Friday, April 19

Nhân dân hiến đất, xã hội có đường khang trang

Đường Âu Cơ được người dân hiến đất làm đường. Ảnh: Tuấn Anh.

Đường Âu Cơ được người dân hiến đất làm đường. Ảnh: Tuấn Anh.

Chuyện đó có ở nhiều nơi trên đất nước ta và Đắk Tô (Kon Tum) cũng vậy. Nhân dân đang làm tất cả những gì tích cực nhất để có cuộc sống tươi mới, hạnh phúc. Hiến đất làm đường, làm nhà văn hóa khang trang là một ví dụ như thế!

Những con đường làm đẹp quê hương

Những ngày này, người dân khối 9 (thị trấn Đắk Tô, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) truyền tai nhau câu chuyện 2 hộ dân là bà Bùi Thị Thông và ông Lê Triều vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum tặng Bằng khen vì có thành tích hiến đất làm đường. Người dân bày tỏ sự cảm phục bởi tinh thần biết hy sinh lợi ích cá nhân để góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh.

Mang chuyện 2 hộ được tặng Bằng khen hỏi ông Nguyễn Văn Thiện, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Đắk Tô, ông nói, nhiều người dân ở quê mình trách nhiệm với việc làng việc xã lắm. Ai cũng nhận thức được việc đó vì cái chung trong đó có lợi ích của mình. Hai hộ dân được nhận Bằng khen của Chủ tịch tỉnh là xứng đáng được khen.

Năm 2023, trong quá trình thi công đường Âu Cơ (thị trấn Đắk Tô), 2 hộ trên đã tham gia hiến hơn 1.200m2 đất và 230 cây cà phê, mít, bời lời, cà ri với tổng tài sản trị giá 272 triệu đồng.

Nhờ dân hiến đất mà con đường làm nhanh hơn, hiện đã thông tuyến. Nhờ đó mà tiết kiệm được ngân sách Nhà nước, góp phần chỉnh trang đô thị, phấn đấu từng bước đạt các tiêu chí đô thị loại 4. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức trao quyết định này.

Xuôi về thôn 6 (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum), chúng tôi chứng kiến từng đoàn xe thu hoạch nông sản chạy bon bon từ rẫy qua cầu bê tông để về nhà, gương mặt lộ rõ nụ cười vui tươi. Dân vui vì từ lúc cây cầu thôn 6 được Nhà nước đầu tư vào năm 2020, bà con hết nỗi lo nông sản bí đường vận chuyển.

Theo đại diện ngành chức năng huyện Kon Rẫy, cây cầu này có sự đóng góp rất lớn của người dân khi 8 hộ tham gia hiến hơn 8.000m2, trị giá hơn 200 triệu đồng. Nhờ dân hiến đất mà dự án triển khai và đưa vào hoạt động sớm, giúp bà con vận chuyển nông sản, đi lại thuận lợi.

Nhờ người dân hiến đất, những con đường xây dựng khang trang. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhờ người dân hiến đất, những con đường xây dựng khang trang. Ảnh: Tuấn Anh.

Tại huyện Tu Mơ Rông, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện vui mừng cho biết, trong khoảng 5 năm qua, người dân đã tham gia hiến khoảng 25.000m2 đất và cây cối, hoa màu phục vụ dự án làm đường nông thôn, công trình nước tự chảy với giá trị ước tính khoảng 700 triệu đồng.

Những công trình này đã phát huy tác dụng khi giúp bà con đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi cũng như cung cấp nước sinh hoạt, dẫn nước tưới tiêu cho đồng ruộng, giúp các cánh đồng luôn xanh, lúa trĩu bông. Đáng nói, những người hiến là đồng bào Xơ Đăng, cuộc sống còn nghèo, nhưng với ý thức xây dựng nông thôn mới, đã tự nguyện hiến tài sản của họ. Đây là hành động rất đáng trân quý.

Điểm sáng vùng biên

Tại huyện biên giới Ia Grai (tỉnh Gia Lai), người dân nơi đây cũng hiến đất xây dựng nông thôn mới. Dự án đường giao thông nội đồng có 3 nhánh xuống cánh đồng lúa thôn Mayh (xã Ia Krai, huyện Ia Grai) xây dựng năm 2021 với chiều dài 760m, tổng kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng.

Triển khai dự án, có 16 hộ dân thôn Mayh hiến 2.000m2 đất và 250 cây cà phê, điều. Có mặt tại đây, một đoạn bê tông rộng hơn 3m được xây dựng thẳng tắp nối từ làng xuống các khu ruộng. Người dân ngồi bên đường hóng mát, kể chuyện cây trồng được mùa, vận chuyển lúa thuận lợi. Họ cảm ơn nhà nước đã đầu tư con đường bê tông này.

Già Rơ Châm Chích (bía trái) bên cạnh nhà văn hoá làng Beng. Già đã hiến đất cho làng xây nhà văn hóa. Ảnh: Tuấn Anh.

Già Rơ Châm Chích (bía trái) bên cạnh nhà văn hoá làng Beng. Già đã hiến đất cho làng xây nhà văn hóa. Ảnh: Tuấn Anh.

Xuôi về làng Beng (xã Ia Chía, huyện Ia Grai), chúng tôi choáng ngợp bởi nhà văn hoá nơi đây được xây dựng khang trang, bề thế trên diện tích rộng hơn 350m2. Để xây dựng nhà văn hoá, công lớn thuộc về già làng Rơ Châm Chích (66 tuổi). Thời điểm trên, xã có chủ trương làm nhà văn hoá thôn nhưng bị vướng chuyện làng Beng không có quỹ đất công. Đang loay hoay chưa biết tìm đất đâu để xây dựng thì già Chích đến nói sẽ hiến đất để xã xây nhà văn hóa.

“Lô đất mình hiến nằm ở mặt tiền, rộng, cao ráo, giá trị hồi ấy cũng 400 triệu đồng, còn giờ thì cao hơn. Chừng ấy tiền, mình mua được ô tô con, hoặc tậu hàng chục con trâu. Nhưng cuối cùng, mình không bán đất mà quyết định hiến để làm nhà văn hóa. Mình quyết định như vậy vì muốn đóng góp sức mình để xây dựng quê hương, để bà con có chỗ sinh hoạt, bảo tồn văn hoá bản địa”, già Chích nói.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email