Tuesday, April 30

Công bố quyết định quy hoạch tỉnh Yên Bái tầm nhìn đến năm 2050

Tại buổi lễ, thành phố Yên Bái cũng vinh dự đón bằng công nhận đạt chuẩn đô thị loại II. Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Yên Bái và đông đảo người dân trong tỉnh.

Theo quyết định của Chính phủ, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch tỉnh Yên Bái bao gồm toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Yên Bái, với tổng diện tích tự nhiên gần 6.900km2, 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và 7 huyện (Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình).

Quang cảnh khu vực trung tâm thành phố Yên Bái. Ảnh: Tuấn Vũ.

Quang cảnh khu vực trung tâm thành phố Yên Bái. Ảnh: Tuấn Vũ.

Đến năm 2030, phấn đấu đưa tỉnh Yên Bái nằm trong nhóm 5 tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc bộ. Về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,5%/năm. Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm khoảng 14,8%; công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 39%; dịch vụ chiếm khoảng 41,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 125 triệu đồng.

Về xã hội, tốc độ tăng dân số trung bình đạt 0,92%/năm. Tuổi thọ trung bình người dân đạt 75 tuổi; số năm sống khỏe đạt tối thiểu 68 năm. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2022 – 2025 giảm bình quân 3,3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025; giai đoạn 2026 – 2030 giảm bình quân 2 – 2,5%/năm theo chuẩn nghèo từng thời kỳ…

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Yên Bái phát triển toàn diện, bền vững, xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; thuộc nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng trung du và miền núi Bắc bộ, là hình mẫu phát triển xanh của vùng và cả nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao quyết định quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Ảnh: Thanh Tiến.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao quyết định quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Ảnh: Thanh Tiến.

Tại lễ công bố, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà bày tỏ niềm vui mừng bởi sự kiện này có ý nghĩa trọng đại, được tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm 65 năm Bác Hồ về thăm Yên Bái (1958 – 2023). Đồng thời Phó Thủ tướng gửi lời chúc mừng thành phố Yên Bái được công nhận đô thị loại II và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao bằng công nhận thành phố Yên Bái đạt chuẩn đô thị loại II. Ảnh: Thanh Tiến.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao bằng công nhận thành phố Yên Bái đạt chuẩn đô thị loại II. Ảnh: Thanh Tiến.

Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, việc thành phố Yên Bái đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, được công nhận là đô thị loại II là sự khẳng định những thành tựu phát triển với vai trò, vị thế là trung tâm, động lực tăng trưởng của tỉnh Yên Bái và hướng tới là một trong các đô thị động lực của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Về Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng: Với vị trí quan trọng, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, các giá trị văn hóa đặc sắc, con người Yên Bái đoàn kết, sáng tạo, có lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển…, Yên Bái có thể tạo ra cơ hội nổi trội trở thành động lực phát triển nhanh, bền vững nếu được quy hoạch đúng hướng, với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn.

Quy hoạch tỉnh Yên Bái được lập và phê duyệt với triết lý và khát vọng về một Yên Bái “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” là hình mẫu phát triển của vùng miền núi trung du phía Bắc và cả nước. Nhân tố đóng vai trò quyết định thành công chính là tinh thần năng động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của Đảng bộ, chính quyền các cấp và vai trò của nhân dân là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển và giám sát việc thực hiện bản quy hoạch này.

Phó Thủ tướng tham quan quy hoạch phát triển du lịch hồ Thác Bà (huyện Yên Bình). Ảnh: Thanh Tiến.

Phó Thủ tướng tham quan quy hoạch phát triển du lịch hồ Thác Bà (huyện Yên Bình). Ảnh: Thanh Tiến.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị tỉnh Yên Bái khẩn trương triển khai các quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp, tổ chức không gian lãnh thổ, để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn. Gắn kết phát triển hạ tầng với phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ tạo thành hệ sinh thái kinh tế kết nối, tạo nguồn lực từ quy hoạch.

Xa hơn nữa cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tăng cường liên kết vùng, liên vùng theo Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc. Cùng với đó, tỉnh Yên bái cần công bố công khai, rộng rãi các quy hoạch, quảng bá xúc tiến để thu hút các nguồn lực xã hội; đặc biệt là để nhân dân thực hiện quyền giám sát việc thực thi các quy hoạch. Lựa chọn đầu tư phát triển các công trình có tính chất điểm nhấn, dự án có ý nghĩa lan tỏa để tạo động lực dẫn dắt thúc đẩy nguồn lực xã hội.

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Yên Bái phấn đấu phát triển toàn diện, bền vững, xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc. Ảnh: Tuấn Vũ.

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Yên Bái phấn đấu phát triển toàn diện, bền vững, xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc. Ảnh: Tuấn Vũ.

Sau phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Đỗ Đức Duy – Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục đoàn kết đồng lòng, phát huy nội lực, không ngừng đổi mới sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển tỉnh Yên Bái theo đúng Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email