Thursday, March 28

Bàn hướng chấn hưng ngành dâu tằm

Dâu tằm phục hồi, tăng liên tục 6 năm gần đây

Ngày 8/6, tại xã Việt Thành (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương phối hợp tổ chức tọa đàm về giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây dâu tằm tại tỉnh Yên Bái.

Tọa đàm có sự tham dự của trên 100 đại biểu đến từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương, đại diện ngành nông nghiệp các huyện Trấn Yên, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) và các xã trong vùng quy hoạch phát triển dâu tằm, các doanh nghiệp, HTX, hộ dân trồng dâu nuôi tằm ở tỉnh Yên Bái.

TS Nguyễn Thị Min (đứng), Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Dâu tăm tơ Trung ương giải đáp những ý kiến của các hộ dân trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: Thanh Tiến.

TS Nguyễn Thị Min (đứng), Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Dâu tăm tơ Trung ương giải đáp những ý kiến của các hộ dân trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: Thanh Tiến.

Tại tọa đàm, TS Nguyễn Thị Min, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương đánh giá: Nhờ sự đổi mới mạnh mẽ, toàn diện trên mọi mặt của nghề dâu tằm tơ, đến năm 2009, diện tích trồng dâu nước ta dần ổn định. Tuy diện tích dâu còn giảm nhưng biên độ giảm đã giảm đi nhiều và một số tỉnh đã có diện tích dâu tăng.

Từ năm 2016, sản xuất dâu tằm ở nước ta đã khắc phục được tình trạng suy giảm liên tục so với giai đoạn trước và bắt đầu tăng trở lại. Trong suốt 6 năm qua, diện tích dâu đang tăng lên nhanh chóng. Tính đến 31/12/2021, diện tích dâu tằm cả nước đạt 13.166ha, tăng 3,5% so với năm 2020.

Hiện nay, cây dâu tằm đã có mặt ở cả 8 vùng sinh thái trên cả nước, trải dài trên khắp 36 tỉnh thành từ Bắc vào Nam. Trong đó, Tây Nguyên là vùng sản xuất có điều kiện sinh thái phù hợp với sinh trưởng, phát triển của cây dâu cũng như đặc tính sinh lý của con tằm và có diện tích dâu lớn nhất, đạt 10.061ha, chiếm hơn 75% tổng diện tích cây dâu của cả nước.

Tại phía Bắc đang có sự dịch chuyển vùng sản xuất. Cây dâu đang phát triển mở rộng nhanh trên vùng trung du miền núi có nhiều tiềm năng, nhất là vùng Đông Bắc với diện tích dâu 1.409ha chiếm hơn 11%, tập trung chủ yếu tại Yên Bái (929ha), Cao Bằng (266ha) và Lào Cai (140ha).

Trong khuôn khổ tọa đàm, các đại biểu đã thăm một số cơ sở trồng dâu, nuôi tằm ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất trên địa bàn huyện Trấn Yên (Yên Bái). Ảnh: Thanh Tiến.

Trong khuôn khổ tọa đàm, các đại biểu đã thăm một số cơ sở trồng dâu, nuôi tằm ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất trên địa bàn huyện Trấn Yên (Yên Bái). Ảnh: Thanh Tiến.

Theo kết quả điều tra, nước ta hiện có trên 32.500 hộ nông dân tham gia trồng dâu nuôi tằm. Sản lượng kén tằm của Việt Nam năm 2021 đạt hơn 16.400 tấn, tăng trên 10% so với năm 2020, đem lại giá trị sản xuất kén tằm hơn 2.460 tỷ đồng. Trong đó, giá trị sản xuất kén trắng đạt trên 2.400 tỷ đồng, chiếm hơn 97% tổng giá trị sản xuất của cả nước.

Bước tiến lớn của ngành dâu tằm tơ

Những sự phục hồi phát triển của ngành dâu tằm những năm gần đây là điều hết sức đáng mừng. Tuy nhiên trên tổng thể, sản xuất dâu tằm vẫn cơ bản mang tính thủ công ở nhiều khâu, nhất là khâu canh tác và thu hái dâu, công việc nuôi tằm phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Cơ giới hóa trong sản xuất còn hạn chế. Biến đổi khí hậu, sâu bệnh hại dâu, hại tằm, năng suất kén trong thực tế sản xuất thấp hơn nhiều so với năng suất tiềm năng.

Giống tằm lưỡng hệ kén trắng chọn tạo trong nước có sức sống cao, chất lượng tơ kén ngày càng tiến bộ, có thể cạnh tranh được với giống Trung Quốc nhưng người dân chưa tin tưởng, chưa thu hút được sự quan tâm của các cơ sở sản xuất cũng như các cơ sở cung cấp trứng giống.

Bà Triệu Thị Bích Liệu, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trấn Yên phát biểu chia sẻ tại tọa đàm về những kinh nghiệm trong phát triển sản xuất dâu tằm tơ tại địa phương. Ảnh: Thanh Tiến.

Bà Triệu Thị Bích Liệu, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trấn Yên phát biểu chia sẻ tại tọa đàm về những kinh nghiệm trong phát triển sản xuất dâu tằm tơ tại địa phương. Ảnh: Thanh Tiến.

Bên cạnh đó, trồng dâu, nuôi tằm, sản xuất kén về cơ bản vẫn xuất khẩu tơ sống là chủ yếu, công nghệ dệt lụa, nhuộm, in hoa, hoàn tất sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao còn rất hạn chế.

Bà Triệu Thị Bích Liệu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trấn Yên phát biểu: “Để có được chất lượng, hiệu quả cao trong sản xuất dâu tằm, một trong những yếu tố quyết định và cần phải được quan tâm và kiên trì thực hiện đó xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, tích cực ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật ở tất cả các khâu từ trồng, thâm canh cây dâu, đổi mới kỹ thuật nuôi tằm…

Theo bà Liệu, các tiến bộ kỹ thuật mới về sản xuất dâu tằm những năm qua đều được huyện Trấn Yên thực hiện mô hình và bền bỉ tuyên truyền nhân dân ứng dụng rộng rãi. Những năm qua, huyện đã liên tục đưa vào thử nghiệm, xây dựng mô hình trồng rất nhiều giống dâu do Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương lai tạo như giống dâu lai trồng bằng hạt VH9, VH13, VH15, GQ2; giống dâu tam bội trồng bằng hom số 7; các giống dâu nhập nội như Hà số 7, Sa Nhị Luân, Quế ưu.

Những năm gần đây, thành quả trong sản xuất dâu tằm của huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong phát triển ngành hàng này. Ảnh: Thanh Tiến.

Những năm gần đây, thành quả trong sản xuất dâu tằm của huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong phát triển ngành hàng này. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay, vùng nguyên liệu dâu tập trung của Trấn Yên đã lựa chọn được các giống dâu phù hợp, trong đó chủ yếu là giống Sa Nhị Luân, GQ2, Quế ưu. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện đã hướng dẫn người dân trồng đảm bảo mật độ tiêu chuẩn, tuân thủ tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh, sử dụng phân bón chuyên dụng NPKS (14-5-6+5S+TE) để giúp cây dâu cân bằng dinh dưỡng, sinh trưởng tốt, lá dày, hạn chế dịch bệnh.

Đặc biệt, trong sản xuất đã có sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ trồng dâu nuôi tằm với các tổ hợp tác, HTX theo chuỗi liên kết, góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm kén tằm.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Văn Chấn, nghề dâu tằm của huyện phát triển muộn hơn ở Trấn Yên 15 năm. Từ năm 2017, người dân Văn Chấn mới bắt đầu trồng dâu, nuôi tằm, ban đầu mới chỉ xuất phát từ 1 – 2 hộ nuôi với diện tích 3.000 – 5.000m2.

Những năm qua, huyện Văn Chấn đã khuyến khích các hộ dân tận dụng đất lúa kém hiệu quả, những diện tích đất soi, bãi ven suối để trồng dâu. UBND huyện tổ chức chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện xây dựng mô hình trình diễn, mở lớp tập huấn kỹ thuật, thực hiện đề án trồng dâu nuôi tằm với việc đưa giống cây dâu GQ2 do Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương nghiên cứu lai tạo vào sản xuất.

Nhờ vực dậy được sản xuất và xuất khẩu, nông dân làm nghề dâu tằm đã có thu nhập ngày càng cao và ổn định. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhờ vực dậy được sản xuất và xuất khẩu, nông dân làm nghề dâu tằm đã có thu nhập ngày càng cao và ổn định. Ảnh: Thanh Tiến.

Đến nay, huyện Văn Chấn đã phát triển trồng dâu nuôi tằm quy mô tập trung với diện tích trên 140ha, sản lượng kén tằm của huyện đạt trên 30 tấn/năm, giá trị sản phẩm bình quân đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với trồng lúa hoặc các cây rau màu khác 2,5 – 3 lần, góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân ở các xã trong vùng trồng dâu nuôi tằm của huyện. Bước đầu, người dân đã có thể yên tâm và sống được bằng nghề trồng dâu nuôi tằm, đồng thời đã giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động nông thôn ở các xã Chấn Thịnh, Đồng Khê, thị trấn Sơn Thịnh…

Cơ hội, tiềm năng rộng mở

Tại chương trình tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào các vấn đề về tổ chức quy hoạch vùng sản xuất, giải pháp áp dụng các tiến bộ KH-KT trong trồng dâu và nuôi tằm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; giải pháp về cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư cho nghề trồng dâu nuôi tằm, vấn đề liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm kén tằm, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm từ cây dâu tằm và các giải pháp về xử lý môi trường trong chăn nuôi tằm.

Với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia tại tọa đàm có ý nghĩa quan trọng giúp Sở NN-PTNT, UBND tỉnh Yên Bái tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đồng thời đề ra những giải pháp thích hợp nhằm phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh các ý kiến của các chuyên gia đầu ngành, tại tọa đàm, đại diện các HTX, tổ hợp tác và hộ trồng dâu nuôi tằm đã cũng nêu những khó khăn, trăn trở trong phát triển nghề dâu tằm. Đồng thời cũng đưa ra những kiến nghị tới các ngành, các cấp trong việc hỗ trợ về kiến thức, hỗ trợ cơ sở vất chất, dụng cụ nuôi tằm…

Bà Hoàng Thị Hương, Giám đốc HTX trồng dâu nuôi tằm xã Tân Thịnh (huyện Văn Chấn) mong muốn: “Nghề trồng dâu nuôi tằm ở địa phương chúng tôi còn non trẻ, vì vậy rất mong tiếp tục được quan tâm, phối hợp, hỗ trợ triển khai thực hiện các dự án phát triển trồng dâu, nuôi tằm, đặc biệt là hỗ trợ trong công tác chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học về giống dâu, giống tằm và quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại để từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm…”.

Vẫn theo TS Nguyễn Thị Min, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương: Nghề trồng dâu nuôi tằm đang mang lại kế sinh nhai cho gần 40 nghìn hộ nông dân với hơn 103.500 người dân trồng dâu nuôi tằm ở 33/63 tỉnh từ Bắc vào Nam. Họ đã đóng góp một phần lợi ích cho sự phát triển kinh tế – xã hội nông thôn.

Ngành dâu tằm tơ không chỉ lấy lại được vị thế, mà đang trên đà vươn lên mạnh mẽ. Ảnh: Minh Hậu.

Ngành dâu tằm tơ không chỉ lấy lại được vị thế, mà đang trên đà vươn lên mạnh mẽ. Ảnh: Minh Hậu.

Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ tơ tằm trong và ngoài nước ngày càng tăng. Diện tích dâu năm 2022 của cả nước đạt hơn 13.000ha, sản xuất gần 17.000 tấn kén. Sự tăng trưởng nhanh chóng của tơ tằm và các sản phẩm tơ tằm là cơ hội để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm và mang lại thu nhập cao hơn cho người dân. Để mở rộng diện tích trồng dâu, tăng năng suất kén tằm, nuôi tằm hiệu quả và ổn định, các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến đã được ứng dụng như giống dâu, giống tằm mới; áp dụng công nghệ nuôi tằm 2 giai đoạn; cải tiến các dụng cụ nuôi tằm…

Hiệp hội Tơ tằm Quốc tế và các quốc gia sản xuất tơ tằm đều nhận định, hiện nay, sản xuất tơ tằm chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Xu thế của người tiêu dùng là ưa thích sử dụng các sản phẩm làm bằng chất liệu tơ tằm. Chính vì vậy, tiềm năng phát triển của ngành tơ tằm Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn.

Các tiến bộ kỹ thuật mới không chỉ giúp người làm nghề dâu tằm bớt nhọc nhằn, mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập rất lớn. Ảnh: Minh Hậu.

Các tiến bộ kỹ thuật mới không chỉ giúp người làm nghề dâu tằm bớt nhọc nhằn, mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập rất lớn. Ảnh: Minh Hậu.

Nước ta hiện đứng trong tốp 5 nước nhập khẩu sản phẩm chế biến từ tơ lụa trên thế giới (chiếm 6,2%). Thị trường tơ lụa trong nước cũng ngày một tăng do đời sống người dân được cải thiện, dân số cả nước trên 100 triệu dân, khách du lịch ngày một đông… Điều này cho thấy tiềm năng thị trường tiêu thụ nội địa là rất lớn cho hàng tơ tằm. Hợp tác quốc tế ngày một mở rộng đã giúp nước ta có thể tiếp cận được những công nghệ, kỹ thuật mới nhằm nâng cao năng suất dâu, tằm và có thể giải quyết được vấn đề giống tằm lưỡng hệ trong thời gian tới.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email