Monday, May 13

Vùng chè Hải Hà và bài học của sự dễ dãi

Những ai có dịp đi qua vùng đất Hải Hà (Quảng Ninh), sẽ không khỏi trầm trồ bởi ngay bên Quốc lộ 18A là những đồi chè xanh ngút ngàn.

Hồi sinh vùng chè Hải Hà

Từ năm 2013 – 2014, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) đã có tới 980ha chè, tổng sản lượng búp tươi đạt trên 9.000 tấn/năm, tương đương gần 1.500 tấn chè khô. Đài Loan từng là thị trường tiêu thụ chè khô lớn nhất của vùng chè này với trên 1.000 tấn khô/năm (đạt 70% tổng sản lượng chè toàn vùng). Trước đây, Đài Loan vốn là thị trường dễ tính, chấp nhận sản phẩm chế biến thô và đặc biệt là yêu cầu về tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất thấp so với các thị trường khác.

Người dân xã Quảng Thịnh, huyện Hải Hà chăm sóc cây chè. Ảnh: Cường Vũ.

Người dân xã Quảng Thịnh, huyện Hải Hà chăm sóc cây chè. Ảnh: Cường Vũ.

Đến cuối năm 2015, thị trường Đài Loan thắt chặt quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì vùng chè Hải Hà cũng gần như tê liệt. Đỉnh điểm, tháng 2/2016, doanh nghiệp Thuấn Quỳnh – đơn vị bao tiêu chè lớn nhất của Hải Hà bị bạn hàng Đài Loan trả về hơn 100 tấn chè khô do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá ngưỡng cho phép.

Cũng từ thời điểm đó, các doanh nghiệp gần như ngừng thu mua, người dân ngừng thu hoạch, tình hình sản xuất, tiêu thụ chè ngưng trệ, chè thương phẩm tồn đầy kho, chè nguyên liệu để già, hóa gỗ trên cây…

Không ít người trồng chè đã buông xuôi không thu hái hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác, số đông thanh niên vùng chè đi làm công nhân ở Khu công nghiệp Texhong (huyện Hải Hà). Vùng chè Hải Hà giảm gần 260ha, chỉ còn 718ha và có nguy cơ tiếp tục giảm nữa nếu không tìm được thị trường tiêu thụ.

Ngay khi cây chè bị bạn hàng lớn nhất “quay lưng”, chính quyền, người dân và doanh nghiệp của Hải Hà mới nhìn nhận rõ thực tế rằng, muốn cứu vùng chè, không còn cách nào khác phải thay đổi tư duy sản xuất, lấy chất lượng làm trọng, đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường…

Để “cứu” chè Hải Hà, từ năm 2017 đến nay, huyện Hải Hà tập trung nâng cao giá trị cho cây chè bằng cách khuyến khích người dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống chè, trong đó trồng mới và trồng thay thế giống chè già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng những giống chống chịu sâu bệnh, năng suất, chất lượng cao như Ngọc Thúy, Hương Bắc Sơn, Kim Tuyên…

Bên cạnh đó, huyện vận động người dân đầu tư thâm canh diện tích chè kinh doanh theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), chú trọng khâu thu hoạch chè búp tươi; vận động các doanh nghiệp, cơ sở chế biến đổi mới, nâng cấp công nghệ, đặc biệt là công nghệ chế biến chè xanh cao cấp, áp dụng chặt các tiêu chuẩn của một số công đoạn trọng yếu trong chế biến như: Hấp chè, vò chè, sao lăn và phân loại trước khi đóng gói.

Chế biến chè tại Cơ sở sản xuất chè Dũng Nga (xã Quảng Long, huyện Hải Hà). Ảnh: Tiến Thành.

Chế biến chè tại Cơ sở sản xuất chè Dũng Nga (xã Quảng Long, huyện Hải Hà). Ảnh: Tiến Thành.

“Huyện đã giải ngân gần 4,5 tỷ đồng để vận động người dân cải tạo giống chè, trong đó làm điểm chuyển đổi 35ha chè giống địa phương sang giống Ngọc Thúy. Huyện dành cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ chế biến để tạo ra sản phẩm chè chất lượng, trong đó đã hỗ trợ điểm cho một mô hình gần 500 triệu đồng để cải thiện thiết bị, đồng thời hỗ trợ mẫu mã bao bì, mã số mã vạch cho các sản phẩm chè Hải Hà tham gia chương trình OCOP”, ông Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch UBND huyện Hải Hà cho biết.

Nhờ tăng cường đầu tư, cây chè Hải Hà đã dần tạo được vị thế nhất định trên thị trường trong và ngoài tỉnh cũng như ở một số nước.

Ông Hoàng Văn Thường, hộ có diện tích chè lớn ở huyện Hải Hà cho hay: “Nhờ trồng giống mới nên chất lượng chè trên địa bàn thơm, ngon hơn; vị chè đậm đà hơn; bà con tiêu thụ cũng dễ dàng hơn. Hiện năng suất chè gia đình tôi thu hoạch được 10 – 12 tấn/ha/năm”.

Mỗi vụ thu hoạch, ngoài lực lượng lao động của gia đình, ông Thường và nhiều hộ trồng chè còn thuê thêm nhân công để thu hái, vận chuyển chè đi tiêu thụ, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn.

6 tháng đầu năm 2023, sản lượng chè búp tươi trên địa bàn huyện Hải Hà đạt 2.880 tấn. Việc nâng cấp các cơ sở và dây chuyền chế biến để sản xuất những sản phẩm chè chất lượng, có giá trị cao cũng đã làm thay đổi cơ cấu thị trường và giá thu mua nguyên liệu tươi của các cơ sở chế biến. Thị trường tiêu thụ chè búp tươi ổn định với mức giá bình quân 6.000 đồng/kg đối với chè trung du, 8.000 – 10.000 đồng/kg đối với chè Ngọc Thúy. Đời sống nhân dân vùng chè nhờ đó ngày càng được nâng cao.

Khẳng định chỗ đứng với giống chè mới

Mặc dù chè Hải Hà đã được “hồi sinh” nhưng giá trị trên 1ha chè ở Hải Hà vẫn còn thấp, mới đạt hơn 33 triệu đồng/năm. Trong khi đó tại vùng chè Thái Nguyên, giá trị sản xuất của cây chè nhiều nơi đạt tới 300 – 500 triệu đồng/ha/năm, so sánh độ đượm của chè Hải Hà không thua kém gì chè Thái Nguyên.

Đồi chè sau thu hoạch ở xã Quảng Long, huyện Hải Hà. Ảnh: Cường Vũ.

Đồi chè sau thu hoạch ở xã Quảng Long, huyện Hải Hà. Ảnh: Cường Vũ.

Nguyên nhân giá trị chè Hải Hà thấp là do trên địa bàn vẫn còn nhiều diện tích chè giống cũ, năng suất thấp, đầu tư thâm canh kém hiệu quả. Cùng với đó, sự dễ dãi trong thu mua trước đây của các cơ sở chế biến đã hình thành thói quen của người dân thu chè lẫn rất nhiều cọng dài, thậm chí cả lá già, trong khi chè Thái Nguyên chủ yếu thu hái theo tiêu chuẩn “1 tôm 2 lá”.

Thêm vào đó, công nghệ chế biến chè của nhiều cơ sở chưa cao, chủ yếu ở dạng thô, ít coi trọng các yếu tố theo tiêu chuẩn cho từng công đoạn (sao, sấy, đóng gói). Chè Hải Hà chủ yếu được các doanh nghiệp xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu. Sản lượng chè khô của huyện đạt khoảng 1.500 tấn/năm thì 700 – 800 tấn xuất sang Trung Quốc, còn lại được tiêu thụ nội địa trong và ngoài tỉnh.

Nhiều năm nay, Hải Hà đã xác định chè là một trong những sản phẩm nông sản chủ lực, có nhiều tiềm năng phát triển nên huyện đề ra mục tiêu đưa diện tích chè đến năm 2025 đạt 900ha, sản lượng chè búp tươi đạt 8.100 tấn, trị sản xuất chè đạt 64,8 tỷ đồng, giá trị sản phẩm trên 1ha chè đạt 72 triệu đồng…

Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện tập trung nâng cao giá trị cho cây chè bằng cách khuyến khích người dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống chè, trong đó trồng mới và trồng thay thế giống chè già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng những giống chống chịu sâu bệnh, năng suất, chất lượng cao, đồng thời xây dựng và quảng bá hình ảnh sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ chè Hải Hà.

Không chỉ thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu, huyện còn tích cực kêu gọi doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào chế biến, sản xuất, tiêu thụ chè trên địa bàn và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình sản xuất; vận động các doanh nghiệp, cơ sở chế biến đổi mới, nâng cấp công nghệ, đặc biệt là công nghệ chế biến chè xanh cao cấp.

Những đồi chè xanh ngát ở xã Quảng Long, huyện Hải Hà được sản xuất bằng giống chè mới, cho năng suất, chất lượng cao. Ảnh: Tiến Thành.

Những đồi chè xanh ngát ở xã Quảng Long, huyện Hải Hà được sản xuất bằng giống chè mới, cho năng suất, chất lượng cao. Ảnh: Tiến Thành.

Hiện Hải Hà có 3 cơ sở chế biến chè với công suất khoảng 15 tấn/ngày/cơ sở và có 8 cơ sở chế biến nhỏ.Từ năm 2022 đến nay, huyện chuyển giao 4 quy trình công nghệ chế biến chè chất lượng cao gồm: Quy trình công nghệ chế biến chè xanh thơm; quy trình công nghệ chế biến chè xanh sợi; quy trình công nghệ chế biến chè mao tiêm và quy trình công nghệ chế biến chè hồng trà. Qua đó, một số cơ sở chế biến đã sản xuất được các sản phẩm đặc trưng như: Chè xanh thơm, xanh sợi của cơ sở chè Dũng Nga, cơ sở Thắng Hóa với nguyên liệu là chè trung du, Ngọc Thúy, Hương Bắc Sơn; sản phẩm hồng trà của cơ sở Đào Thị Bính; một số sản phẩm sản xuất thử nghiệm của cơ sở chè Dũng Nga…

Bên cạnh chuyển giao công nghệ, huyện còn tích cực hỗ trợ các cơ sở sản xuất thiết kế mẫu mã bao bì cho những sản phẩm chè được sản xuất theo dây chuyền và quy trình mới; đăng ký nhãn mác cho các cơ sở chế biến có nhu cầu và tham gia vào chu trình OCOP; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Hiện sản phẩm chè của Cơ sở chế biến chè Dũng Nga là sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao. Huyện cũng phát triển mới 2 sản phẩm (chè tôm nõn và hồng trà) của Cơ sở chế biến chè Đào Thị Bính tham gia chu trình OCOP và được đánh giá xếp hạng 3 sao.

“Huyện Hải Hà đang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về giống, quy trình kỹ thuật chăm sóc thu hái, chế biến; phấn đấu 70% diện tích chè tại các vùng sản xuất chè tập trung đáp ứng sản xuất an toàn theo hướng VietGAP tạo ra sản phẩm chè an toàn. 100% sản phẩm chè của các vùng sản xuất tập trung tiêu thụ trong nước, chè nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu được chứng nhận, công bố sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn”, ông Phạm Văn Khởi – Trưởng phòng NN-PTNT huyện hải Hà cho biết.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email