Sunday, April 28

Hải Phòng xác định ba khâu đột phá để nâng cao đời sống nông dân

Ban Chấp hành Hội Nông dân TP Hải Phòng khóa X, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ảnh: Đinh Mười.

Ban Chấp hành Hội Nông dân TP Hải Phòng khóa X, nhiệm kỳ 2023 – 2028. Ảnh: Đinh Mười.

Trong 2 ngày 25 – 26/9, tại cung văn hóa hữu nghị Việt Tiệp đã diễn ra Đại hội Đại biểu Hội Nông dân TP Hải Phòng lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 – 2028.

Đại hội Đại biểu Hội Nông dân TP Hải Phòng lần thứ X có sự tham dự của 289 đại biểu chính thức đại diện cho 190.000 cán bộ, hội viên, nông dân từ các quận, huyện trên địa bàn TP Hải Phòng.

Sau 2 ngày làm việc hiệu quả, khách quan, Đại hội Bầu Ban Chấp hành Hội Nông dân TP Hải Phòng khóa X có 29 thành viên, Ban Thường vụ có 9 thành viên, trong đó ông Trần Quang Tường được bầu làm Chủ tịch, 2 thành viên được bầu làm Phó Chủ tịch là ông Nguyễn Hồng Hưng và ông Hoàng Văn Tường.

Ông Trần Quang Tường – Chủ tịch Hội Nông dân Hải Phòng cho biết, Đại hội đã đề ra 15 chỉ tiêu và 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp để thực hiện trong 5 năm tới. Trong đó, đáng lưu ý là sẽ có 3 khâu đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Thứ nhất là tích cực tham mưu xây dựng cơ chế chính sách, huy động các nguồn lực tạo điều kiện để nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững. Thứ 2 là vận động hội viên, nông dân đi đầu trong tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu. Cuối cùng là tập trung hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển sản phẩm thương hiệu OCOP, qua đó góp phần đẩy mạnh liên kết sản xuất, chuyển đổi số, tích cực đưa sản phẩm nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử.

Ông Trần Quang Tường, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hải Phòng nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ảnh: Trần Phượng.

Ông Trần Quang Tường, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hải Phòng nhiệm kỳ 2023 – 2028. Ảnh: Trần Phượng.

Trong 5 năm đã qua, cùng với sự phát triển dịch vụ, cơ sở hạ tầng và công nghiệp, thành phố Hải Phòng có nhiều đề án, chương trình lớn cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, việc “phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững” được coi là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, được đầu tư tương xứng, nhằm xây dựng Hải Phòng phát triển cân bằng giữa nông thôn với thành thị, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh – xứng tầm với xu thế toàn cầu.

Là thành phố trực thuộc Trung ương, Hải Phòng có nền công nghiệp và dịch vụ phát triển, tuy vậy, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp luôn được thành phố quan tâm chỉ đạo đạt kết quả quan trọng. Đến nay, sản xuất nông nghiệp của Hải Phòng đã phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn, an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, ở Hải Phòng đã xuất hiện một số mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất quy mô lớn, đưa cơ giới vào sản xuất; nhiều vùng chuyên canh rau màu, cây ăn quả, trồng hoa cây cảnh và một số diện tích chuyển sang mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ… Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản trong cơ cấu giá trị.

Hiện tại dân số khu vực nông thôn ở Hải Phòng vẫn chiếm đa số với hơn 54%, lao động khu vực nông thôn chiếm 58,85% nên thời gian qua phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, nhằm nâng cao thu nhập và đời sống nông dân luôn được quan tâm. Do vậy, đời sống của nông dân được nâng lên, người nghèo được tiếp cận tốt hơn với các nguồn lực kinh tế và các dịch vụ xã hội cơ bản, bình quân thu nhập đầu người khu vực nông thôn đạt rất cao, hơn 63 triệu đồng/người/năm.

Sản xuất nông nghiệp tại Hải Phòng những năm qua đã có nhiều thay đổi tích cực. Ảnh: Đinh Mười.

Sản xuất nông nghiệp tại Hải Phòng những năm qua đã có nhiều thay đổi tích cực. Ảnh: Đinh Mười.

Thời gian qua, trên địa bàn TP Hải Phòng, các dự án lớn, công trình trọng điểm được khởi công xây dựng, đẩy nhanh tiến độ và đưa vào hoạt động, tạo động lực mới cho sự phát triển, nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội đạt và vượt cao so với kế hoạch. Đây là cơ sở quan trọng để thành phố có điều kiện hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và hỗ trợ gia đình chính sách, hộ nghèo.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, trong 5 năm qua, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, bão lụt, xâm nhập mặn, nhất là đại dịch Covid-19 xảy ra đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp. Các hoạt động dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp chưa thực sự có hiệu quả và mức độ công nghiệp hóa sản xuất nông nghiệp thấp.

Vùng sản xuất hàng hóa tập trung, khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa được nhân rộng và phát triển, việc bảo đảm đầu ra cho nông sản còn hạn chế, chưa tạo được mối liên kết vững chắc giữa người sản xuất với cơ sở chế biến, đơn vị tiêu thụ sản phẩm, giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp.

Lãnh đạo TP Hải Phòng kiểm tra một cánh đồng mẫu lớn cho hiệu quả kinh tế cao ở huyện Tiên Lãng. Ảnh: Đinh Mười.

Lãnh đạo TP Hải Phòng kiểm tra một cánh đồng mẫu lớn cho hiệu quả kinh tế cao ở huyện Tiên Lãng. Ảnh: Đinh Mười.

Đáng nói, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Các mô hình tích tụ tập trung ruộng đất chủ yếu xuất phát từ nhu cầu, yêu cầu của tổ chức, cá nhân, thiếu tính định hướng và cơ chế, chính sách cụ thể của nhà nước.

Thời gian tới, công tác hội và phong trào nông dân Hải Phòng sẽ tiếp tục có nhiều thuận lợi, cũng như khó khăn đan xen. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được tiếp tục triển khai sẽ là cơ sở để thành phố Cảng phát triển, trong đó có phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Đến nay, Hải Phòng có 171 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đạt 3 sao trở lên và 7 sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể do Hội nông dân đăng ký, trong đó có 88 sản phẩm OCOP do các cấp Hội Nông dân hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng được công nhận; thành lập Câu lạc bộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thành phố với 54 thành viên tham gia là những hội viên nông dân tiêu biểu.

Hội Nông dân đã giúp đỡ 1.967 hộ nông dân thoát nghèo, với tổng số tiền quyên góp, hỗ trợ hơn 10,16 tỷ đồng; giá trị vật tư (cây, con giống), lương thực… vận động hỗ trợ trên 8,2 tỷ đồng; 15.108 ngày công lao động, hỗ trợ xây sửa 131 nhà “Mái ấm nông dân”.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email