Thursday, May 2

Cần phổ biến rộng rãi cách làm phân bón hữu cơ tới nông dân

Nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay rất lớn, lên đến gần 160 triệu tấn/năm, trong đó, một khối lượng không nhỏ có thể làm phân bón hữu cơ cho cây trồng.

Nhưng theo ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm GC (GC Food), việc xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp cần phải được thực hiện đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Do đó, cần phải có kiến thức cao và sự đam mê nghiên cứu, thử nghiệm ở từng doanh nghiệp, trang trại.

Nông dân tận dụng phế phẩm nông nghiệp ủ làm phân bón hữu cơ. Ảnh: Sơn Trang.

Nông dân tận dụng phế phẩm nông nghiệp ủ làm phân bón hữu cơ. Ảnh: Sơn Trang.

Như nông trại Nắng và Gió của GC Food hiện đã tự làm được men vi sinh giúp cho việc phân hủy vỏ, lá nha đam, phân bò… được nhanh hơn và không bị mùi hôi. Tuy nhiên, GC Food đã phải thử nghiệm nhiều năm, phải mời các nhà khoa học tới cùng nghiên cứu, hỗ trợ… mới có được loại men vi sinh này.

Cũng theo ông Thứ, hiện nay có rất nhiều bài viết, clip… rất hay trên các mạng xã hội hướng dẫn cách ủ men, lên men một số phụ phẩm nông nghiệp. Nhưng những phương pháp này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi và vẫn còn xa lạ, có phần khó hiểu với đa số nông dân. Do đó, những chương trình như vậy cần được thực hiện một cách gần gũi, với những thao tác, công thức mà bà con có thể làm theo và ứng dụng dễ dàng.

Hiện nay, nhìn chung men vi sinh trên thị trường đang được bán với giá khá cao, nên khó thuyết phục được nông dân mua về sử dụng, nhất là khi họ chưa biết rõ những loại men đó khi dùng để xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp sẽ có kết quả thế nào.

Chính vì vậy, ông Thứ cho rằng, để giúp nông dân mạnh dạn ứng dụng kinh tế tuần hoàn nhằm thúc đẩy sản xuất hữu cơ, ngành nông nghiệp và các địa phương cần đẩy mạnh công tác hướng dẫn và có chính sách hỗ trợ nông dân sử dụng men vi sinh để xử lý phế phụ phẩm. Đồng thời, xây dựng những điểm trình diễn để bà con đến tham quan, học hỏi trực tiếp cách xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ.

Vùng trồng nha đam của GC Food áp dụng quy trình sản xuất tuần hoàn, tận dụng phụ phẩm trong sản xuất cây nha đam để ủ làm phân bón hữu cơ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Vùng trồng nha đam của GC Food áp dụng quy trình sản xuất tuần hoàn, tận dụng phụ phẩm trong sản xuất cây nha đam để ủ làm phân bón hữu cơ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu ra những men vi sinh giúp việc xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp có hiệu quả cao như rút ngắn thời gian phân hủy, tạo ra nguồn phân bón hữu cơ có chất lượng cao… Nhưng các doanh nghệp đó chỉ có thể sử dụng nội bộ men vi sinh tự nghiên cứu, nên giá trị gia tăng chưa cao và chưa mở rộng được quy mô sử dụng những loại men vi sinh này.

Vì vậy, ông Thứ đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ KH-CN và các bộ, ngành liên quan xem xét, hướng dẫn các doanh nghiệp đã tự nghiên cứu, sản xuất ra men vi sinh giúp xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp đăng ký những sản phẩm này để được phép bán, lưu hành trên thị trường, qua đó, góp phần tăng nguồn cung và giảm giá men vi sinh trên thị trường.

Theo TS Nguyễn Công Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp hữu cơ Á Châu, để đẩy mạnh áp dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất hữu cơ thì khoa học công nghệ có vai trò rất quan trọng. Khoa học công nghệ ở đây là sự kết hợp rất nhiều ngành như công nghệ sinh học, hóa chất, phân bón, bảo vệ thực vật… và cả khoa học về cơ khí. Bởi sử dụng phân hữu cơ thì phải bón một khối lượng rất lớn, nên rất cần có những loại máy móc giúp nông dân bón phân nhanh hơn và giảm được công lao động.

Thực tế cho thấy, hơn 200 nghìn ha lúa – tôm ở ĐBSCL là nơi rất thuận lợi cho sản xuất hữu cơ vì có sẵn nguồn tuần hoàn để giảm đáng kể chi phí sản xuất, nhưng vẫn đang có những khó khăn không nhỏ vì thiếu cơ giới hóa, nhất là ở khâu thu hoạch lúa.

TS Nguyễn Công Thành cũng cho rằng, cần có những chính sách để cụ thể hóa và khuyến khích việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn vào phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email