Saturday, May 4

Sâm Bố Chính ở Thừa Thiên Huế tiếp tục chết hàng loạt

Diện tích trồng sâm Bố Chính tại thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: CĐ.

Diện tích trồng sâm Bố Chính tại thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: CĐ.

Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 27/7/2023 có bài “Sâm Bố Chính chết hàng loạt, nông dân ‘bó tay’ cứu chữa” phản ánh cây sâm Bố Chính trồng tại huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) theo hình thức liên kết sản xuất với Công ty TNHH SCB Hoàng Gia (Công ty Hoàng Gia, đóng tại TP Huế) bị chết hàng loạt khiến nông dân lao đao. Chúng tôi tiếp tục tìm hiểu thông tin và ghi nhận tại nhiều địa phương khác ở Thừa Thiên Huế cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Năm 2023, thực hiện chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế) triển khai xây dựng mô hình thí điểm liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu sâm Bố Chính với Công ty Hoàng Gia. Địa điểm thực hiện mô hình tại xã Hương Bình và xã Bình Tiến, mỗi xã 0,5ha với 2 hộ tham gia sản xuất.

Tham gia mô hình này, nông dân được Công ty Hoàng Gia cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm củ tươi với giá 120.000 đồng/kg. Điều kiện được Công ty Hoàng Gia đưa ra là cây sâm Bố Chính phải được trồng từ 9 – 14 tháng, cây sâm không bị thối củ, trọng lượng củ đạt 3 – 18 củ/kg…

Lãnh đạo thị xã Hương Trà kiểm tra mô hình trồng sâm Bố Chính (ở giai đoạn cây sâm còn phát triển bình thường). Ảnh: CĐ.

Lãnh đạo thị xã Hương Trà kiểm tra mô hình trồng sâm Bố Chính (ở giai đoạn cây sâm còn phát triển bình thường). Ảnh: CĐ.

Ông Trương Đăng Hoài Nghĩa, một trong những hộ dân tham gia mô hình trồng sâm Bố Chính tại xã Hương Bình (thị xã Hương Trà) cho biết: Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của Thị xã, gia đình ông bắt đầu thử nghiệm trồng sâm Bố Chính từ tháng 3/2023. Thời điểm sau trồng khoảng 4,5 tháng, cây sâm phát triển tốt, cho hoa rất đẹp. Do đây là loại cây trồng mới, được trồng lần đầu tại địa phương nên vườn sâm Bố Chính còn được đích thân Bí thư Thị ủy Hương Trà lên thăm và động viên.

Tuy nhiên, niềm vui chưa kịp đến với nông dân thị xã Hương Trà thì nhiều diện tích cây sâm Bố Chính bỗng nhiên héo rũ, khô cành lá và thối dần xuống củ. Người dân bất lực nhìn vườn sâm héo tàn dần.

Theo ông Đoàn Phước Lễ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm DVNN thị xã Hương Trà, cây sâm Bố Chính được đưa vào trồng thử nghiệm tại địa phương từ tháng 3/2023. Sau khi cây sâm Bố Chính phát triển khoảng 2 – 3 tháng thì bắt đầu xuất hiện tình trạng cây héo rũ, thối gốc làm chết cây nhưng chỉ xảy ra rải rác với diện tích nhỏ.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 6/2023 đến nay, khi cây sâm Bố Chính trong giai đoạn ra hoa và phát triển củ thì xuất hiện tình trạng cây héo dần, rụng lá, hoa và sau đó thối dần xuống củ. Mặc dù Trung tâm DVNN thị xã Hương Trà phối hợp với các đơn vị chức năng và doanh nghiệp đã sử dụng nhiều loại chế phẩm sinh học để xử lý nhưng vẫn không hiệu quả.

Cây sâm Bố Chính tại huyện A Lưới bị chết khô bất thường. Ảnh: CĐ.

Cây sâm Bố Chính tại huyện A Lưới bị chết khô bất thường. Ảnh: CĐ.

Cũng theo ông Lễ, để hạn chế thiệt hại cho nông dân, hiện Trung tâm DVNN thị xã Hương Trà đã khuyến cáo người dân thu hoạch sớm so với thời gian cam kết ghi trên hợp đồng. Tuy nhiên việc thu hoạch sớm lại vi phạm thời gian trồng cây sâm Bố Chính theo hợp đồng cam kết với doanh nghiệp cũng như năng suất, chất lượng củ sâm sẽ rất kém.

“Theo thông tin từ người dân, số lượng củ sâm Bố Chính thu hoạch sớm đã được sấy khô khoảng 80kg. Số củ sâm này đang được người dân cất trữ tại nhà và đang chờ Công ty Hoàng Gia đưa ra phương án thu mua hợp lý nhất để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nông dân”, ông Đoàn Phước Lễ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm DVNN thị xã Hương Trà cho hay.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên Huế, diện tích trồng cây sâm Bố Chính tại địa phương khoảng hơn 10ha, được trồng tập trung tại huyện A Lưới (gần 7ha); thị xã Hương Trà (3ha); thị xã Hương Thủy (0,5ha) và huyện Quảng Điền (0,05ha). Đến nay, diện tích cây sâm Bố Chính bị bệnh thối gốc chết khoảng 5,75ha, trong đó huyện A Lưới hơn 4,7ha, thị xã Hương Trà 0,75ha, thị xã Hương Thủy 0,25ha, huyện Quảng Điền 0,03ha.

Nguyên nhân cây sâm Bố Chính bị chết được cơ quan này xác định do bệnh thối gốc do nấm Fusarium spp gây ra (nấm này có nguồn gốc từ trong đất), bệnh tập trung gây hại nặng và gây chết cây từ giai đoạn phân cành, phát triển củ – thu hoạch.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email