Sunday, May 5

Tăng cường vai trò của hợp tác xã trong chuỗi quảng bá nông sản

Sáng 6/9, Hội nghị Trung tâm phát triển hợp tác xã nông nghiệp ASEAN (ACEDAC) lần thứ 29 đã diễn ra tại Bộ NN-PTNT dưới hình thức trực tuyến, với sự tham dự của đại diện Ban thư ký ASEAN, Ban thư ký ACEDAC, đại diện cơ quan quản lý hợp tác xã nông nghiệp các nước ASEAN (ngoại trừ Singapore), và một số tổ chức quốc tế…

Theo thông lệ luân phiên, Việt Nam và Brunei giữ vai trò Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội nghị ACEDAC lần thứ 29. Đại diện Bộ NN-PTNT, ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn và ông Trần Minh Hải – Phó Hiệu trưởng trường Chính sách công và phát triển nông thôn chủ trì cuộc họp trực tuyến.

Hợp tác xã là giải pháp trụ cột để thực hiện các mục tiêu NN-PTNT

Về tình hình chung của quá trình phát triển hợp tác xã (HTX) tại Việt Nam, ông Lê Đức Thịnh thông tin, trong những năm qua, HTX nông nghiệp ở Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng hoạt động. Tính đến hết tháng 6/2023, Việt Nam có hơn 20.000 HTX nông nghiệp, chiếm khoảng 67% tổng số HTX trong các lĩnh vực, thu hút gần 3,8 triệu thành viên tham gia, trong đó chủ yếu là hộ nông dân. Mô hình HTX nông nghiệp ở Việt Nam đang giúp cho các nông hộ nhỏ giảm chi phí sản xuất, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất, áp dụng cùng quy trình sản xuất, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn.

Đại diện Bộ NN-PTNT, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn và ông Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng trường Chính sách công và phát triển nông thôn chủ trì cuộc họp trực tuyến của Hội nghị Trung tâm phát triển hợp tác xã nông nghiệp ASEAN (ACEDAC) lần thứ 29. Ảnh: Linh Linh.

Đại diện Bộ NN-PTNT, ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn và ông Trần Minh Hải – Phó Hiệu trưởng trường Chính sách công và phát triển nông thôn chủ trì cuộc họp trực tuyến của Hội nghị Trung tâm phát triển hợp tác xã nông nghiệp ASEAN (ACEDAC) lần thứ 29. Ảnh: Linh Linh.

Các HTX nông nghiệp ở Việt Nam từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; là tiền đề quan trọng thúc đẩy hình thành các tổ hợp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản quy mô vừa và nhỏ tại nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.

Ngoài ra, nhiều HTX nông nghiệp đã tham gia cung ứng các dịch vụ ở khu vực nông thôn như du lịch sinh thái, tín dụng nội bộ, quản lý chợ, vệ sinh môi trường, nước sạch và nhiều dịch vụ khác, với mục tiêu đem lại lợi ích tối đa cho thành viên, cộng đồng.

Việt Nam chú trọng việc nâng cao nhận thức trong toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, hoàn thiện môi trường thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho HTX phát triển. Luật HTX đã được xây dựng và sửa đổi 4 lần, đặc biệt năm 2023 Việt Nam vừa ban hành Luật HTX với nhiều điều mới được bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với nhu cầu thực tế mới… Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm OCOP tạo ra sân chơi phát triển, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, phát triển công nghệ chế biến và xuất khẩu, xây dựng vùng nguyên liệu… đã mở đường cho kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp

Ngành NN-PTNT Việt Nam xác định nhiệm vụ tổ chức lại sản xuất, xây dựng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp và phát triển kinh tế tập thể, HTX là một trong ba trụ cột của quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, coi kinh tế tập thể, HTX là công cụ, giải pháp quan trọng, trụ cột để thực hiện các mục tiêu phát triển nông, nông thôn.

Tuy nhiên việc đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, chưa phát huy tốt vai trò tổ chức, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là các dịch vụ sơ chế, chế biến, bảo quản, đóng gói, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hiệu quả hoạt động chưa cao.

“So với các nước trên thế giới, nhất là ở khu vực ASEAN thì HTX nông nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Vì vậy, thông qua hội nghị, Việt Nam rất mong muốn được học tập, chia sẻ kinh nghiệm phát triển HTX của các nước trong khối ASEAN để cùng nhau hỗ trợ HTX vì sự phát triển bền vững”, ông Thịnh kêu gọi, đồng thời nhấn mạnh tinh thần hợp tác giữa các HTX nông nghiệp trong ASEAN là rất quan trọng.

Kinh nghiệm từ Thái Lan

Tại hội nghị, các nước thành viên ACEDAC đã có dịp chia sẻ về những mô hình, sáng kiến để thúc đẩy HTX nông nghiệp đóng góp vào mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có giải pháp tăng cường vai trò của các HTX nông nghiệp trong chuỗi quảng bá thực phẩm.

Chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chuỗi tiếp thị thực phẩm, đại diện Thái Lan cho biết, nước này thiết kế các nhóm hỗ trợ chuỗi tiếp thị thực phẩm với nhiều mô hình thí điểm.

“Thái Lan có chính sách thúc đẩy phát triển chuỗi tiếp thị thực phẩm, đưa ra những tiêu chuẩn, liên kết mạng lưới và hoạt động tiếp thị. Ở thời điểm hiện tại, Thái Lan đang nỗ lực giới thiệu các gói thúc đẩy tiếp thị thực phẩm trong đó có các tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt (GAP), khoanh vùng nông nghiệp khi tiến hành xây dựng mạng luới sản phẩm (trái cây, gạo, thực ăn chăn nuôi…).

Việt Nam đang nỗ lực xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương và thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp bản địa.

Việt Nam đang nỗ lực xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương và thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp bản địa.

Đối với mô hình này, do chi phí thực phẩm và sản xuất thực phẩm cao nên Thái Lan tìm kiếm hợp tác với các nước như Philippines, Việt Nam… để mua sản phẩm và đưa vào liên kết bên trong chuỗi thực phẩm.

Bên cạnh đó, Thái Lan cũng đưa ra những tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, tổ chức đào tạo, khóa tập huấn để nâng cao năng lực nhóm mục tiêu, đưa ra mô hình quảng bá sản phẩm trong các chuỗi liên kết. Bên cạnh đó, khoanh vùng nông nghiệp, khoanh vùng sản phẩm của từng địa phương và các nhóm HTX để tìm kiếm đầu ra, đầu vào của chuỗi nhằm hỗ trợ HTX.

Sau khi phân vùng, có các sản phẩm của HTX sẽ được tổ chức hội thảo chia sẻ về kế hoạch sản xuất, xử lý, tiếp thị, các gói ưu đãi, làm thế nào để đưa ra thị trường.

Đối với liên kết mạng lưới, Thái Lan cho biết tổ chức các buổi kết nối cho người bán và người mua. Kết quả là đến nay, nhiều HTX tại 31 tỉnh của Thái Lan đã xây dựng liên kết để người bán và mua có thể trao đổi với nhau qua nền tảng riêng của họ, số lượng thành viên HTX tăng lên, số lượng HTX đạt được chứng nhận GAP nhiều hơn. Trong khi đó, ngày càng nhiều sản phẩm chất lượng được giới thiệu ra thị trường.

Chia sẻ với kinh nghiệm của Thái Lan, ông Trần Minh Hải cho biết, Việt Nam cũng đang nỗ lực xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương và thương hiệu cho các sản phẩm bản địa như cà phê, trái cây, gỗ và sản phẩm gỗ… theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Theo ông Hải, để tăng cường đầu ra và nhận diện thương hiệu cho sản phẩm, việc liên kết doanh nghiệp cùng đồng hành, ký hợp đồng với các HTX nông nghiệp là điều vô cùng cần thiết.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email