Tuesday, April 23

Doanh nghiệp là hạt nhân trong xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Gà giống của Công ty Japfa Comfeed Việt Nam. Ảnh: Sơn Trang.

Gà giống của Công ty Japfa Comfeed Việt Nam. Ảnh: Sơn Trang.

Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) là một trong những doanh nghiệp có đàn gia cầm lớn nhất hiện nay.

Ông Trần Kim Tân, Giám đốc sản xuất Bộ phận Gia cầm miền Nam của Japfa Việt Nam cho biết, Chi nhánh phía Nam của Công ty hiện có 450.000 con gà bố mẹ. Mỗi năm, Japfa Việt Nam sản xuất được 50 triệu con gà con hướng thịt (25 triệu con gà lông màu và 25 triệu con gà lông trắng) và 7 triệu con gà con hướng trứng.

Những năm qua, Japfa Việt Nam đã đẩy mạnh xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh nhằm hình thành chuỗi Feed-Farm-Food. Trong chiến lược này, Công ty luôn hướng tới việc phòng bệnh là chính. Theo đó, Công ty luôn tuân thủ các khuyến nghị của Bộ NN-PTNT, Cục Thú y và Chi cục Thú y các tỉnh, từ đó, xây dựng quy trình phòng bệnh cho đàn gà ở các cơ sở chăn nuôi.

Với sự hướng dẫn của chính quyền và ngành thú y các tỉnh, Japfa Việt Nam đang tích cực hỗ trợ nông dân, trang trại đăng ký và xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Thúc đẩy sự hợp tác nhằm đảm bảo quy trình chăn nuôi và phòng ngừa dịch bệnh theo quy định về an toàn dịch bệnh.

Bên cạnh đó, các chuyên gia từ Indonesia (Japfa Việt Nam là công ty con của Tập đoàn Japfa – có trụ sở tại Indonesia, với hơn 50 năm hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm) thường xuyên hỗ trợ Japfa Việt Nam và các hộ nông dân, trang trại liên kết cập nhật các kỹ thuật mới, phương pháp tiên tiến để chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm một cách bền vững.

Để hình thành chuỗi Feed-Farm-Food bền vững, Japfa Việt Nam đang tiếp tục hỗ trợ những hộ nông dân liên kết xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh ở các trang trại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng ở các trang trại, nhất là hệ thống xử lý chất thải nhằm giúp cho chăn nuôi gia cầm đảm bảo an toàn, tránh lây lan dịch bệnh.

Công tác đào tạo nhân viên và người chăn nuôi có kiến thức, năng lực về quản lý đàn gia cầm, nắm vững phương pháp phòng ngừa dịch bệnh đang được công ty chú trọng.

Công ty đẩy mạnh hợp tác, kết nối với chính quyền các địa phương cũng như các công ty chăn nuôi khác để chia sẻ những kinh nghiệm trong phòng bệnh, trong sản xuất và thị trường. Đồng thời, tạo ra sự liên kết giữa các trang trại, các nhà cung cấp nguyên vật liệu, từ đó có sự kết nối ổn định và bền vững trong chuỗi Feed-Farm-Food.

Doanh nghiệp chăn nuôi đầu tư không nhỏ để xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Ảnh: Sơn Trang.

Doanh nghiệp chăn nuôi đầu tư không nhỏ để xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Ảnh: Sơn Trang.

Từ sự tham gia của Japfa Việt Nam và các công ty khác trong xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, ông Nguyễn Kim Dũng, Trưởng Phòng Dịch tễ, Chi cục Thú y Vùng 6 (Cục Thú y), cho rằng, trong việc xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh đối với gia cầm, ngoài nỗ lực của các địa phương, không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp chăn nuôi, nhất là những doanh nghiệp đang hướng tới xuất khẩu sản phẩm gia cầm.

Tuy nhiên, để tiếp tục xây dựng thành công các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, ông Trần Kim Tân cho biết, doanh nghiệp chăn nuôi đang cần có những chính sách cụ thể, rõ ràng đối với vùng an toàn dịch bệnh, có những hướng dẫn, những quy định cho quá trình vận hành hệ thống, cơ sở an toàn dịch bệnh.

Doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ về vốn vì để xây dựng những cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, doanh nghiệp phải đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng, thiết bị, công nghệ mới trong chăn nuôi. Quỹ đất là một trong những vấn đề mà doanh nghiệp đang rất quan tâm để có thể tạo ra vùng chăn nuôi đảm bảo được an toàn dịch bệnh theo quy định.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp mong muốn Bộ NN-PTNT và các địa phương tích cực chia sẻ thông tin cho các doanh nghiệp về thị trường, dịch bệnh… để doanh nghiệp có thể cập nhật, điều chỉnh kịp thời nhằm gia tăng hiệu quả của công tác phòng chống dịch bệnh và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email