Tuesday, April 30

Thôn người Dao giữ cánh rừng nguyên sinh

Cảnh hoang sơ nơi cửa rừng nguyên sinh Nà Hắc. Ảnh: Nguyễn Thành.

Cảnh hoang sơ nơi cửa rừng nguyên sinh Nà Hắc. Ảnh: Nguyễn Thành.

Mẹo giữ rừng tại thôn Nà Hắc

Nà Hắc là một thôn nhỏ nằm ở khu vực giáp ranh giữa huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) và huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn) nay được ghép với thôn Bản Danh gọi chung là thôn Đoàn Kết. Nơi đây 100% là người dân tộc Dao sinh sống. Cộng đồng dân cư tại thôn Nà Hắc từ hàng trăm năm nay luôn sống gắn bó, đoàn kết. Chính từ sự đoàn kết ấy mà họ đã giữ lại được khu rừng nguyên sinh rộng đến 600ha có niên đại hàng trăm năm.

Biết tôi có ý định vào rừng, lãnh đạo xã Hà Lâu cử một cán bộ chuyên trách đi cùng. Tuy hệ thống giao thông ngày nay đã cải thiện hơn trước nhưng chúng tôi cũng phải đi xe máy khoảng nửa tiếng mới đến thôn Nà Hắc, rồi cuốc bộ thêm gần 1 tiếng, lội qua dăm bảy đoạn suối mới đến cửa rừng.

Trước mắt tôi hiện lên cảnh tượng ngoạn mục mà cứ ngỡ chỉ nhìn thấy trên phim ảnh, đó là các cây cổ thụ hơn trăm năm tuổi mọc sừng sững, đầy bí ẩn giống như đây là cõi của riêng chúng. Không khó để có thể tìm thấy những cây to cỡ vài người ôm mới hết. Những loài gỗ quý trong rừng được người dân thôn Nà Hắc bảo vệ như chính sinh mạng của mình.

Một thời để giữ được rừng, người dân trong thôn phải mang tiếng xấu trước những lời đồn đại, rằng Nà Hắc sở hữu khu rừng có ma và những người trong bản chế bùa mê thuốc lú hại người. Anh cán bộ huyện đi cùng tôi giải thích rằng đó chỉ là chuyện đồn thổi. Tuy nhiên, lời đồn thổi ấy vô hình trung đã giúp ngăn chặn được khá nhiều kẻ muốn vào phá rừng.

Trước đây, công tác giữ rừng còn nhiều khó khăn, khi có kẻ đến phá rừng rất khó thông báo cho các đơn vị chức năng đến giải quyết, hoặc có tìm được cán bộ đến nơi thì cũng phải mất vài ngày. Thời ấy chưa có điện lưới, chưa có điện thoại, đường sá chỉ có thể cuốc bộ. Người dân Nà Hắc phải “đơn thương độc mã” giữ rừng, trong khi đó, cả thôn chỉ có hơn 20 hộ dân. Vậy là bà con phải tung “độc chiêu” gắn với yếu tố tâm linh nhằm hạn chế kẻ gian xâm hại khu rừng.

Ngày nay, việc đi lại đã thuận tiện hơn nhưng chuyện giữ rừng lại có thêm khó khăn mới. Vì chẳng còn ai tin chuyện rừng có ma nữa, từ đó công tác giữ rừng của người dân trong bản càng phải nâng cao hơn, hễ xảy ra sự việc là cả thôn cùng vào cuộc.

Khoảng chục năm về trước, lâm tặc mở con đường từ xã Châu Sơn, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn định vào phá rừng. Khi bị phát hiện, trưởng thôn Nà Hắc huy động cả làng ra đuổi, lại có sự vào cuộc của lực lượng kiểm lâm, công an huyện, nên khu rừng được đảm bảo an toàn.

Ông Chìu Chăn Lỷ, người dân tộc Dao, đã có 40 năm giữ rừng. Ảnh: Cường Vũ.

Ông Chìu Chăn Lỷ, người dân tộc Dao, đã có 40 năm giữ rừng. Ảnh: Cường Vũ.

Dị nhân tình nguyện giữ rừng

Người dân Nà Hắc từ bao đời nay đã có ý thức đoàn kết bảo vệ rừng, bởi bà con dân tộc nơi đây hiểu rằng khu rừng như người mẹ hiền che chở cuộc sống của họ trước thiên tai. Bên cạnh đó, rừng còn giữ nguồn nước để người dân có nước sinh hoạt và tưới tiêu các cánh đồng. Có một thời Nà Hắc bị cô lập giống như ốc đảo, khi đó, khu rừng cung cấp cho họ nhiều loại thuốc quý để cứu sống con người.

Người đàn ông dân tộc Dao Chìu Chăn Lỷ, năm nay đã 55 tuổi, nhưng đã có 40 năm giữ rừng nguyên sinh Nà Hắc. Trước đây, ông Lỷ được bố mẹ chia cho một gian nhà kiên cố để ở cùng với người em trai. Tính ưa tự do, ông Lỷ để lại nhà cho người em rồi một mình ra ở bên bìa rừng sống.

Ông Lỷ sống độc thân, không vợ con. Khi còn trẻ cũng đôi lần bố mẹ dạm hỏi vài đám trong bản, nhưng rồi lại “xôi hỏng bỏng không”, vì chẳng cô gái nào chấp nhận được cái tính “yêu rừng hơn vợ” của ông. Ông Lỷ nuôi gà, trồng ngô, hàng năm cũng có nguồn thu kha khá từ việc bán gà, giúp ông trang trải cuộc sống và duy trì việc bảo vệ rừng. Ông Lỷ tâm sự: “Nếu có kiếp sau chắc tôi lại giữ rừng thôi”.

Qua trò chuyện, chúng tôi được biết ông Lỷ có biệt tài dù nằm trong lán nhưng nghe tiếng bước chân bên ngoài, ông có thể đoán được là người dân trong làng hay người lạ. Khi nghe tiếng chân lạ là ông liền ra ngăn chặn, không cho họ vào rừng.

“Vài năm trước, có một nhóm người đến gạ gẫm tôi, cứ làm ngơ không biết gì để chúng khai thác gỗ lát cổ thụ, mỗi cây chúng cho tôi vài triệu đồng. Tôi quắc mắt quát chúng: Thằng nào muốn chặt cây thì bước qua xác tao. Rồi tôi rút con dao quắm vẫn dắt trên mái ra với tư thế quyết tâm bảo vệ rừng, khiến bọn người kia bỏ chạy không dám quay lại”, ông Lỷ bồi hồi nhớ lại.

Những cây gỗ lớn mọc ngay bên bờ suối. Ảnh: Nguyễn Thành.

Những cây gỗ lớn mọc ngay bên bờ suối. Ảnh: Nguyễn Thành.

Trong rừng Nà Hắc còn có nhiều cây mai vàng tự nhiên, loại cây quý này đã trở thành mục tiêu của kẻ xấu vào rừng khai thác để bán làm cây cảnh. Anh Chìu Văn Khánh kể, vào dịp giáp tết, anh ra chợ phiên Hà Lâu mua sắm đồ cúng giao thừa thì gặp một nhóm người lạ bàn tán chuyện vào rừng Nà Hắc. Thấy bất thường, anh hỏi chuyện, biết anh là người sống ở Nà Hắc, họ rủ anh cùng tham gia vào rừng chặt cây mai bán kiếm tiền tiêu tết, chúng sẽ chia lợi nhuận cho anh.

“Cây mai là của cả bản, không phải của riêng ai hết, nếu chúng tôi cũng không có ý thức thì lấy đâu ra mai còn cho đến ngày nay”, anh Khánh kiên quyết từ chối. Nói rồi anh bỏ luôn buổi chợ tết dù đã mất công đi gần 2 chục cây số từ Nà Hắc ra chợ.

Anh tức tốc quay về thôn, báo cho cán bộ chuẩn bị luôn tư thế ngăn chặn bọn vào rừng trộm mai. Biết không thể lay chuyển được ý thức giữ rừng của người dân Nà Hắc, kẻ gian có ý định trộm mai đành đánh bài chuồn và cũng từ đó không thấy quay lại.

Thôn Nà Hắc ngày nay được ghép lại với Bản Danh là thôn cận kề và mang tên chung là thôn Đoàn Kết. Ông Lã Văn Vi, Phó Chủ tịch xã Hà Lâu chia sẻ: “Cái tên mới được người dân rất thích vì bà con trong thôn sống rất đoàn kết, mà cái nổi bật nhất là đoàn kết giữ rừng”.

Anh Choỏng Mằn Sinh, Trưởng thôn Đoàn Kết nhận định: “Khó có thể lay chuyển được ý thức giữ rừng của người dân thôn Đoàn Kết. Vì họ sống và biết ơn rừng đã che chở họ từ bao đời nay. Ngày nay, đời sống người dân đã nâng cao, nhưng không vì thế mà bà con lơ là công tác giữ rừng, trong khi rừng vẫn cung cấp cho họ những lâm sản quý như ba kích, nấm chẹo, trà hoa vàng… Bà con trong thôn hiểu rừng là “của chìm” của cha ông để con cháu làm ăn, phát triển kinh tế”.

Quảng Ninh có diện tích rừng lớn, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành trong cả nước với gần 423.000ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, chiếm 68,4% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Trong đó, có hơn 370.000ha đất có rừng.

Rừng Quảng Ninh có vị trí đặc biệt quan trọng trong phòng hộ, bảo vệ đầu nguồn, vùng ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước, cân bằng hài hòa giữa phát triển công nghiệp, khai khoáng và bảo vệ môi trường, gắn với chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh, từng bước phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trên địa bàn tỉnh.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email