Tuesday, May 14

Từ thợ học việc thành thầy giỏi

Sau hơn 2 thập kỷ bén rễ sinh sôi và phát triển trên đồng đất Trấn Yên (Yên Bái), đến nay, nơi đây đã trở thành vùng dâu tằm lớn nhất miền Bắc. Những cánh đồng của các xã ven sông Hồng trải dài hàng chục cây số được phủ xanh bạt ngàn cây dâu. Sự no ấm, trù phú hiện lên trên những vùng quê với những ngôi nhà mới xây khang trang, hiện đại.

Từ việc phải đi tìm tòi học hỏi nghề dâu tằm, huyện Trấn Yên hiện nay đã thành 'thầy giỏi' để các địa phương khác tới học tập. Ảnh: Thanh Tiến.

Từ việc phải đi tìm tòi học hỏi nghề dâu tằm, huyện Trấn Yên hiện nay đã thành “thầy giỏi” để các địa phương khác tới học tập. Ảnh: Thanh Tiến.

Kinh nghiệm từ thực tiễn ở Trấn Yên

Hiện nay, tổng diện tích dâu của huyện Trấn Yên gần 900ha, sản lượng kén thu hoạch hàng năm đạt hơn 1.100 tấn, với giá kén từ 170.000 – 190.000 đồng/kg, ước giá trị thu nhập đạt khoảng trên 200 tỷ đồng/năm.

Cây dâu không chỉ cho thu nhập cao mà đã đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương này. Hiện nay, 100% các xã trong vùng quy hoạch phát triển dâu tằm đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Một số xã như Báo Đáp, Đào Thịnh, Việt Thành, Quy Mông đã trở thành xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Những làng nghề trồng dâu nuôi tằm ở Trấn Yên luôn có môi trường sống trong lành do giảm thiểu được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại phân hóa học. Nếu như trước đây, người dân Trấn Yên phải đến nhiều nơi khác để tham quan học tập làm nghề dâu tằm thì hiện nay, Trấn Yên lại là điểm đến tham quan học tập của nhiều địa phương khi muốn phát triển nghề dâu tằm. Mỗi năm, huyện đã đón hàng chục đoàn khách với hàng nghìn lượt người từ các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Tuyên Quang… đến tham quan, học tập cũng như khách du lịch trải nghiệm.

Cơ sở nuôi tằm con của chị Tạ Thị Ngoan ở xã Tân Đồng (huyện Trấn Yên) cung ứng tằm giống cho các hộ dân trong xã. Ảnh: Thanh Tiến.

Cơ sở nuôi tằm con của chị Tạ Thị Ngoan ở xã Tân Đồng (huyện Trấn Yên) cung ứng tằm giống cho các hộ dân trong xã. Ảnh: Thanh Tiến.

TS Nguyễn Thị Min, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương đánh giá, hiện nay ở huyện Trấn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung, nghề dâu tằm phát triển tương đối đồng bộ về cơ cấu giống dâu, giống tằm và kỹ thuật nuôi tằm. Cây dâu phát triển theo quy mô tập trung và đồng bộ với các giống dâu lai có năng suất cao, chất lượng tốt để phục vụ cho nuôi tằm.

Điều kiện thời tiết, khí hậu tại huyện Trấn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung rất thuận lợi cho sự phát triển của cây dâu và nuôi tằm kén trắng chất lượng cao. Đến nay, tỉnh Yên Bái đã tạo điều kiện để doanh nghiệp vào đầu tư nhà máy ươm tơ tại huyện Trấn Yên và có công suất hàng nghìn tấn/năm, đây là lợi thế lớn để tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.

TS Nguyễn Thị Min (đội nón bên phải), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương hướng dẫn người dân Trấn Yên trồng giống dâu mới. Ảnh: Thanh Tiến.

TS Nguyễn Thị Min (đội nón bên phải), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương hướng dẫn người dân Trấn Yên trồng giống dâu mới. Ảnh: Thanh Tiến.

“Để nâng cao hiệu quả nghề tằm tơ, thời gian tới, ngành nông nghiệp các cấp ở Yên Bái cần tập trung một số vấn đề còn tồn tại như tuyên truyền, vận động bà con không trồng xen một số loại cây trồng khác có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến con tằm. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ nuôi tằm hiện đại của Hàn Quốc, nuôi tằm trên khay để đỡ tốn diện tích và nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích”, TS Nguyễn Thị Min đề xuất.

Để cơ hội không vuột mất…

Theo Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương, tính đến hết năm 2022, diện tích dâu tằm cả nước đạt 13.166ha, tăng 48% so với năm 2012. Hiện nay, cây dâu tằm có ở cả 8 vùng sinh thái trên cả nước, trải dài trên khắp 36 tỉnh thành từ Bắc vào Nam. Trong đó Tây Nguyên là vùng sản xuất có điều kiện sinh thái phù hợp với sinh trưởng, phát triển của cây dâu và đặc tính sinh lý của con tằm. Tây Nguyên hiện có diện tích cây dâu lớn nhất nước, đạt hơn 10 nghìn ha, chiếm hơn 75% tổng diện tích cây dâu của cả nước.

Nhà máy sản xuất tơ tại Yên Bái đi vào hoạt động đã tạo động lực, làm chỗ dựa vững chắc cho nghề dâu tằm của nông dân địa phương. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhà máy sản xuất tơ tại Yên Bái đi vào hoạt động đã tạo động lực, làm chỗ dựa vững chắc cho nghề dâu tằm của nông dân địa phương. Ảnh: Thanh Tiến.

Tại phía Bắc, đang có sự dịch chuyển vùng sản xuất. Cây dâu đang phát triển mở rộng nhanh trên vùng trung du miền núi có nhiều tiềm năng với diện tích dâu hơn 1.400ha, tập trung chủ yếu tại Yên Bái với hơn 1.000ha, Cao Bằng 266ha và Lào Cai 140ha.

Theo thống kê (năm 2021), cả nước sản xuất được hơn 16.400 tấn kén tằm các loại, giá trị thu nhập đạt trên 2.463 tỷ đồng. Trong đó, giá trị sản xuất kén trắng đạt trên 2.407 tỷ đồng, chiếm gần 98% tổng giá trị sản xuất của cả nước…

Về chế biến tơ, hiện nay cả nước có 26 doanh nghiệp ươm tơ tự động, trong đó có 24 doanh nghiệp tại Tây Nguyên và 1 doanh nghiệp tại Mộc Châu (Sơn La), 1 doanh nghiệp tại Trấn Yên (Yên Bái).

Việt Nam hiện là nước xuất khẩu tơ tằm đứng thứ tư trên thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ và Uzbekistan. Hầu hết tơ tằm của Việt Nam được xuất khẩu sang Ấn Độ.

Sản phẩm tơ tằm sau khi sơ chế tại nhà máy chế biến kén tằm của Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Sản phẩm tơ tằm sau khi sơ chế tại nhà máy chế biến kén tằm của Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Trong lĩnh vực dệt lụa, bên cạnh các làng nghề dệt lụa truyền thống nổi tiếng như Hà Đông (Hà Nội), Nha Xá (Hà Nam), Mã Châu (Quảng Nam)…, hiện đã có 9 doanh nghiệp chuyên về dệt lụa với khoảng gần 700 máy dệt, phát triển tập trung chủ yếu tại Bảo Lộc (Lâm Đồng). Hàng năm sản lượng dệt đạt trên 5 triệu mét lụa. Tuy nhiên, hiện nay công nghiệp may từ lụa tơ tằm ở nước ta mới bắt đầu được đầu tư, quy mô còn nhỏ, máy móc chưa đồng bộ.

Vẫn theo nhận định của TS Nguyễn Thị Min, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương, nhu cầu tơ lụa và các sản phẩm từ ngành dâu tằm tơ trên thế giới và trong nước ngày càng tăng theo nhịp độ phát triển kinh tế – xã hội.

Ở các nước kinh tế phát triển, người tiêu dùng có khuynh hướng sử dụng các sản phẩm may mặc tự nhiên, trong đó tơ tằm là một trong những sản phẩm ngày càng được ưa chuộng. Các nước có truyền thống sử dụng vải lụa như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Trung Đông…. nhu cầu không giảm; các nước châu Âu, Bắc Mỹ nhu cầu ngày càng tăng, trong khi đó nguồn cung cấp các sản phẩm tơ lụa có xu hướng giảm.

Xử lý chế biến kén tằm tại Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Xử lý chế biến kén tằm tại Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Các nước có truyền thống sản xuất dâu tằm như Nhật Bản, Hàn Quốc nay sản xuất rất ít, ngay cả Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về dâu tằm tơ, nhưng những năm gần đây sản lượng cũng giảm xuống. Đây có thể nói là cơ hội cho ngành dâu tằm tơ của Việt Nam nếu có hướng đi bài bản.

“Hiện nay, Việt Nam mỗi năm phải nhập khẩu hàng nghìn tấn tơ từ Trung Quốc, Brasil để làm gia công cho Công ty Matsumura Nhật Bản để xuất khẩu ra các nước Nhật Bản, Italia, Ấn Độ, Pháp… Ngay từ bây giờ, nếu không có chiến lược phát triển ngành dâu tằm tơ thì 10 – 15 năm nữa, chúng ta sẽ không có nguyên liệu cho sản xuất và sẽ tự đánh mất đi cơ hội”, TS Nguyễn Thị Min dự báo.

TS Min cũng khuyến nghị, tiềm năng, triển vọng của ngành dâu tằm tơ Việt Nam có thể nhìn từ thực tiễn ở vùng dâu tằm Yên Bái. Với những thành công bước đầu và những vấn đề còn tồn tại, có thể coi đó là bài học quý để xây dựng chiến lược bài bản, khoa học và lâu dài để giúp ngành dâu tằm tơ Việt Nam phát triển bền vững.

Né gỗ ô vuông giúp cho việc nuôi tằm ngày càng đạt năng suất, chất lượng cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Né gỗ ô vuông giúp cho việc nuôi tằm ngày càng đạt năng suất, chất lượng cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Thứ nhất, về tổ chức sản xuất, cần xây dựng quy hoạch vùng sản xuất, chiến lược cho ngành dâu tằm tơ để định hướng phát triển. Khuyến khích tổ chức sản xuất dâu tằm tơ với quy mô lớn gắn với vùng nguyên liệu, đầu mối là các HTX, doanh nghiệp chịu trách nhiệm cung ứng cây con giống, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Đẩy mạnh việc tổ chức nuôi tằm con tập trung tại các vùng trồng dâu nuôi tằm để đảm bảo cho nông dân chỉ nuôi tằm lớn, nhất là tại các vùng như ĐBSH, Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ.

Thứ hai, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến sản phẩm liên kết theo chuỗi. Ưu tiên khuyến khích các lĩnh vực là nuôi tằm con, ươm tơ, dệt lụa. Đặc biệt là khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, sản xuất trứng giống tằm để đáp ứng được nhu cầu của sản xuất.

Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu để tạo ra các bộ giống dâu, giống tằm cho năng suất cao, chất lượng tơ tốt, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu của Việt Nam. Tập trung nghiên cứu lai tạo các giống tằm lưỡng hệ kén trắng mới nhằm đáp ứng nguồn cung trong nước thay thế cho nhập khẩu.

Lãnh đạo huyện Trấn Yên và Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương thăm mô hình nuôi tằm giống ở xã Việt Thành. Ảnh: Thanh Tiến.

Lãnh đạo huyện Trấn Yên và Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương thăm mô hình nuôi tằm giống ở xã Việt Thành. Ảnh: Thanh Tiến.

“Về khoa học công nghệ, cần tập trung nghiên cứu phát triển công nghệ nuôi tằm trong điều hòa nhiệt độ, nuôi tằm trên giá phẳng để phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu luôn biến động của nước ta. Áp dụng đại trà vào sản xuất kỹ thuật lên né tiên tiến (lên né tự động, né 1 con…) để nâng cao chất lượng kén tằm. Nghiên cứu phát triển kỹ thuật chế biến tơ lụa và chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Về thị trường tiêu thụ kén tằm, vì kén tằm mua bán, trao đổi trên thị trường chủ yếu dựa vào cảm quan và trong nhiều trường hợp nông dân bị ép giá mặc dù tiêu chuẩn kén tươi tằm dâu đã được nhà nước ban hành từ lâu. Do đó, việc xây dựng thị trường kén tằm minh bạch là hết sức cần thiết để bảo vệ quyền lợi của cả người bán lẫn người mua”, TS Nguyễn Thị Min định hướng.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email