hướng am hiểu kỹ thuật, nắm chắc thị trường và chủ động, tích cực hợp tác quốc tế.

“Một đơn vị không đủ nguồn lực để thực hiện tất cả các khâu. Do đó cần có sự hợp tác, liên kết để tạo thành chuỗi hoàn chỉnh, từ nghiên cứu sản phẩm phù hợp thị trường, tổ chức chuyển giao kỹ thuật, liên kết tổ chức sản xuất, tạo đầu ra cho sản phẩm có giá trị”, ông Báo chia sẻ.

Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Bình Đinh Vĩnh Thụy phát biểu tổng kết hội nghị. Ảnh: Bảo Thắng.

Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Bình Đinh Vĩnh Thụy phát biểu tổng kết hội nghị. Ảnh: Bảo Thắng.

Theo CLB Đại điền Thái Bình, hơn 300 thành viên thuộc CLB đã tích cực thu gom những mảnh ruộng nhỏ của người dân. Hiện nhiều người đã tích lũy được đến 100 ha đất. Chính từ những thành viên này, nhiều HTX mới được hình thành, củng cố và phát triển.

Chủ tịch CLB Đại điền Đỗ Văn Dân thống kê, rằng mỗi hộ dân tốn khoảng 4-5 tỉ đồng nếu sản xuất lớn trên 100 mẫu. Số này bao gồm tiền mua đất làm kho, bãi; tiền mua, thuê ruộng; tiền xây dựng cơ sở hạ tầng… Đặc biệt, hầu như tất cả số tiền này người dân phải đi vay mượn và trở thành chi phí cố định. Sau khi trừ chi phí, người dân thu lời khoảng 200.000 đồng/sào.

“Nông dân hiện vay tín chấp là chính, nếu như mất mùa thì tất cả các đối tác cũng sợ và không dám đầu tư vào vụ sau”, ông Dân trăn trở.

Để giữ vững tinh thần đại điền, Chủ tịch CLB Đại điền đề xuất chính quyền địa phương tạo điều kiện hơn nữa về đất đai, cũng như tiếp tục có hỗ trợ về máy móc, trang thiết bị, lò sấy và các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật.

Vấn đề ông Dân nhấn mạnh, là cơ chế hỗ trợ 10-20kg thóc với người cho thuê. Theo ông, phần hỗ trợ này nên dành cho người đi thuê ruộng, bởi người cho thuê đã nhận được một khoản tiền theo hợp đồng.

Người dân đặc biệt quan tâm đến những giống lúa TBR225, A Sào... của ThaiBinh Seed. Ảnh: Bảo Thắng.

Người dân đặc biệt quan tâm đến những giống lúa TBR225, A Sào… của ThaiBinh Seed. Ảnh: Bảo Thắng.

Giám đốc sở NN-PTNT Đinh Vĩnh Thụy thừa nhận, dù là tỉnh sản xuất lúa hàng đầu khu vực Đồng bằng sông Hồng, Thái Bình mới chập chững trong việc tích tụ đất đai. Các chính sách ban hành, nhất là về đất đai, mới là bước đầu. Những bất cập, chưa sát thực tế là điều khó tránh.

Chia sẻ những tâm tư với CLB Đại điền, ông Thụy kêu gọi những “nông dân mới” của tỉnh quan tâm hơn đến việc gia nhập, xây dựng mô hình HTX.

Theo ông Thụy, thông qua cơ chế HTX, các đại điền có thể dễ dàng tiếp cận với những chính sách ưu đãi của Nhà nước như tín dụng, đào tạo, cũng như các hỗ trợ riêng của tỉnh về máy cấy, máy sấy…

“Mô hình đại điền đã chứng tỏ được sự hiệu quả, nhưng mới dừng ở khía cạnh đất đai, tổ chức sản xuất là chính. Để cách thức này được phát triển bền vững, chúng ta cần xây dựng những cơ chế liên kết, theo cả ngành ngang lẫn ngành dọc, trước mắt là giữa doanh nghiệp và các hộ đại điền”, Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Bình bày tỏ.

Song song với đó, ông Thụy cũng nhắn nhủ tới cấp ủy các cấp, chính quyền địa phương trong việc tổ chức và quản lý đất đai, hỗ trợ các đại điền xử lý nhanh chóng thủ tục liên quan.

Đại diện ThaiBinh Seed và CLB Đại điền ký kết thỏa thuận hợp tác tại hội nghị. Ảnh: Bảo Thắng.

Đại diện ThaiBinh Seed và CLB Đại điền ký kết thỏa thuận hợp tác tại hội nghị. Ảnh: Bảo Thắng.

Kết thúc hội nghị, 3 lễ ký kết diễn ra. Đầu tiên, là Tập đoàn ThaiBinh Seed và CLB Đại điền thống nhất hợp tác, xác định vùng sản xuất lúa và nông sản phù hợp với từng địa phương trong tỉnh để đạt năng suất, chất lượng tốt.

Ngoài ra, ThaiBinh Seed sẽ cung cấp giống lúa chất lượng theo yêu cầu của CLB Đại điền với giá hợp lý, đồng thời chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các thành viên CLB Đại điền trong sản xuất giống cây trồng đặc biệt là giống lúa và cây lương thực.

ThaiBinh Seed cũng hợp tác, hỗ trợ CLB Đại điền tìm đầu ra cho sản phẩm và cam kết ưu tiên lựa chọn CLB Đại Điền là đối tác cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy gạo của ThaiBinh Seed sau khi dự án đưa vào hoạt động.

Nội dung ký kết thứ hai là giữa Công ty Hưng Cúc và CLB Đại điền. Lượt ký cuối là giữa Công ty Kinh doanh lương thực ThaiBinh Seed với thành viên CLB Đại điền về việc hợp tác bao tiêu sản phẩm tại mô hình sản xuất lúa TBR-39.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email