Friday, April 26

Khô khát vùng ‘chảo lửa’

Hơn 16 giờ, cái nắng ở Đồng Lê (huyện Tuyên Hóa – Quảng Bình), vẫn còn hầm hập nóng. Ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hóa đưa chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Hải (thôn Bắc Sơn). Ở giữa mảnh vườn, nhiều người đang xúm xít bên cái giếng khoan để chia nhau thời gian bơm nước.

Ông Tuấn giải thích: “Cả 5 hộ dân quanh đây chỉ còn trông chờ vào cái giếng khoan này để có nước ăn uống. Nhưng giếng chỉ bơm được nửa tiếng là phải dừng chờ mấy tiếng đồng hồ sau mới có nước để tiếp tục bơm. Vậy là bà con phải luân phiên chờ nước”.

Giếng khô, người khát…

Những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6 của mùa hè năm nay, vùng đất Đồng Lê như được mặc định là “chảo lửa”. Trời đã gần cuối giờ chiều mà cái nắng vẫn như đang đóng đinh trên đỉnh đầu. Chúng tôi ngồi trên ô tô, đồng hồ điện tử báo nhiệt độ trong xe là 22 độ nhưng vẫn cứ nghe bức bối lắm.

Ông Lê Anh Tuấn bảo: “Vậy mới đúng là nơi được xác định nóng nhất. Xã Sơn Hóa chúng tôi chỉ cách thị trấn Đồng Lê non 3 km. Hiện tất cả các giếng đào của bà con đã cạn nước hoặc khô nẻ ra rồi. Bây giờ chỉ còn trong chờ vào giếng khoan thôi”.

Phần lớn những giếng đào ở xã Sơn Hóa đã cạn khô nước. Ảnh: T. Phùng.

Phần lớn những giếng đào ở xã Sơn Hóa đã cạn khô nước. Ảnh: T. Phùng.

Xã Sơn Hóa có cơ cấu hành chính 7 thôn với trên 1.160 hộ dân. Từ bao đời nay, người dân ở đây chủ yếu sử dụng nguồn nước từ các con suối, khe chảy qua.

Sau này thì bà con đào giếng, giếng khoan để chủ động. Những năm gần đây, do sự biến đổi khí hậu, thời tiết ít mưa và nắng nóng kéo dài nên nguồn nước từ giếng cũng cạn dần, cạn dần.

Chúng tôi về thôn Bắc Sơn, ghé vào nhà bà Nguyễn Thị Tâm trong cái nóng vẫn còn khét. Thấy có khách, bà Tâm vội lấy nước để đun mời khách thì nước cũng hết. Bà tất tả cầm xô nhựa đi sang nhà hàng xóm.

Trên đám vườn nhà ông Hải đã có mấy người đứng quanh cái giếng khoan. Ông Hải cho hay, từ năm ngoái thì giếng đào nhà ông cạn nước, ông kêu thợ về khoan nhưng cũng không có nước.

Giếng khoan sâu đến 20 mét thì gặp đá giàn rắn nên thôi. Khi khoan lần thứ 3 thì mới được cái giếng như bây giờ. “Những mùa kia thì giếng bơm cả buổi vẫn chưa cạn nước. Nhưng vào hè thì nó kiệt nhanh lắm. Bơm chừng nửa tiếng là nghe phụt phụt và còn hơi ra chứ nước thì không”, ông Hải cho hay.

Cả 5 hộ dân quanh xóm đều trông chờ vào cái giếng khoan nhà ông Hải. Từ ống nhựa đầu ra máy bơm được đấu nối chia thành nhiều nhánh dẫn về các nhà.

Khi bơm cho nhà này thì đóng van các nhà khác. Bơm được khoảng khối nước là thôi, phải dừng để chờ cho giếng khoan tích nước đầy lên thì nhà khác mới có cơ hội bơm tiếp.

Mùa hè đang nóng nực và có thể còn kéo dài, việc tích nước và dùng nước tiết kiệm vơi người dân là rất quan trọng Ảnh: T.Phùng.

Mùa hè đang nóng nực và có thể còn kéo dài, việc tích nước và dùng nước tiết kiệm vơi người dân là rất quan trọng Ảnh: T.Phùng.

Nhà bà Tâm cũng có cái giếng đào sâu chừng hơn chục mét. Cách đây hơn chục ngày, giếng đã cạn trơ, không còn nước để bơm lên bể nên bà phải sang xin nhờ nước của giếng khoan nhà ông Hải.

Bà bảo: “Đó là xin nước ăn uống thôi. Còn muốn tắm giặt thì phải đi ra suối Rẫy Cộ. Cả xóm phải ra đó hết thảy chứ lấy đâu ra nước giếng mà tắm giặt cho đủ”.

Nhà ông Hoàng Minh Cần (thôn Bắc Sơn), cũng đã dành dụm trên 20 triệu đồng để mua phụ kiện, chi trả công khoan giếng mới có nước dùng.

Ông Cần cho hay, trước đây, giếng đào luôn có nước để dùng, những năm gần đây, chưa đến hè thì giếng đào cạn nước.

Nhiều gia đình gần nhau góp vốn để khoan giếng nhưng về mùa nắng hạn phải bơm nhiều lần, dùng dè xẻ mới đủ để sinh hoạt. Nhà nào cũng mất hàng chục triệu đồng khoan giếng, có hộ kém may mắn phải khoan đi khoan lại 2-3 lần mới được.

Bà con ở đây cũng đang lo ngay ngáy, trời nắng nóng và không mưa độ tháng nữa e khi đó nước giếng khoan cũng cạn khô thì chưa biết phải tính sao đây không có nước, mùa hè cây cối cũng khô cháy cả.

Không chỉ riêng Sơn Hóa, xã Lê Hóa địa giới sát với thị trấn Đồng Lê nhưng chưa có công trình nước sạch tập trung.

Ông Đậu Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Lê Hóa cho hay, do chưa có công trình nước sạch tập trung nên người dân sử dụng chủ yếu là nước giếng đào, giếng khoan.

Về mùa khô hạn, nếu giếng đào cạn thì người dân dùng chung giếng khoan, mua nước bình để ăn, uống.

“Còn việc tắm giặt, sinh hoạt thì sử dụng nước khe suối, nước sông Gianh. Nỗi lo chung của bà con chúng tôi là thiếu nước vào mùa hè. Trời đã nóng nực mà còn bị thiếu nước thì không có khổ nào hơn.”- ông Hùng chia sẻ.

Mỗi giếng khoan không đủ cấp nước cho 3-5 hộ gia đình trong xóm. Ảnh: T. Phùng.

Mỗi giếng khoan không đủ cấp nước cho 3-5 hộ gia đình trong xóm. Ảnh: T. Phùng.

Giấc mơ đủ nước sinh hoạt cho người dân đến bao giờ?

Những năm trước đây, huyện Tuyên Hóa được ưu tiên đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa các công trình nước sạch.

Hiện, trên địa bàn huyện có 21 công trình cấp nước tập trung, nhưng chỉ có 13 công trình hoạt động tương đối bền vững, 8 công trình hoạt động kém, trong đó 2 công trình ngưng hoạt động (ở thôn Xuân Hạ, xã Văn Hóa và bản Chuối, xã Lâm Hóa).

Qua trao đổi, ông Đinh Xuân Thương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuyên Hóa cho hay, huyện cũng đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh, các ngành, các tổ chức khảo sát, đánh giá đầu tư xây dựng các nhà máy cấp nước sinh hoạt phù hợp cho các vùng chưa được cấp nước tập trung trên địa bàn.

Hiện mới chỉ có các xã Văn Hóa, Tiến Hóa, Châu Hóa, Mai Hóa, Đức Hóa, Thanh Hóa, Cao Quảng có công trình nước sạch tập trung cấp nước cho bà con sử dụng.

Còn lại một số địa phương có công trình nước nhưng kém bền vững, người dân vẫn bị thiếu nước vào mùa khô hạn.

“Tuyên Hóa vẫn còn 4 xã chưa có công trình nước sạch tập trung để dùng như Sơn Hóa, Lê Hóa, Ngư Hóa và Thanh Thạch”, ông Thương nói thêm.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hóa, địa phương đã từng khảo sát phương án đấu nối từ công trình nước sạch thị trấn Đồng Lê về nhưng cũng rất khó thực hiện. Cả xã chỉ 2 hộ có điều kiện kéo được nước từ Đồng Lê về.

Trong lộ trình về đích chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì xã Sơn Hóa phấn đấu cán đích vào cuối năm nay. Tuy nhiên, thực hiện tiêu chí về tỷ lệ sử dụng nước sạch tập trung đối với địa phương này quả thật nan giải.

“Phấn đấu có từ 20% số hộ trở lên được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung mới đủ điều kiện thẩm định đạt chuẩn nông thôn mới thì chúng tôi lại phải lỡ hẹn thôi”, ông Tuấn nói.

Bà con phải canh thời gian để bơm nước vì giếng cũng sắp khô. Ảnh: T. Phùng.

Bà con phải canh thời gian để bơm nước vì giếng cũng sắp khô. Ảnh: T. Phùng.

Hằng năm, xã Sơn Hóa có gần 100 ha diện tích canh tác trồng lúa. Nhưng do thiếu nước nên vụ hè-thu chỉ gieo cấy được 30 ha chủ yếu nằm ở hai bên con suối Rẫy Cộ.

Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần đề nghị huyện, tỉnh xem xét, khảo sát bố trí cho kinh phí làm công trình thủy lợi nhỏ đập ngăn suối Rẫy Cộ. Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hoá ông Lê Anh Tuấn và nhiều bà con cho rằng có được con đập ngăn này thì nước tích lại từ suối Rẫy Cộ đủ tưới cho 100 ha diện tích lúa 2 vụ chắc ăn. “Không những vậy mà bài toán cấp nước sinh hoạt cho người dân của 7 thôn cũng được dễ dàng hơn.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email