Friday, March 29

Biến rơm rạ thành phân hữu cơ bón cho lúa, giúp giảm 40% chi phí

Ngày 18/5, Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) tổ chức hội thảo đầu bờ “Mô hình canh tác lúa sử dụng phân bón hữu cơ từ rơm”.

Mô hình được triển khai trong vụ lúa hè thu 2023 tại hộ gia đình ông Trần Văn Đào ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) với diện tích 1,7ha, trong đó có 1ha xây dựng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ từ rơm rạ và diện tích còn lại (7 công) làm đối chứng được canh tác theo phương pháp truyền thống, sử dụng 100% phân bón, thuốc BVTV hóa học.

Mô hình canh tác lúa sử dụng phân bón hữu cơ từ rơm tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mô hình canh tác lúa sử dụng phân bón hữu cơ từ rơm tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Trần Văn Đào cho biết, vụ lúa hè thu năm nay, ruộng mô hình canh tác lúa theo hướng hữu cơ sử dụng 1 tấn phân rơm bón cho 1ha lúa được chia ra bón nhiều đợt trong vụ. Bên cạnh đó có kết hợp lượng ít phân bón NPK của Công ty Đạm Phú Mỹ tài trợ để đảm bảo đủ lượng dinh dưỡng cho cây lúa phát triển xanh tốt.

Vụ lúa này ông Đào canh tác giống OM5451, sạ giống với lượng 80kg/ha. Hiện lúa của gia đình ông chuẩn bị thu hoạch, qua kết quả đánh giá sơ bộ ban đầu của ngành chuyên môn, năng suất lúa tươi tại ruộng mô hình ước đạt 6,4 tấn/ha, cao hơn ruộng đối chứng 0,3 tấn/ha.

Theo ông Đào, hiện nay 1ha lúa canh tác theo hướng hữu cơ của gia đình còn khoảng 1 tuần nữa là cho thu hoạch, thương lái đã đến nhà bỏ tiền cọc trước để thu mua với giá 6.300 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, ông còn lãi hơn 3 triệu đồng/công.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ cho biết, ruộng mô hình sử dụng phân hữu cơ ủ từ rơm (bón 1 tấn/ha) giúp bộ rễ cây lúa ra nhiều và dài hơn so với ruộng không bón phân hữu cơ của nông dân. Bộ rễ ra nhiều và ăn sâu giúp cây lúa cứng cáp, hạn chế đổ ngã, thất thoát sau thu hoạch…

Nông dân được hướng dẫn quy trình kỹ thuật xử lý rơm rạ để ủ làm phân bón hữu cơ tại mô hình. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nông dân được hướng dẫn quy trình kỹ thuật xử lý rơm rạ để ủ làm phân bón hữu cơ tại mô hình. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ruộng sản xuất lúa theo mô hình sử dụng giống từ cấp xác nhận trở lên, gieo sạ mật độ thưa (80kg/ha), bón lót phân hữu cơ đầu vụ giúp giảm được lượng phân đạm, hạn chế khả năng phát sinh và gây hại của sâu bệnh, từ đó giảm được lượng thuốc BVTV, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, tăng lợi nhuận và phẩm chất hạt gạo.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ, hiện nay, ngành nông nghiệp Thành phố đang triển khai các mô hình thí điểm về canh tác lúa sử dụng phân bón hữu cơ từ rơm rạ kết hợp với tiến bộ kỹ thuật “1 phải 5 giảm” tại các huyện như Thới Lai, Cờ Đỏ và quận Thốt Nốt…, mỗi mô hình trình diễn 1ha và đã làm được 2 vụ lúa với 6 mô hình được triển khai (vụ đông xuân và hè thu trong năm 2023).

Qua kết quả đánh giá, mô hình giúp nông dân giảm từ 35 – 40% chi phí sử dụng phân, thuốc hóa học và lợi nhuận tăng thêm 10% trên cùng diện tích so với sản xuất truyền thống.

“Giải pháp canh tác lúa theo hướng hữu cơ với phân bón hữu cơ được chế biến từ rơm rạ đã giúp nông dân giảm chi phí sản xuất rất đáng kể. Thời gian tới, ngành nông nghiệp Cần Thơ khuyến cáo mô hình này cần được nhân rộng để nhiều nông dân biết đến và áp dụng làm theo” bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ cho biết.

Mô hình sử dụng phân hữu cơ từ rơm rạ cho năng suất lúa tươi 6,4 tấn/ha, cao hơn ruộng đối chứng 0,3 tấn/ha; lợi nhuận mang lại hơn 30 triệu đồng/ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mô hình sử dụng phân hữu cơ từ rơm rạ cho năng suất lúa tươi 6,4 tấn/ha, cao hơn ruộng đối chứng 0,3 tấn/ha; lợi nhuận mang lại hơn 30 triệu đồng/ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bà Đinh Thị Kim Dung, Chánh Văn phòng Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) tại Việt Nam cho biết, từ năm 2022, IRRI kết hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ đã hỗ trợ tập huấn cho bà con nông dân tại quận Thốt Nốt về kỹ thuật tận dụng rơm rạ, biến chúng thành phân hữu cơ bón lại cho lúa.

“Lần này chúng tôi quay lại đây, thấy nông dân sử dụng phân hữu cơ từ rơm rạ bón cho lúa giúp lúa xanh tốt, ít sâu bệnh mà năng suất lại tăng cao. Có thể nói, đây là mô hình nông nghiệp tuần hoàn, giúp giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện với môi trường và thích nghi với biến đổi khí hậu nhằm giảm tối thiểu chi phí sản xuất, cho ra sản phẩm an toàn và chất lượng.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email