Saturday, May 4

Ranh giới truyền thống của nhân y và thú y cần được vượt qua

Các đại biểu thực hành theo hướng dẫn của chuyên gia quốc tế. Ảnh: Đinh Mười.

Các đại biểu thực hành theo hướng dẫn của chuyên gia quốc tế. Ảnh: Đinh Mười.

Trong 2 phiên làm việc đầu tiên của Hội thảo “Kết nối điều lệ Y tế quốc tế (HIR) – Năng lực ngành Thú y (PVS) quốc gia” đang diễn ra tại TP Hải Phòng, các đại biểu đã được tham gia 2 phiên làm việc hiệu quả. Đại diện đến từ Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế và Bộ TN-MT đã có thêm thông tin và hiểu rõ tầm quan trọng của phối hợp liên ngành trong phòng, chống dịch bệnh.

Tai phiên làm việc thứ nhất, các thông tin cơ bản về khái niệm “Một sức khỏe” và sự hợp tác Ba bên giữa OIE – WHO – FAO. Sau đó là các bài trình bày tổng quan của Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT.

Theo đó, Một sức khỏe là khái niệm mới, mục đích đem lại sức khỏe cho con người, động vật và môi trường. Để đạt được những cách tiếp cận một cách hài hòa nhằm phát hiện bệnh, phòng chống bệnh là vấn đề khó khăn bởi ranh giới truyền thống của nhân y và thú y cần được vượt qua.

Một sức khỏe được hiểu là sự dự phòng các bệnh lây truyền từ động vật sang người bằng việc kiểm soát sự lây nhiễm và bệnh ở các quần thể hệ sinh thái. Từ góc độ y tế và thú y, mục tiêu cuối cùng của Một sức khỏe là làm thế nào để có “Một sức khỏe” con người tốt nhất.

Để nâng cao hiệu quả của các phương pháp tiếp cận Một sức khỏe, việc cần thiết là phải thiết lập một sự cân bằng tốt hơn giữa các nhóm ngành hiện có và mạng lưới, đặc biệt là giữa các bác sĩ thú y và các bác sĩ nhân y, tăng cường sự tham gia của các chuyên gia về sức khỏe môi trường và chuyên gia về động vật hoang dã, cũng như các nhà khoa học xã hội và các tổ chức phát triển.

Ông Bùi Nguyên Toàn, Chi cục Thú y vùng I chia sẻ: “Tôi rút ra nhiều điều mới, đặc biệt là sự phối hợp giữa các bên trong phòng, chống dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Qua hội thảo, giúp chúng tôi đánh giá được những điểm yếu, điểm mạnh, thực tiễn của hệ thống thú y và y tế Việt Nam mà chúng ta phải tăng cường trong thời gian tới”.

Chuyên gia quốc tế giải thích cụ thể hơn về khái niệm Một sức khỏe. Ảnh: Đinh Mười.

Chuyên gia quốc tế giải thích cụ thể hơn về khái niệm Một sức khỏe. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Đặng Hữu Nguyện – Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên (Bộ Y tế) cho biết, đơn vị có chức năng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến, đào tạo, huấn luyện, truyền thông giáo dục, sức khỏe về vệ sinh phòng dịch và tham mưu đề xuất với Bộ Y tế các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với đặc thù tự nhiên và xã hội theo từng thời kỳ phát triển tại các tỉnh Tây Nguyên.

Thông quan những nội dung trong ngày đầu tiên của hội thảo, các thành viên trong đoàn đã hiểu được khái niệm Một sức khỏe là gì, lịch sử, khung hoạt động và lợi ích của nó. Hiểu được rằng, có rất nhiều lĩnh vực cần thảo luận, có thể cải thiện hơn và hoàn toàn khả thi trên thực tiễn chứ không phải chỉ dừng lại ở khái niệm.

“Qua ngày làm việc đầu tiên, tôi hiểu thêm và đánh giá được mức độ hợp tác, phối hợp giữa các ngành liên quan ở 16 lĩnh vực kỹ thuật chủ chốt và xác định được những khoảng trống sự phối hợp của từng bệnh”, ông Nguyện chia sẻ.

Cũng trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu được định hướng lộ trình tới Một sức khỏe và phân chia làm việc theo nhóm để trao đổi thêm về các khái niệm được trình bày. Mỗi nhóm được bố trí một đại diện từ tuyến Trung ương và tuyến tỉnh của lĩnh vực y tế và thú y, tập trung và tình huống khẩn cấp giả định.

Các đại biểu cơ bản thay đổi nhận thức về sự phối hợp liên ngành trong phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Đinh Mười.

Các đại biểu cơ bản thay đổi nhận thức về sự phối hợp liên ngành trong phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Đinh Mười.

Sau đó, các nhóm đại biểu trình bày tiến trình của tình huống, xác định các hoạt động và các lĩnh vực phối hợp chung của 2 ngành y tế, thú y và đánh giá khả năng vận hành hiện tại của sự phối hợp này bằng các thẻ màu (xanh, xam, đỏ).

Thông qua các bộ phim tài liệu được thực hiện công phu, sát thực và các ví dụ cụ thể trên toàn thế giới về sự hợp tác liên ngành hiệu quả, các đại biểu cơ bản thấy rõ 2 ngành thú y và y tế có nhiều điểm chung về cách tiếp cận, tài liệu tham khảo và các quan điểm chiến lược.

Đại diện cho lực lượng Thú y ở cơ sở, ông Bùi Văn Luyện – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng chia sẻ, từ khi có dự án này và sau dịch cúm gia cầm, bệnh dại chó mèo, bệnh xoắn khuẩn, bệnh than,… mới hiểu thêm về vai trò của bác sĩ thú y.

Bên cạnh đó, những kiến thức, những chia sẻ tại hội thảo giúp những người làm công tác chuyên môn ở cơ sở thấy rõ hơn giữa 2 ngành y tế và thú y có nhiều điểm chung về cách tiếp cận, tài liệu tham khảo và quan điểm chiến lược.

“Tôi thấy được sự phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan thú y, y tế, môi trường và các phòng thí nghiệm là quan trọng trong công tác phòng dịch cũng như chống dịch truyền nhiễm. Các chuyên gia thông tin, có tới 70% dịch bệnh của người là từ động vật, do vậy tôi cảm nhận được thêm vài trò của những người làm công tác thú y rất lớn, nếu có sự phối hợp tốt sẽ góp phần phòng bệnh cho cả loài người”, ông Luyện bộc bạch.

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), Một sức khỏe là các nỗ lực hợp tác của nhiều lĩnh vực cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu để đạt được sức khỏe tối ưu cho người, động vật và môi trường của chúng ta. Cần phải thấy rằng có sự gắn bó chặt chẽ giữa sức khỏe con người, sức khỏe động vật và hệ sinh thái. Một sức khỏe đã tìm cách thúc đẩy, nâng cao và bảo vệ sức khỏe của tất cả các loài bằng cách tăng cường hợp tác giữa các bác sĩ nhân y, bác sĩ thú y, các nhà khoa học y học và các chuyên gia về môi trường để phát huy thế mạnh trong lĩnh vực lãnh đạo và quản lý để đạt được những mục tiêu này.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email