Friday, April 26

Agribank gỡ nút thắt về vốn giúp doanh nghiệp phát triển

Sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp ở Gia Lai được Agribank hỗ trợ vốn vay để tái sản xuất. Ảnh: Tuấn Anh.

Sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp ở Gia Lai được Agribank hỗ trợ vốn vay để tái sản xuất. Ảnh: Tuấn Anh.

Sau nhiều năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai thực hiện tái cấu trúc, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhằm nhanh chóng thích ứng với trạng thái bình thường mới, nhiều doanh nghiệp đang phục hồi sản xuất, kinh doanh với nhiều cách làm linh hoạt, hiệu quả.

Chính vì vậy, nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất cũng tăng cao, trong đó kênh tín dụng ngân hàng vẫn là điểm tựa quan trọng, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Công ty Cà phê Ia Sao 2 (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) là doanh nghiệp trồng, chăm sóc, chế biến và kinh doanh cà phê thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn, Công ty Cà phê Ia Sao 2 luôn có sự đồng hành và hỗ trợ từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Gia Lai (Agribank Gia Lai).

Công ty Cà phê Ia Sao 2 sử dụng nguồn vốn vay đảm bảo, hiệu quả vào sản xuất kinh doanh. Ảnh: Tuấn Anh.

Công ty Cà phê Ia Sao 2 sử dụng nguồn vốn vay đảm bảo, hiệu quả vào sản xuất kinh doanh. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Nguyễn Ngô Hùng, Quyền Giám đốc Công ty Cà phê Ia Sao 2 (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cho biết, với hạn mức vốn vay 65 tỷ đồng/năm từ Agribank Gia Lai, đơn vị đang tập trung vào 2 lĩnh vực phát triển. Thứ nhất, nguồn vốn để phục vụ cho việc thực hiện quy trình kỹ thuật đầu tư chăm sóc vườn cây. Cùng với đó là nguồn vốn để phục vụ mua bán, kinh doanh cà phê. Từ nguồn vốn vay, công ty đã sử dụng một cách đảm bảo, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.

Cũng từ nguồn vốn vay, hiện nay tất cả diện tích vườn cây cà phê của công ty với khoảng 500ha đều được đầu tư trồng, chăm sóc theo chứng nhận 4C và Rainforest nên đảm bảo về chất lượng sản phẩm, qua đó thuận tiện hơn trong vấn đế xuất khẩu. Đặc biệt, thông qua các hợp đồng giao dịch mua bán, việc trồng và chăm sóc theo chứng nhận 4C và Rainforest sẽ có giá trị cao hơn, từ đó doanh nghiệp hỗ trợ lại người lao động, nâng cao thu nhập.

Cũng theo ông Hùng, Công ty Cà phê Ia Sao 2 hiện là đối tác lâu năm của Agribank Gia Lai nên được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về nguồn vốn, lãi suất.

“Dịch bệnh Covid-19 trong những năm qua đã ít nhiều gây khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và Công ty Cà phê Ia Sao 2 nói riêng. Tuy nhiên, Agribank Gia Lai trong suốt những năm qua đều đáp ứng được nguồn vốn tín dụng để công ty phục vụ sản xuất, kinh doanh cà phê. Đặc biệt, thời điểm xã ra dịch bệnh, Agribank Gia Lai cũng đã giảm lãi suất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn”, ông Hùng chia sẻ.

Công ty Song Nguyên Gia Lai mở rộng sản xuất cơ khí từ nguồn vốn vay Agribank. Ảnh: Tuấn Anh.

Công ty Song Nguyên Gia Lai mở rộng sản xuất cơ khí từ nguồn vốn vay Agribank. Ảnh: Tuấn Anh.

Tương tự, Công ty TNHH Song Nguyên Gia Lai (xã Diên Phú, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) trước đây là doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ chuyên gia công kết cấu thép, sản xuất cơ khí xây dựng. Năm 2021, sau khi có nguyện vọng mở rộng diện tích và được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Đông Gia Lai (Agribank Đông Gia Lai) hỗ trợ cho vay vốn nên công ty đã ngày càng phát triển lớn mạnh. Hiện công ty có tổng diện tích nhà xưởng khoảng 6.000m2 với doanh thu hàng năm khoảng 10 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 1 tỷ đồng/năm.

Ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Song Nguyên Gia Lai cho biết, đơn vị hoạt động về lĩnh vực cơ khí nên quan trọng nhất là nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị, máy móc, nhà xưởng. Chính vì vậy, nhờ nguồn vốn của Agribank Đông Gia Lai mà công ty có cơ sở khang trang như ngày hôm nay. Hiện dư nợ của Công ty đối với Agribank Đông Gia Lai khoảng 12-13 tỷ đồng.

“Nếu không có nguồn vốn ngân hàng, doanh nghiệp khó mà phát triển lớn mạnh được. Đặc biệt, sau khi kết thúc dịch bệnh Covid-19, Agribank Đông Gia Lai còn hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất bằng chính sách giảm lãi suất cũng như thực hiện giãn nợ để doanh nghiệp không bị áp lực với các khoản vay”, ông Dũng chia sẻ.

Nhân viên Agribank tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhân viên Agribank tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Trần Quang Tuấn, Phó Giám đốc Agribank Đông Gia Lai cho biết, trong thời gian trước và sau dịch bệnh Covid-19, tình hình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai gặp rất nhiều khó khăn, nhất là hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chính vì vậy, chủ trương của Agribank Đông Gia Lai đã triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để ưu tiên nguồn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để phát triển kinh tế xã hội.

“Agribank Đông Gia Lai thực hiện giải pháp giảm 2% lãi suất cho các doanh nghiệp theo Nghị quyết 43 của Chính phủ. Đồng thời, trong thời gian vừa qua, Agribank Đông Gia Lai cũng đi đầu trong việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo báo cáo của Agribank Đông Gia Lai, tính đến ngày 30/4, dư nợ cho vay của Chi nhánh đạt 10.266 tỷ đồng. Mức tăng trưởng bình quân hằng năm giai đoạn 2018-2022 đạt 4,2%/năm, đáp ứng hiệu quả nhu cầu vốn cho nền kinh tế trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Trong đó, dư nợ cung cấp cho khách hàng khu vực nông nghiệp nông thôn là hơn 7.300 tỷ đồng với gần 28.000 khách hàng.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email