Monday, April 29

Biến trái cây, thảo dược thành tinh dầu tiền triệu mỗi lít

Tinh dầu bơ tiền triệu mỗi lít

Đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc, chị Nguyễn Thị Thọ Vân (ngụ phường 10, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) ngừng công việc kế toán và bắt tay vào nghiên cứu, chiết xuất tinh dầu thảo dược. Chị cho biết, Việt Nam có nhiều loại thảo dược quý nhưng việc chế biến, chiết xuất tinh dầu chưa nhiều, đặc biệt người tiêu dùng vẫn phải mua và sử dụng các loại tinh dầu có sự pha trộn hoá chất.

Chị Nguyễn Thị Thọ Vân đang kiểm tra sản phẩm tinh dầu trước khi đóng chai, phân phối ra thị trường. Ảnh: Minh Hậu.

Chị Nguyễn Thị Thọ Vân đang kiểm tra sản phẩm tinh dầu trước khi đóng chai, phân phối ra thị trường. Ảnh: Minh Hậu.

“Vốn đam mê với tinh dầu từ nhỏ nên tôi quyết định tìm tòi, học hỏi cách sản xuất. Đến năm 2021, tôi gặp được một chuyên gia về lĩnh vực này và kể từ đó các kiến thức về ngành chiết xuất tinh dầu được hệ thống bài bản. Đến năm 2022, tôi cùng 2 người khác hùn vốn thành lập công ty, mở rộng vùng nguyên liệu, khu chế xuất và tiến hành đưa sản phẩm ra thị trường”, chị Nguyễn Thị Thọ Vân, Giám đốc Công ty TNHH Tinh dầu Kava Việt Nam chia sẻ.

Vừa đưa khách tham quan khu chiết xuất, đóng gói sản phẩm, chị Vân vừa say sưa tâm sự, việc sản xuất tinh dầu thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn. Dù chưa có thị trường trong tay nhưng đơn vị phải bỏ ra hàng tỷ đồng để đầu tư cho vùng nguyên liệu và tiếp đến là hệ thống chiết tách, máy móc phục vụ kiểm tra, đóng chai, đóng gói…

Giới thiệu bức tranh lớn với các hoạ tiết đơn giản nhưng không kém phần tinh tế, chị Vân thổ lộ: “Đây là bức tranh khái quát cả quá trình từ sản xuất, chế biến đến sản phẩm tinh dầu ra với thị trường. Bên trái là cảnh vườn tược, cảnh nông dân Việt Nam làm việc để cho ra những cây xanh, quả ngọt, trồng những loại dược liệu quý phục vụ cho việc sản xuất tinh dầu.

Ở phần giữa bức tranh là khung cảnh nông dân say mê nhóm bếp lửa, chưng cất tinh dầu dược liệu và bên phải bức tranh thể hiện quy trình đóng chai, đóng gói, đưa sản phẩm quê hương đến tay người tiêu dùng. Bức tranh là câu chuyện về tinh dầu và cũng là câu chuyện về làng quê, về nông dân Việt Nam”.

Công ty của chị Vân đang sản xuất 12 dòng sản phẩm tinh dầu các loại. Ảnh: Minh Hậu.

Công ty của chị Vân đang sản xuất 12 dòng sản phẩm tinh dầu các loại. Ảnh: Minh Hậu.

Chị Vân chia sẻ, Lâm Đồng và các địa phương khác ở Tây Nguyên có lợi thế phát triển cây bơ, đây là nguồn nguyên liệu quý để làm ra sản phẩm tinh dầu. Hiện nay cây bơ đang đứng trước sự biến động của thị trường, sản phẩm bơ vào chính vụ có giá thấp nên nông dân gặp nhiều khó khăn.

Do vậy, Công ty TNHH Tinh dầu Kava Việt Nam đang tập trung nguồn lực nhằm phát triển sản phẩm tinh dầu bơ, phát triển thị trường mạnh hơn nữa để hỗ trợ người trồng bơ ở Tây Nguyên. Theo chị Vân, hiện mỗi lít tinh dầu bơ có giá từ 1 – 1,5 triệu đồng và đơn vị đang phối hợp cùng một số đối tác nghiên cứu, đầu tư công nghệ để tinh chế, cho ra sản phẩm tinh dầu bơ cao cấp hơn, hướng đến sản xuất cho ra thị trường dầu bơ có giá trị lên đến 10 triệu đồng/lít.

1 tấn sả tươi = 1 lít tinh dầu

Chị Vân đánh giá, ở Việt Nam, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng miền núi có nhiều loại thảo dược quý với hàm lượng tinh dầu khác nhau. Do vậy, để tạo ra sản phẩm tinh dầu có chất lượng cao nhất, đơn vị đã ký hợp đồng với nông dân ở tỉnh Thanh Hoá phát triển vùng nguyên liệu sả, ngải cứu và ký hợp đồng với nông dân tại tỉnh Lâm Đồng phát triển vùng nguyên liệu gừng, ngải cứu, khuynh diệp, hương thảo, tía tô, bơ…

Sản phẩm tinh dầu bơ cung cấp ra thị trường với mức giá 1 - 1,5 triệu đồng/lít. Ảnh: Minh Hậu.

Sản phẩm tinh dầu bơ cung cấp ra thị trường với mức giá 1 – 1,5 triệu đồng/lít. Ảnh: Minh Hậu.

Tại các vùng nguyên liệu, chị Vân đã đầu tư hệ thống lò chưng, chiết xuất để đẩy nhanh quá trình sản xuất. Chia sẻ về quy trình sản xuất, chị Vân cho biết đối với sản phẩm tinh dầu sả, để sản xuất được 1 lít tinh dầu, doanh nghiệp này cần ít nhất 1 tấn sả tươi. Theo đó, sả sau khi được thu hoạch tại đồng ruộng sẽ chuyển qua công đoạn chọn lựa, sơ chế và chuyển vào lò chưng cất trên bếp than trong vòng 4 giờ. “Sản phẩm tinh dầu sau chưng cất được kiểm tra về chất lượng, sau đó mới đóng chai và phân phối ra thị trường. Toàn bộ tinh dầu được sản xuất rất tỉ mỉ và hoàn toàn nguyên chất”, chị Vân cho biết.

Hiện nay, Công ty TNHH Tinh dầu Kava Việt Nam của chị Vân đang sản xuất 12 dòng sản phẩm tinh dầu các loại như tinh dầu sả, tinh dầu hương thảo, bạc hà, gừng, tía tô, tinh dầu quế, vỏ quýt, bưởi da xanh, sả chanh… Trong đó có 3 sản phẩm dùng để xông, phục vụ trị liệu. Sản phẩm tinh dầu xông, tinh dầu massage của đơn vị này hiện đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Song song với sản xuất các loại tinh dầu xông, Công ty TNHH Tinh dầu Kava Việt Nam cũng ký kết hợp tác với hàng chục hộ nông dân ở Lâm Đồng để phát triển nguyên liệu, sản xuất tinh dầu bơ. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã mua 80 tấn bơ của các hộ dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với mức giá cao hơn giá thị trường từ 1.000 – 2.000 đồng/kg để phục vụ sản xuất.

Đối với dòng sản phẩm này, chị Vân cho biết tinh dầu bơ được sử dụng làm dầu nền xoa bóp, massage và có mùi hương dịu, nhẹ. Hiện nay, mỗi tháng đơn vị sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 50 lít tinh dầu bơ với mức giá từ 1 – 1,5 triệu đồng/lít.

Sản phẩm tinh dầu xông, tinh dầu massage của Công ty TNHH Tinh dầu Kava Việt Nam hiện đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: Minh Hậu.

Sản phẩm tinh dầu xông, tinh dầu massage của Công ty TNHH Tinh dầu Kava Việt Nam hiện đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: Minh Hậu.

Đến nay, sản phẩm tinh dầu xông, tinh dầu massage của đơn vị này đã được tiêu thụ rộng rãi trên khắp các tỉnh, thành cả nước. Doanh nghiệp này hiện cũng ký kết hợp tác phân phối sản phẩm với nhiều đối tác lớn tại TP.HCM, Hải Phòng, TP Vũng Tàu, Bình Dương, An Giang, Tây Ninh.

Theo chị Vân, Việt Nam đa dạng về cây trồng, dược liệu và các doanh nghiệp cần có phương pháp tinh chế, đưa sản phẩm ra với thế giới. “Ở Thái Lan, họ cũng có vùng nông thôn như Việt Nam và họ đã nghiên cứu, sản xuất nhiều loại sản phẩm tinh dầu, xuất khẩu khắp thế giới. Đặc biệt, các thương nhân Trung Quốc đã mua nguyên liệu thô (các loại thảo dược) của Việt Nam rồi mang về sản xuất, sau đó bán lại sản phẩm tinh dầu cho người Việt với mức giá cao hơn hàng chục lần so với ban đầu.

Việt Nam là vùng tiềm năng về dược liệu và chúng tôi đang nghiên cứu, đầu tư công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất để hướng đến đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế”, chị Vân cho biết. Cũng theo chị, cùng với sản xuất tinh dầu, hiện nay đơn vị xây dựng các khu dịch vụ trải nghiệm xông tinh dầu, massage ở Đà Lạt, TP.HCM…

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email