Saturday, April 27

Trồng lúa đen hữu cơ nhàn tênh, thu nhập hơn hẳn lúa thường

Canh tác nhàn tênh

Vụ đông xuân 2022 – 2023, Công ty Cổ phần Nông sản N&H liên kết với HTX Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) sản xuất 30ha lúa, trong đó có hơn 23ha lúa đen hữu cơ được cấp chứng nhận.

Ông Nguyễn Viết Hưng, ngụ thôn 7, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, gia đình có 2ha ruộng, trước đây chủ yếu trồng lúa ST24, ST25. Vụ đồng xuân năm nay, ông Hưng cũng như các thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết (xã Vụ Bổn) được sự hướng dẫn của cơ quan chức năng đã liên kết với Công ty Cổ phần Nông sản N&H trồng lúa đen hữu cơ.

Mô hình lúa đen hữu cơ được 'cách ly' hoàn toàn với những cánh đồng khác. Ảnh: Quang Yên.

Mô hình lúa đen hữu cơ được “cách ly” hoàn toàn với những cánh đồng khác. Ảnh: Quang Yên.

“Về quy trình sản xuất, trồng lúa đen vẫn giống như những giống lúa khác khác. Từ lúc trồng đến thời điểm thu hoạch, Công ty Cổ phần Nông sản N&H đều cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn từng công đoạn. Đặc biệt, triển khai mô hình này, Công ty sử dụng máy bay không người lái để gieo sạ, phun thuốc nên người dân rất nhàn.

Canh tác theo quy trình hữu cơ nên phân bón, giống đều được Công ty cung cấp”, ông Hưng nói và cho biết, Công ty đã ký hợp đồng thu mua lúa tại ruộng với giá 12.000 đồng/kg cho bà con nông dân, cao gấp đôi so với sản xuất các giống lúa thông thường trước đây.

“Mặc dù chưa thu hoạch nhưng lúa đen ước đạt năng suất cao. Trong vụ tới, chúng tôi sẽ tiếp tục liên kết với Công ty để trồng lúa đen”, ông Hưng nói thêm.

Ông Bùi Đình Thảnh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết cho biết, HTX có 23,5ha trồng lúa đen với 11 thành viên chính thức và 4 thành viên liên kết và đây là lần đầu tiên HTX trồng lúa đen hữu cơ, áp dụng nhiều giải pháp khoa học kỹ thuật mới vào canh tác.

“Khi triển khai mô hình, Phòng NN-PTNT huyện đầu tư giống, phân bón, chế phẩm BVTV sinh học…, người dân không phải mất tiền.

Canh tác hữu cơ, người dân nhàn tênh, chỉ đến xem và học hỏi kinh nghiệm, còn tất cả các khâu được kỹ thuật viên của Công ty thực hiện. Trước đây trồng những giống lúa khác cứ đến giai đoạn bệnh đạo ôn, rầy nâu thì người dân phải phun thuốc để phòng trừ, bây giờ khỏe hơn rất nhiều nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, người dân chỉ ra thăm đồng, theo dõi lúa sinh trưởng, còn tất cả máy móc thực hiện. Người dân làm nhàn nhưng thu nhập vẫn cao”, ông Thảnh nói.

Tăng 30% thu nhập cho nông dân

Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần N&H cho biết, doanh nghiệp đã sản xuất thí điểm lúa đen tại nhiều huyện của tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, khu vực HTX Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết có vùng đệm, cách ly hoàn toàn với những cánh đồng xung quanh nên khi triển khai làm lúa hữu cơ rất thuận tiện.

Mô hình lúa đen hữu cơ phát triển tốt khi trồng thử nghiệm. Ảnh: Quang Yên.

Mô hình lúa đen hữu cơ phát triển tốt khi trồng thử nghiệm. Ảnh: Quang Yên.

“Đây là lần đầu tiên người dân khu vực này canh tác lúa đen hữu cơ nên giai đoạn đầu vẫn gặp nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên khi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác đã giúp người dân nhàn hơn nên họ thực hiện theo”, bà Hương nói.

Nữ giám đốc cho biết thêm, khi liên kết với HTX, Công ty hỗ trợ quy trình kỹ thuật chăm sóc. Cụ thể, Công ty sử dụng máy bay không người lái, có kỹ thuật viên hướng dẫn bà con tất cả các khâu từ thời điểm làm đất đến khi thu hoạch. Việc hướng dẫn, canh tác đồng bộ giúp cho lúa thu hoạch cùng lúc, độ đồng đều cao, nâng cao năng suất cũng như chất lượng gạo.

“Mô hình được Phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc hỗ trợ người dân về giống và phân phón. Phía Công ty thực hiện theo quy trình sản xuất hữu cơ và có đơn vị độc lập giám sát, theo dõi. Hiện nay, cánh đồng đã được cấp chứng nhận hữu cơ”, bà Hương cho biết.

Trồng lúa đen hữu cơ, người dân tăng khoảng 30% thu nhập. Ảnh: Quang Yên.

Trồng lúa đen hữu cơ, người dân tăng khoảng 30% thu nhập. Ảnh: Quang Yên.

Cũng theo bà Hương, sau thời gian triển khai, Công ty đánh giá mô hình khá tốt, so với những giống lúa khác, người dân tăng khoảng 30% thu nhập. Công ty cam kết thu mua, hướng dẫn người dân canh tác trong những vụ mùa tới. Về đầu ra sản phẩm đối với lúa đen, Công ty sau khi thu mua sẽ sử dụng để làm rượu vang, gạo, các sản phẩm sau gạo như bánh, miếng, phở…

“Đất khu vực này phù hợp với mô hình lúa đen hữu cơ. Với giá thu mua của doanh nghiệp ký kết là 12.000 đồng/kg tại ruộng, nông dân có thu nhập cao hơn hẳn so với sản xuất những giống lúa khác.

Đây là mô hình rất thiết thực, trúng và đúng theo chủ trương của địa phương. Việc triển khai nhằm giúp người dân có thu nhập ổn định từ trồng lúa”, ông Đoàn Doãn Toản, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc đánh giá.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email