Saturday, May 18

TP.HCM gặp gỡ 100 CEO tập đoàn hàng đầu về kinh tế xanh

Mở đầu là tiết mục nghệ thuật pha trà. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Mở đầu là tiết mục nghệ thuật pha trà. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chương trình CEO 100 Tea Connect nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) 2023 được UBND TP.HCM tổ chức lần đầu tiên với hình thức “thưởng trà”.

CEO 100 Tea Connect được học hỏi từ mô hình 600 CEO của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) – là tiệc trà của một nhóm CEO của các doanh nghiệp thành viên “World Economic Forum Partners” để cùng bàn thảo các vấn đề thế giới quan tâm.

Mở màn buổi gặp gỡ, TP.HCM chào đón các vị khách quý bằng nghi thức mời trà, thưởng trà Việt bằng 3 loại trà đặc biệt, qua đó nhằm giới thiệu đến với bạn bè quốc tế về sản phẩm trà của Việt Nam.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM là đô thị lớn trên 10 triệu dân, là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ của Việt Nam.

Tuy nhiên, TP.HCM cũng đang đối diện với những thách thức như biến đổi khí hậu, ùn tắc giao thông, thiếu hụt nhân lực, tác động của tính chu kỳ trong phát triển kinh tế.

100 CEO cùng gặp gỡ, trao đổi để giúp TP.HCM phát triển kinh tế xanh bền vững. Ảnh: Nguyễn Thủy.

100 CEO cùng gặp gỡ, trao đổi để giúp TP.HCM phát triển kinh tế xanh bền vững. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thành phố đang tái cơ cấu kinh tế, trong đó xác định kinh tế xanh là động lực thúc đẩy tăng trưởng phát triển bền vững giai đoạn tới. Vì vậy, TP.HCM cũng đặt ra khung chiến lược phát triển xanh đến 2030, tầm nhìn 2050, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm chuyển đổi, đồng thời xác định tập trung vào 4 nội dung: nguồn lực xanh gồm nhân lực trình độ cao, tài chính xanh và hợp tác quốc tế; hạ tầng xanh; hành vi xanh (tiêu dùng xanh, giao thông và xây dựng xanh); các ngành nghề lĩnh vực tiên phong chuyển đổi xanh gồm: sản xuất công nghệ cao, khởi nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo, du lịch, nông nghiệp, thực phẩm xanh và xây dựng huyện Cần Giờ thành địa phương xanh.

Do đó, TP.HCM mong được lắng nghe các ý kiến chia sẻ, kiến nghị của các chuyên gia, nhà lãnh đạo về chuyển đổi năng lượng xanh; giao thông xanh; xử lý rác thải, nước thải; tín chỉ các bon; thí điểm xây dựng Cần Giờ trở thành địa phương xanh.

Lãnh đạo TP.HCM mời trà các vị khách quý. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Lãnh đạo TP.HCM mời trà các vị khách quý. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM được thí điểm giao dịch tín chỉ các bon. Trong đó, xây dựng Cần Giờ không phát thải nhựa, phát triển du lịch xanh tại Cần Giờ và thí điểm tín chỉ các bon với rừng Cần Giờ trở thành tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đây là vấn đề mới rất cần được tư vấn từ các tổ chức, chuyên gia, doanh nghiệp về pháp lý, mô hình thí điểm, cách làm.

Ngoài ra, TP.HCM là trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước, hướng tới sẽ xây dựng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực, theo hướng phục vụ kinh tế xanh, phát triển xanh. Vấn đề đặt ra là khung thể chế, chính sách, mô hình và cách làm để sớm biến TP.HCM thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển xanh.

“Hành trình vạn dặm bắt đầu từ bước chân đầu tiên. Chúng tôi tin rằng, chúng ta có mặt ở đây và đang đi bước đi đầu tiên đó. TP.HCM mong được nghe đề xuất, sáng kiến cụ thể từ các vị đại biểu và mong tiếp tục hợp tác trong hành trình xanh hướng đến tương lai, phát triển bền vững”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Tại buổi gặp gỡ, ông Ricardo Valente, Ủy viên hội đồng kinh tế và tài chính thành phố Porto (Bồ Đào Nha) cho rằng, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, thuận tiện cho phát triển xanh ở các tòa nhà, không gian trong xanh trong lòng thành phố…

Để phát triển hiệu quả tăng trưởng xanh, ông Ricardo Valente cho rằng, cần tạo ra một tinh thần kinh doanh tuần hoàn, cũng như đặt ra thử thách để các doanh nghiệp đáp ứng được những yêu cầu của thành phố, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Doanh nghiệp nào có giải pháp hiệu quả sẽ được chọn. Làm sao để việc tiêu dùng hằng ngày, như áo quần, thiết bị điện tử phải được tái sử dụng, tránh lãng phí, gây hại môi trường.

“Chính quyền các địa phương chính là các nhà tiêu dùng lớn nhất trong xã hội. Do đó, đây sẽ là khách hàng tiên phong sử dụng các sản phẩm xanh, tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm xanh”, ông Ricardo Valente nói và cho biết thêm, thành phố Porto đã xây dựng chỉ số môi trường, miễn giảm thuế cho các công ty đáp ứng các chỉ số này. Bên cạnh đó, còn có trung tâm năng lượng cung cấp năng lượng cho người dân, hướng dẫn người dân xây nhà xanh, đáp ứng các tiêu chí xanh, an toàn môi trường…

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Euro Charm. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Euro Charm. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Euro Charm khẳng định, các thỏa thuận xanh của Liên minh Châu Âu, hay cơ chế điều chỉnh biên giới các bon (CBAM) đều hướng đến mục tiêu Net Zero vào 2050.

Phía Euro Charm mong muốn hỗ trợ thông qua chuyển giao công nghệ, chia sẻ mô hình, xây dựng năng lực cho các dự án, từ đó giúp TP.HCM trở thành trung tâm xuất khẩu cho EU.

Chủ tịch Euro Charm cho biết thêm, trong tháng 11 tới sẽ tổ chức một sự kiện lớn, có sự tham gia của Ủy ban Châu Âu và chính phủ Hà Lan để các doanh nghiệp có thể thảo luận các giải pháp nhằm giải tỏa áp lực từ các quy định mới của EU, thúc đẩy quan hệ hai bên và cũng giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email