Tuesday, April 30

Khát vọng ‘thủ phủ’ nông nghiệp công nghệ cao

Nhiều tiềm năng đang được đánh thức

Tiềm năng, thế mạnh của Tây Ninh là một đường biên giới với nước bạn Campuchia dài 220km, trên tuyến biên giới này có đến 3 cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài, Xa Mát và Tân Nam; 3 cửa khẩu quốc gia là Kà Tum, Chàng Riệc, Phước Tân; và 10 cửa khẩu phụ. Ngoài ra, còn có nguồn tài nguyên đất dồi dào chưa khai thác hết. Ở đây còn có công trình thủy lợi nhân tạo hồ Dầu Tiếng lớn nhất nước, thừa sức phục vụ cho ngành nông nghiệp.

Tây Ninh có quỹ đất phát triển nông nghiệp chiếm hơn 85% diện tích đất tự nhiên (tương đương 370.000ha), địa hình tương đối thuận lợi để cơ giới hóa theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đất đai phù hợp nhiều loại nông sản nhiệt đới có giá trị đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn cho nông nghiệp công nghệ cao.

'Resort' bò sữa Vinamilk Tây Ninh hiện là trang trại bò sữa đạt chuẩn GlobalGAP lớn nhất châu Á. Ảnh: Hồng Thủy.

“Resort” bò sữa Vinamilk Tây Ninh hiện là trang trại bò sữa đạt chuẩn GlobalGAP lớn nhất châu Á. Ảnh: Hồng Thủy.

Năm 2021, Công ty CP Bel Gà (Vương quốc Bỉ), Tập đoàn De Heus (Hà Lan), và Tập đoàn Hùng Nhơn (Việt Nam), đã khánh thành Nhà máy ấp trứng gia cầm công nghệ cao Bel Gà Tây Ninh có vốn 200 tỷ đồng, diện tích 15.000m2, công suất thiết kế đạt trên 19 triệu gà con/năm vào giai đoạn I và sẽ mở rộng công suất lên đến 38,4 triệu gà con/năm vào giai đoạn II, đáp ứng nhu cầu về con giống gia cầm cho thị trường Việt Nam và Campuchia. Các dự án này nằm trong chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm nông nghiệp sạch, bền vững và hướng tới xuất khẩu.

Tại lễ khánh thành, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh Tây Ninh và hướng đi phù hợp với chiến lược phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, hiện đại và đồng bộ tạo sản phẩm thịt, trứng có giá trị, giúp nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm.

Năm 2021, Công ty CP Bel Gà (Vương quốc Bỉ), Tập đoàn De Heus (Hà Lan), và Tập đoàn Hùng Nhơn (Việt Nam), đã khánh thành Nhà máy ấp trứng gia cầm công nghệ cao Bel Gà tại Tây Ninh. Ảnh: Tuy Hòa.

Năm 2021, Công ty CP Bel Gà (Vương quốc Bỉ), Tập đoàn De Heus (Hà Lan), và Tập đoàn Hùng Nhơn (Việt Nam), đã khánh thành Nhà máy ấp trứng gia cầm công nghệ cao Bel Gà tại Tây Ninh. Ảnh: Tuy Hòa.

Hiện nay, tỉnh Tây Ninh đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt như mô hình trồng dưa lưới của Công ty Hoàng Xuân, mô hình trồng mãng cầu VietGAP của Công ty CP Natani, trồng cây đinh lăng kết hợp áp mái pin năng lượng mặt trời tại huyện Tân Châu… Các dự án được trang bị hệ thống tưới tự động, nhà màng ngăn mầm bệnh, dịch hại xâm nhập.

Một trong những sản phẩm nông nghiệp được ưa chuộng nhất ở Tây Ninh là mãng cầu Bà Đen được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, giúp nông dân và doanh nghiệp yên tâm hơn trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện mãng cầu Bà Đen được trồng phổ biến xung quanh núi Bà Đen gồm Thạnh Tân, Tân Bình, phường Ninh Sơn, Ninh Thạnh (TP Tây Ninh); xã Tân Hưng (huyện Tân Châu); xã Suối Đá, Phan, Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu), với tổng diện tích khoảng 5.000ha, sản lượng trên 50.000 tấn trái/năm.

Tháng 3/2019, “resort” bò sữa Vinamilk Tây Ninh (xã Long Khánh, huyện Bến Cầu), chính thức khánh thành, trở thành trang trại bò sữa độc lập lớn nhất Việt Nam, nằm trong hệ thống trang trại đạt chuẩn GlobalGAP lớn nhất châu Á về quản lý trang trại và chất lượng sữa tươi thuần khiết. Trang trại có diện tích 685ha, nuôi 8.000 con bò, với kinh phí đầu tư trên 1.200 tỷ đồng. Không chỉ đơn thuần chăn nuôi, “resort” bò sữa Vinamilk Tây Ninh còn là nơi tham quan lý tưởng với lối thiết kế nổi trên mặt hồ rộng 37.000m2, có đẩy đủ hệ thống nhà nghỉ, khu giải trí, thể thao…

Bên trong một khu phân loại, đóng gói trứng ở nhà máy Bel Gà Tây Ninh. Ảnh: Hồng Thủy.

Bên trong một khu phân loại, đóng gói trứng ở nhà máy Bel Gà Tây Ninh. Ảnh: Hồng Thủy.

Các mô hình chăn nuôi kết hợp nuôi trùn quế phục vụ sản xuất phân bón vi sinh của Công ty TNHH Nông trại Nhiệt đới (huyện Tân Biên); hệ thống dây chuyền máng ăn, uống tự động, có si lô chứa thức ăn nên giảm bao bì và giảm số lượng nhân công của Công ty TS Farm (huyện Dương Minh Châu)… đang trở thành động lực thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao và tăng nguồn thu ngân sách.

Những kết quả khả quan

Theo ông Kiều Công Minh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh, tỉnh đang thực hiện đề án để đưa Tây Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế.

Năm 2022, Tây Ninh thu hút được 16.500 tỷ đồng vốn đầu tư trong và ngoài nước, tăng 4,7% so với năm trước, cấp mới 56 dự án đầu tư, bao gồm các dự án nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ tư vấn phát triển đô thị… Trong đó cấp mới 2 dự án điện năng lượng mặt trời tại khu vực hồ Dầu Tiếng với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 7.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh: 'Kết quả đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị của Tây Ninh những năm qua đạt nhiều kết quả khả quan. Tỉnh vẫn đang tiếp tục nỗ lực để đưa nền nông nghiệp tỉnh nhà ngày càng phát triển mạnh hơn'. Ảnh: Hồng Thủy.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh: “Kết quả đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị của Tây Ninh những năm qua đạt nhiều kết quả khả quan. Tỉnh vẫn đang tiếp tục nỗ lực để đưa nền nông nghiệp tỉnh nhà ngày càng phát triển mạnh hơn”. Ảnh: Hồng Thủy.

Trong năm qua, nguồn vốn FDI đổ vào Tây Ninh khá lớn, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực công nghiệp. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 370 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 9,2 tỷ USD, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành cả nước về thu hút đầu tư FDI. Trên địa bàn tỉnh hiện có 7.279 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 184.399 tỷ đồng. Môi trường đầu tư của tỉnh tiếp tục duy trì ổn định, các chỉ tiêu của dự án về doanh thu, nộp ngân sách đều tăng so với cùng kỳ.

Việc triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp cũng phát huy hiệu quả thiết thực. UBND tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện 7 chính sách hỗ trợ sản xuất, trong đó có 6/7 chính sách được người dân tiếp cận đã từng bước tạo động lực, thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp. Đối với chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 – 2025, đến năm 2022, đã có 13 dự án (diện tích hơn 233ha), được tỉnh phê duyệt hỗ trợ 4.672 triệu đồng kinh phí. Trong việc triển khai chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cũng có 9 dự án với diện tích hơn 2.230ha được hỗ trợ kinh phí hơn 12.869 triệu đồng (đạt 42% kinh phí giao).

Tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao do tỉnh Tây Ninh tổ chức đầu tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh đã ký kết hàng loạt biên bản ghi nhớ hợp tác với các hiệp hội và doanh nghiệp trị giá 4.600 tỷ đồng. Trong thời gian tới sẽ có nhiều dự án lớn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Ninh.

Tại 'Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao' tại Tây Ninh diễn ra đầu tháng 6, ông Sergio Pereira Da Silva, Phó Chủ tịch Tiểu ban Phát triển xanh EuroCharm, nhận định Tây Ninh đang là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Hồng Thủy.

Tại “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao” tại Tây Ninh diễn ra đầu tháng 6, ông Sergio Pereira Da Silva, Phó Chủ tịch Tiểu ban Phát triển xanh EuroCharm, nhận định Tây Ninh đang là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Hồng Thủy.

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, nhà đầu tư châu Âu, doanh nghiệp Việt Nam và các nhà hoạch định chính sách nhóm họp tại diễn dàn với mục tiêu chung là đưa Tây Ninh trở thành trung tâm xuất khẩu nông nghiệp bền vững.

“Tỉnh Tây Ninh đang nỗ lực mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn vào các dự án phát triển nông nghiệp, cây trồng có giá trị cao, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm, sản xuất quy mô lớn”, ông Gabor Fluit nói.

Tương tự, ông Johan van den Ban, Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam đánh giá, Tây Ninh là thị trường rất lớn và quan trọng của Tập đoàn De Heus. Do đó, De Heus sẽ cố gắng sản xuất hiệu quả, không chỉ cung cấp trứng và gà giống, mà còn hỗ trợ người chăn nuôi tại Tây Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung nhiều hơn. Ông Johan van den Ban cho biết thêm, dự kiến đến cuối năm 2023, De Heus Việt Nam sẽ đưa vào hoạt động trang trại gà giống 14,8 triệu con tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu.

Tây Ninh định hướng đến năm 2030 có 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, mỗi vùng hình thành ít nhất 1 chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 25% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030. Gia tăng sản lượng, chất lượng hàng hóa nông sản phục vụ cho chế biến và xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm trên cùng 1 đơn vị diện tích.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email