Thursday, March 28

Trang trại 3.000 cây sầu riêng hữu cơ đầu tiên ở Bình Định

Lợi thế của vùng trồng sầu riêng nghịch vụ

Ông Hồ Nhất Cẩn (sinh năm 1966) quê ở phường Hoài Tân (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) vào TP.HCM định cư đã lâu. Năm 2016, ông Cẩn về quê thuê của chính quyền địa phương 6ha đất gò đồi tại phường Hoài Tân và mua thêm 6ha khác để khởi nghiệp nông nghiệp với cây bơ và cây dừa xiêm lùn. 3 năm sau cây cho quả, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao, trong khi công sức cải tạo 12ha đất trước đây đã ngốn của ông không ít tiền.

Ông Hồ Nhất Cẩn bên những cây sầu riêng cho quả năm thứ 2 trong trang trại ở phường Hoài Tân (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Hồ Nhất Cẩn bên những cây sầu riêng cho quả năm thứ 2 trong trang trại ở phường Hoài Tân (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Cẩn nghĩ, nếu không chuyển đổi thì cả quãng đời còn lại phải “chung sống” với nỗi day dứt vì chọn nhầm đối tượng cây trồng. Năm 2019, ông quyết định phá bỏ toàn bộ cây bơ và dừa xiêm để chuyển sang trồng sầu riêng. Hiện nay, 3.000 cây sầu riêng của ông đã có gần 1.000 cây cho quả năm thứ 2, hơn 1.000 cây đang giai đoạn trưởng thành và 1.000 cây mới trồng được 1 năm tuổi.

“Thất bại với cây bơ và dừa xiêm để hình thành nên trang trại 3.000 cây sầu riêng hiện nay, đã có hơn 4 tỷ đồng “đội nón ra đi” khỏi hầu bao của vợ chồng tôi. Gần 1.000 cây sầu riêng Ri6 năm ngoái cho trái dù tôi chưa can thiệp kỹ thuật nhưng đậu quả rất khả quan, tôi chỉ để lại cây nhiều nhất là 10 quả, bình quân mỗi quả đạt hơn 7kg, chất lượng rất ngon. Năm nay, tôi thuê nhân viên kỹ thuật ở miền Tây ra chăm sóc, dự kiến sẽ để mỗi cây 20 quả, hi vọng vụ mùa này tôi gỡ gạc được phần nào chi phí đã bỏ ra”, ông Cẩn vui vẻ chia sẻ.

Nói về nỗi lo cây sầu riêng ở Việt Nam tăng trưởng nóng, dễ dẫn đến cung vượt cầu, ông Cẩn tự tin sầu riêng trồng trên đất Bình Định có tương lai rất khả quan, bởi loại cây này rất phù hợp với thổ nhưỡng ở đây, đặc biệt mùa thu hoạch nghịch vụ với sầu riêng miền Nam, miền Đông và sầu riêng Tây Nguyên nên không lo về đầu ra.

Năm nay, gần 1.000 cây sầu riêng trồng lứa đầu của ông Hồ Nhất Cẩn cho quả năm thứ 2. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Năm nay, gần 1.000 cây sầu riêng trồng lứa đầu của ông Hồ Nhất Cẩn cho quả năm thứ 2. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Năm ngoái sầu riêng ở Tây Nguyên thu hoạch hết rồi mới đến lượt sầu riêng của tôi thu hoạch. Thu hoạch xong tôi đưa về TP.HCM cho con dâu bán được giá bình quân tới 55.000đ/kg, mỗi quả đạt bình quân 7kg, bán được gần 400.000đ/quả”, ông Cẩn cho hay.

Xác định chất lượng của cây giống quyết định năng suất và chất lượng của sầu riêng, ông Cẩn chọn địa chỉ cung cấp cây giống uy tín tại địa phương để đặt niềm tin.

Chị Trần Thị Kim Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thế giới cây giống ở phường Hoài Tân (thị xã Hoài Nhơn, Bịnh Định) cho hay: “Trước đây tôi làm việc tại Công ty Giống cây trồng Bình Định, về mở công ty riêng đến nay đã được 12 năm.

Qua thời gian dài hoạt động trong lĩnh vực giống cây trồng, tôi đã chọn lựa được một số giống cây ăn quả phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của Bình Định, trong đó có cây sầu riêng. Về sầu riêng, hiện nay Việt Nam có rất nhiều giống, nhưng thổ nhưỡng ở Bình Định phù hợp với 3 dòng sầu riêng là Ri6, Thái và Musanking”, chị Kim Anh cho hay.

Chị Trần Thị Kim Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thế giới cây giống ở phường Hoài Tân (thị xã Hoài Nhơn, Bịnh Định), cơ sở cung cấp giống sầu riêng cho trang trại ông Cẩn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Chị Trần Thị Kim Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thế giới cây giống ở phường Hoài Tân (thị xã Hoài Nhơn, Bịnh Định), cơ sở cung cấp giống sầu riêng cho trang trại ông Cẩn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Hồ Nhất Cẩn, cây sầu riêng nếu chăm sóc đúng quy trình thì khoảng từ 3 đến 3 năm rưỡi sau khi trồng là cho quả. “Sầu riêng là cây trồng lâu năm, nếu chọn giống không chất lượng thì cây cho quả nhỏ, ít quả, chất lượng quả không ngon, đến lúc ấy có hối hận cũng đã muộn, thế nên tôi chọn mua giống được công ty bảo hành đàng hoàng”, ông Cẩn chia sẻ.

Nuôi cỏ để cỏ nuôi cây

Đường dẫn vào trang trại sầu riêng của ông Cẩn được trải bê tông rất bài bản, những cây sầu riêng đứng đơm hoa từng chùm trông rất bắt mắt. Dẫn chúng tôi đi dạo quanh trang trại, vừa đi ông Cẩn vừa tâm sự: “Trong trang trại của tôi ngoài 2 cán bộ kỹ thuật từ miền Nam về hướng dẫn quy trình chăm sóc, còn có 6 nhân công thường xuyên có mặt tại trang trại để kiểm tra sâu bệnh của cây, làm cỏ và kiểm tra béc tưới xem có bị nghẹt không”.

Điều khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên là dưới những cây sầu riêng cỏ vẫn mọc dày, tươi tốt như được nuôi. Như đọc được suy nghĩ của chúng tôi, anh Trần Ngọc Viễn (41 tuổi) quê ở phường Hoài Đức (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) hiện đang làm việc tại Siêu thị cây giống (Welofarm) ở Chợ Lách (Bến Tre) được ông Cẩn vào tận miền Tây mời về đây hướng dẫn quy trình chăm sóc cây sầu riêng chia sẻ:

Ông Hồ Nhất Cẩn bên những cây sầu riêng 5 năm tuổi đang cho hoa lúc lỉu. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Hồ Nhất Cẩn bên những cây sầu riêng 5 năm tuổi đang cho hoa lúc lỉu. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Trong vườn sầu riêng này chúng tôi không diệt cỏ, chỉ quản lý nó, khi cỏ lên cao quá thì cắt, giữ gốc lại. Đặc biệt vào mùa mưa phải thường xuyên cắt cỏ để nước dễ thoát, ẩm độ trong đất không tăng cao, còn mùa nắng để cỏ rất có lợi cho cây trồng, vì cỏ giữ được độ ẩm, giảm được lượng nước tưới. Rễ cỏ len lỏi trong đất làm cho cây sầu riêng có tầng ô xy để thở.

Nông dân mình thường nghĩ cỏ sẽ ăn hết phân mình bón cho cây. Cỏ có ăn phân thật, nhưng sau đó chính nó sẽ tạo nguồn phân hữu cơ lớn bổ sung lại cho cây. Bởi, cắt cỏ xong, mình phun nấm đối kháng Trichoderma vào cỏ, cỏ sẽ phân hủy và hóa thành phân hữu cơ, cỏ ăn phân một nhưng trả dinh dưỡng đến mười”.

Theo anh Viễn, trước khi về làm việc ở trang trại của ông Cẩn, anh đã đến rất nhiều vùng trồng sầu riêng ở miền Tây, miền Đông, Tây Nguyên; miền Trung thì Viễn đã đến vùng sầu riêng ở Khánh Vĩnh, Khánh Sơn (Khánh Hòa) và sông Hinh (Phú Yên). Khi về Hoài Nhơn (Bình Định), Viễn thấy đất gò đồi ở đây rất phù hợp với cây sầu riêng.

“Tôi về đây từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, từ đó đến nay tôi thấy cây sầu riêng phát triển rất tốt. Thời tiết, thổ nhưỡng ở đây phù hợp với 3 loại sầu riêng Ri6, Thái và Musanking. Đất ở đây dễ thoát nước, mưa xuống nước không úng, cây sầu riêng sợ nhất là bị úng. Hàm lượng kali và lân trong đất khá bình ổn, độ pH chuẩn, không bị phèn”, anh Viễn cho hay.

Anh Trần Ngọc Viễn đang làm việc tại Siêu thị cây giống (Welofarm) ở Bến Tre về Bình Định giúp ông Cẩn chăm sóc cây sầu riêng theo hướng hữu cơ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh Trần Ngọc Viễn đang làm việc tại Siêu thị cây giống (Welofarm) ở Bến Tre về Bình Định giúp ông Cẩn chăm sóc cây sầu riêng theo hướng hữu cơ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Một ưu điểm khác của sầu riêng trồng ở Bình Định theo phân tích của anh Viễn đó là trong một năm, sầu riêng ở miền Tây cho quả đầu tiên, sau đó mới đến sầu riêng ở miền Đông, Khánh Hòa, Tây Nguyên, cuối cùng mới đến Bình Định. Vậy nên vụ thu hoạch sầu riêng ở Bình Định nghịch vụ với tất cả những vùng sầu riêng trong cả nước nên có lợi thế cạnh tranh lớn.

Cũng theo anh Viễn, cây sầu riêng thường bị bệnh vàng lá, thối rễ do nấm Phytophthora tấn công, thế nhưng trên đất này khó xảy ra vì thoát nước tốt. Sầu riêng cũng thường bị rầy xanh tấn công khi cây ra đọt non, thế nhưng cũng dễ trị, chỉ cần dùng nước phun lên lá non là lũ rầy không bám được trên lá để gây hại, những bệnh khác thì sử dụng chế phẩm sinh học xử lý. Sử dụng hoạt chất hóa học thì chỉ chữa trị được ngay vết bệnh, còn với chế phẩm sinh học do lưu dẫn 2 chiều nên sẽ truy tìm được vết bệnh, tạo nội sinh cho cây. Cây phải có nội sinh thì mới có khả năng kháng bệnh.

Sầu riêng trồng ở Bình Định thu hoạch trái vụ với những vùng sầu riêng trong cả nước nên không lo đầu ra, giá bán tốt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Sầu riêng trồng ở Bình Định thu hoạch trái vụ với những vùng sầu riêng trong cả nước nên không lo đầu ra, giá bán tốt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh Viễn chia sẻ thêm: “Trang trại sầu riêng của ông Cẩn đi theo hướng hữu cơ nên lá rất dày, những vùng sầu riêng áp dụng canh tác vô cơ, sử dụng đa lượng nhiều thì đọt ra nhiều nhưng lá mỏng và cây sẽ bị nứt thân, chỉ cho quả trong quãng thời gian khoảng 15 năm, sau đó dù cây vẫn sống đến 20 – 30 năm nhưng mất tán, cây không còn cho quả”.

“Nếu chăm sóc theo quy trình hữu cơ, chủ nhà vườn tiết kiệm được 40 – 50% lượng phân bón, một cây sầu riêng chăm sóc theo hướng hữu cơ từ khi trồng đến 5 năm tuổi chỉ tốn dưới 1,5 triệu đồng tiền phân bón, bán 5 quả sầu riêng là đủ bù vào tiền phân, đặc biệt là cây duy trì sức cho quả đến hơn 30 năm. Sầu riêng chăm sóc theo hướng hữu cơ chất lượng quả rất ngon, đầu ra cũng rộng hơn so với những vườn sầu riêng chăm sóc theo kiểu truyền thống”, anh Trần Ngọc Viễn chia sẻ.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email