Saturday, May 4

Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon hình thành ra sao?

Hội thảo 'Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon' tổ chức sáng 6/9 tại TP.HCM.

Hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon” tổ chức sáng 6/9 tại TP.HCM.

Tài chính xanh cần được xem như một công cụ hữu hiệu để tăng trưởng xanh, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định như vậy trong phát biểu khai mạc hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon”.

Đồng thời, tài chính xanh cũng trở thành thước đo cho sự phát triển bền vững của những đô thị lớn như TP.HCM, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của môi trường, thông qua hành vi khai thác, hành vi sản xuất và hành vi tiêu dùng.

Hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon” có sự tham gia của nhiều nhân vật uy tín như giáo sư Trần Ngọc Thơ, tiến sĩ Trương Văn Phước, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, tiến sĩ Lê Đạt Chí, tiến sĩ Trần Văn, tiến sĩ Tô Xuân Phúc…

Các chuyên gia đều cho rằng, hai khái niệm “tài chính xanh” và “thị trường tín chỉ carbon” khá mới mẻ nhưng mang nhiều thông điệp xã hội sâu sắc, cần được phổ cập sâu rộng trong đời sống xã hội.

Trong Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển năm 2022, Ngân hàng Thế giới đã đề cập tính cấp thiết của việc thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam, cần triển khai nhiều chính sách và đầu tư công – tư để giảm cường độ carbon trong tăng trưởng.

Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm, trong đó đầu tư vào khả năng phục hồi khoảng 254 tỷ USD và thêm 114 tỷ USD cho hành trình khử carbon theo cam kết với cộng đồng quốc tế.

Khuyến cáo trên của Ngân hàng Thế giới nhắc nhở Việt Nam sẽ cần những khoản đầu tư khổng lồ trong gần 30 năm tới, trong khi nguồn lực của Nhà nước chỉ đáp ứng một phần nhu cầu tài chính. Vì vậy, để có tài chính xanh phải tính đến bài toán trái phiếu xanh.

Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn kiến nghị thúc đẩy tài chính xanh bằng trái phiếu xanh.

Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn kiến nghị thúc đẩy tài chính xanh bằng trái phiếu xanh.

Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn (Đại học Bristol, Vương quốc Anh) gợi ý: “Trái phiếu xanh là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, hoặc doanh nghiệp phát hành nhằm huy động vốn cho các dự án xanh, dự án bền vững với môi trường và thúc đẩy chuyển sang một nền kinh tế ít khí thải. Các trái phiếu này được ban hành kèm theo các điều khoản đặc biệt về cơ chế trả nợ, truy đòi hoặc miễn truy đòi từ tổ chức phát hành.

Trái phiếu xanh nói riêng và tín dụng xanh nói chung là một công cụ để huy động vốn cho các dự án xanh, dự án bền vững với môi trường và thúc đẩy chuyển sang một nền kinh tế ít khí thải. Đây là cách huy động vốn cho phát triển bền vững dài hạn. Ngoài ra, đây cũng là một nguồn vốn thúc đẩy doanh nghiệp chuyển sang các công nghệ phát ra ít khí thải hơn”.

Còn thị trường tín chỉ carbon có thể hiểu như thế nào? Đây là loại hình thị trường mà hàng hóa tín chỉ carbon được trao đổi, mua bán thông qua lượng khí nhà kính được giảm (phát thải hoặc hấp thụ) trong quá trình hoạt động giữa bên mua và bên bán.

Thị trường carbon với các quy định rõ ràng công bằng, minh bạch dựa trên cơ chế định giá carbon và nguyên tắc “Thuận mua – vừa bán”, “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”, giúp các quốc gia, chính phủ đạt được lợi ích giảm phát thải, tái cấu trúc nền kinh tế và hướng đến mục tiêu trung hòa carbon và hơn nữa là Net zero.

Các doanh nghiệp bán hạn ngạch hay tín chỉ carbon sẽ thu được khoản lợi nhuận, từ đó tái cấu trúc thêm cho doanh nghiệp và tiếp tục nỗ lực giảm phát thải. Bên mua tín chỉ carbon sẽ có lợi để đảm bảo chấp hành đúng các quy định của khu vực, quốc gia về phân bổ hạn ngạch và thuận lợi trong quá trình tham gia xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường như EU, Mỹ…

Cụ thể, khi tham gia thị trường carbon, về lâu dài các cơ sở, doanh nghiệp phát thải sẽ phải sử dụng các nghiên cứu, áp dụng các giải pháp công nghệ để giảm phát thải từ nguồn lực nội bộ (tiết kiệm năng lượng, thay đổi công nghệ, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo hoặc nâng cấp công nghệ sản xuất sạch hơn), hoặc nghiên cứu những phương án lưu trữ, hấp thụ carbon (tăng cường trồng cây xanh). Việc lựa chọn các biện pháp giảm phát thải, bù trừ phát thải sẽ dựa trên phân tích chi phí lợi ích của các biện pháp và chiến lược của từng doanh nghiệp.

Hầu hết tham luận tại hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon” đều có chung kiến nghị, thị trường carbon tại Việt Nam phải được xây dựng theo hướng tích hợp, hội nhập và liên thông tới các thị trường carbon toàn cầu. Việc liên thông tới các hệ thống giao dịch này (bao gồm thị trường carbon bắt buộc và thị trường carbon tự nguyện) sẽ giúp quản lý tốt hơn về các mục tiêu giảm phát thải của các quốc gia, doanh nghiệp và minh bạch trong quá trình chuyển nhượng, trao đổi, bù trừ hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon giữa các quốc gia, khu vực và các tổ chức, doanh nghiệp.

Luật Bảo vệ Môi trường 2020 lần đầu tiên đưa ra quy định ở Điều 139 về việc tổ chức và phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nước. Theo đó Bộ Tài nguyên – Môi trường được giao nhiệm vụ thiết lập tổng hạn ngạch cho hệ thống trao đổi hạn ngạch của Việt Nam, xác định phương pháp phân bổ hạn ngạch cũng như các cơ chế tín chỉ bù trừ carbon được áp dụng trong hệ thống trao đổi hạn ngạch.

Ngày 7/1/2022, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định chi tiết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-zôn, cũng như cụ thể hóa thị trường tín chỉ carbon. Sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ được thành lập và tiến hành thử nghiệm từ năm 2025.

Quá trình thực hiện giao dịch và bù trừ tín chỉ carbon tại Việt Nam cũng tuân thủ các quy định tại Quyết định 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022, về việc phê duyệt Đề án triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (BĐKH), và Quyết định 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Thị trường tín chỉ carbon sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi tối đa từ thương mại quốc tế (như Hiệp định tự do thương mại EU – Việt Nam); tăng khả năng thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cũng như tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu vào các thị trường khó tính có sự quan tâm cao tới bảo vệ môi trường.

Các đại biểu tham dự hội thảo 'Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon'.

Các đại biểu tham dự hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon”.

Theo đề án Phát triển thị trường tín chỉ carbon do Bộ Tài chính dự thảo, sàn giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam phải đến năm 2028 mới chính thức vận hành. Giá tín chỉ carbon của Việt Nam giao dịch trên thị trường quốc tế hiện vẫn còn khoảng cách khá xa so với tại EU hay Mỹ. Vì vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin về các quy định, nguy cơ và giải pháp liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính tác động trực tiếp và gián tiếp tới doanh nghiệp.

Để thị trường tín chỉ carbon được hình thành và hoạt động hiệu quả, ngoài nỗ lực của Chính phủ, cần sự đồng hành của cộng đồng, doanh nghiệp và người dân tổ chức thực hiện tốt một số giải pháp chính. Với tư cách Ủy viên Ủy ban khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Nguyễn Quang Huân trong tham luận tại hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon”, nhấn mạnh: “Cần xây dựng cơ chế vận hành và cơ quan chịu trách nhiệm để quản lý thị trường giao dịch tín chỉ carbon, kể cả các sàn giao dịch để thống nhất quản lý về Nhà nước. Ngoài ra nếu áp dụng đánh thuế carbon để tăng nguồn thu ngân sách, bù đắp cho quỹ tài chính xanh thì cần giao cụ thể cho cơ quan nào nghiên cứu và cơ quan nào thực hiện nội dung này.

Xây dựng và công bố lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn để có kế hoạch khả thi triển khai thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ như thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, quy hoạch, chiến lược… của từng ngành/ lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh, góp phần bổ sung thêm nguồn lực từ các tổ chức trong và ngoài nước nhằm triển khai các dự án xanh”.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email