Tuesday, May 7

Liên kết để giảm giá thành chăn nuôi, tạo lợi thế đầu ra

Giá bán trứng gà ác hiện giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Minh Đảm.

Giá bán trứng gà ác hiện giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Minh Đảm.

Từ lỗ đến lỗ nặng

Tỉnh Tiền Giang là địa phương có tổng đàn gia cầm lớn nhất ĐBSCL. Từ đầu năm đến nay, thị trường thịt và trứng gia cầm tiếp tục diễn biến xấu khiến đa số người chăn nuôi thua lỗ, nhất là một số loại gia cầm chủ lực của địa phương như gà ác, chim cút, gà lông trắng (công nghiệp).

So với tháng trước, giá trứng gà công nghiệp dao động từ 1.900 – 2.100 đồng/quả (giảm 200 – 300 đồng/quả), giá trứng gà ác từ 1.400 – 1.700 đồng/quả (giảm 100 đồng/quả).

Từ đầu năm đến nay, giá trứng gà ác giảm 22 – 27% khiến hộ nuôi lỗ nặng. Còn những nông hộ nuôi gà công nghiệp chuyên trứng đang hòa vốn do giá giảm từ 15 – 20%. Cùng chung cảnh ngộ, nuôi chim cút chuyên trứng nông dân cũng chỉ hòa vốn.

Đối với thị trường gà thịt, giá gà lông trắng, giá hiện chỉ từ 19.000 – 21.000 đồng/kg, giảm 6.000 – 8.000 đồng/kg nên người nuôi vẫn đang lỗ. Nhóm gà thả vườn (lông màu) có giá ổn định hơn và dần hồi phục, trong đó gà Lương Phượng 40.000 đồng/kg, gà Bình Định 60.000 đồng/kg, riêng gà nòi từ 70.000 – 85.000 đồng/kg.

Hiện, người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất và kế hoạch khôi phục đàn, phát triển trong thời gian tới. Báo cáo tháng 5 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang cho thấy, tổng đàn gia cầm còn 16,4 triệu con, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Huyện Chợ Gạo là địa phương có ngành chăn nuôi gia cầm phát triển nhất tỉnh Tiền Giang với tổng đàn khoảng 8 triệu con, tập trung nhiều ở các xã Mỹ Tịnh An, Lương Hòa Lạc, Phú Kiết…

Tại xã Mỹ Tịnh An, ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch UBND xã cho biết địa phương có tổng đàn gà dao động khoảng 900.000 con. Từ những năm 2000, nghề nuôi gà ở địa phương đã sớm phát triển và mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, gần đây giá cả vật tư đầu vào tăng cao cùng với đó thị trường thịt, trứng gà đầu ra giảm kéo dài đã khiến không ít hộ chăn nuôi thua lỗ.

Khi nghề nuôi gà lấy trứng thịnh hành, gia đình ông Nguyễn Văn Trợ đã đầu tư chuồng trại quy mô lớn để nuôi gà ác chuyên trứng. Trước đây, giá cả thức ăn chỉ ở mức 190.000 đồng/bao và giá trứng gà ổn định 2.000 – 2.300 đồng/quả, lợi nhuận chăn nuôi rất hấp dẫn. Tuy nhiên, nhiều tháng qua, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng thêm 100.000 đồng/bao, ngược lại giá trứng gà ác giảm mạnh còn 1.400 đồng/quả.

“Giá trứng gà như thế này, người nuôi từ lỗ đến lỗ nặng, không có ai huề vốn. Thức ăn giữ giá hoài không thấy giảm. Người chăn nuôi phải gánh thôi không còn cách nào khác do cung vượt cầu”, ông Nguyễn văn Trợ ấp An Thuận, xã Mỹ Tịnh An đang nuôi trên 20.000 con gà ác than thở.

Tương tự, hộ ông Huỳnh Văn Xinh cùng ngụ xã Mỹ Tịnh An cũng cho hay cách đây khoảng 7 năm ông cũng đầu tư chuồng trại để nuôi gà công nghiệp lấy trứng. Hiện nay, trang trại của ông đang nuôi khoảng 2.600 con. Giá trứng gà dao động từ 1.900 – 2.000 đồng/quả trong khi các loại chi phí đều tăng cao khiến lợi nhuận hầu như không còn.

“Hồi đó dịch bệnh ít, bây giờ gia cầm rất dễ bệnh. Mỗi tháng phải chích vacxin một lần phòng bệnh đường ruột, hô hấp và tiêu hoá. Nói kiểu nhà nông mình lấy công làm lời chứ tính kỹ thì lỗ mất rồi. Mấy ngàn con gà này công chăm sóc của hai vợ chồng là 500.000 đồng/ngày, lãi không đủ tiền công”, ông Huỳnh Văn Xinh tâm sự.

Nhận định tình hình chăn nuôi thời gian tới, ông Huỳnh Văn Xinh ở xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo cho rằng, khả năng cao sẽ tiếp tục không có lãi. Nhưng bởi đã chi nhiều tiền đầu tư chuồng trại, nếu bỏ trống sẽ hư hỏng thiết bị, cơ sở vật chất nên ông Xinh đành phải cắn răng tái đàn tháng 6 tới, song sẽ giảm đàn xuống còn 2.000 con gà hậu bị.

 Người nuôi chim cút cũng gặp khó và trong tình trang không có lãi. Ảnh: Minh Đảm.

Người nuôi chim cút cũng gặp khó và trong tình trang không có lãi. Ảnh: Minh Đảm.

Tự tạo lợi thế cạnh tranh đầu ra thông qua liên kết

Về giải pháp duy trì đàn gia cầm trong thời điểm khó khăn này, ông Nguyễn Văn Anh, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Gạo cho hay: Do tình hình giá bán sản phẩm chăn nuôi gia cầm giảm nên ảnh hưởng đến công tác tái đàn của người dân. Tuy nhiên, bà con nông dân cũng đang tìm nhiều biện pháp để duy trì sản xuất.

Trong đó, bước đầu đã hình thành được liên kết chuỗi đối với các tổ hợp tác và trang trại có quy mô lớn. Ngoài ra, bà con cũng tích cực thực hiện các mô hình chăn nuôi an toàn, ứng dụng công nghệ cao như chăn nuôi VietGAHP, an toàn toàn sinh học. Từ đó, giảm giá thành, đảm bảo an toàn dịch bệnh, tạo lợi thế cạnh tranh để tiếp tục duy trì sản xuất, nhất là trên con gà ác.

Để thích nghi với tình hình giá cả thức ăn đầu vào tăng cao, hộ chăn nuôi gà ác chuyên trứng Cao Văn Hoàng, ở ấp Phú Lợi C, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo đã hợp đồng mua thức ăn trực tiếp từ doanh nghiệp để giảm giá thành thức ăn tới mức thấp nhất.

Bên cạnh đó, ông Hoàng còn áp dụng các biện pháp, kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học. Vì vậy, hai năm qua trang trại 20.000 con gà ác chuyên trứng của gia đình ông vẫn duy trì tốt trước những biến động thị trường.

“Thuốc sát trùng cứ hai ngày phun một lần, chuồng trại ngăn cách bên ngoài không cho ai vô, giày dép để ngăn nắp, nước uống phải được xử lý sạch sẽ”, ông Cao Văn Hoàng chia sẻ.

Người chăn nuôi Tiền Giang đang áp dụng nhiều giải pháp để duy trì sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Ảnh: Minh Đảm.

Người chăn nuôi Tiền Giang đang áp dụng nhiều giải pháp để duy trì sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Ảnh: Minh Đảm.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh đã có 12 cơ sở chăn nuôi gia cầm đạt chứng nhận VietGAHP với gần 900.000 con, chiếm gần 6% tổng đàn gà của tỉnh.

Tại vùng chăn nuôi tập trung của tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang phối hợp với các đơn vị triển khai dự án xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gà ác, chim cút trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Hiện đàn gà ác tại khu vực trung tâm này có tổng đàn dao động từ 2,5 – 2,8 triệu con, chiếm tỷ lệ 15% tổng đàn gà của tỉnh, cung ứng bình quân mỗi tháng trên 20 triệu quả cho thị trường. Với tình hình thua lỗ với đàn gà ác trong thời gian từ đầu năm 2023, ước tổng đàn giảm 800.000 – 1 triệu con. Riêng đàn chim cút giảm từ 600.000 – 700.000 con so với năm 2020, hiện còn từ 1,2 – 1,3 triệu con. Sản lượng trứng chim cút xuất khẩu sang thị trường Nhật bình quân 4,5 triệu quả/tháng.

Thực trạng khó khăn hiện nay là các cơ sở chăn nuôi đa phần không muốn tham gia hợp tác xã để liên kết sản xuất. Do chưa có đối tượng hợp tác xã thành lập chuỗi nên công việc triển khai dự án chủ yếu của tỉnh tập trung khâu tập huấn, tuyên truyền. Các nội dung lập dự án, chính sách đến nay chưa triển khai được và đây cũng chính là thách thức lớn với ngành chăn nuôi tỉnh Tiền Giang trong thời gian tới.

Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục chăn nuôi thú y Tiền Giang chia sẻ: “Chăn nuôi của địa phương còn nhiều vấn đề nan giải, cái khó nhất trong chăn nuôi là thị trường tiêu thụ. Tỉnh luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với các cơ chế, chính sách sao cho phát triển mạnh được đàn vật nuôi theo hướng liên kết bền vững. Tuy nhiên, bản thân phía người chăn nuôi cũng cần cố gắng hình thành liên kết chuỗi sản xuất để ổn định giá cả, đầu ra. Bởi có liên kết mới thành công và phải chăn nuôi đúng quy trình mới cho ra sản phẩm chất lượng cạnh tranh tốt trên thị trường”.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email