Wednesday, May 15

Quy hoạch chăn nuôi của Thái Nguyên sẽ tập trung ở phía bắc tỉnh

Thời gian qua, ngành chăn nuôi Thái Nguyên được phát triển theo hướng tích cực. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thời gian qua, ngành chăn nuôi Thái Nguyên được phát triển theo hướng tích cực. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nhiều thách thức trong phát triển chăn nuôi tuần hoàn

Theo Sở NN-PTNT Thái Nguyên, trong những năm qua, sản xuất chăn nuôi của địa phương được phát triển theo hướng tích cực khi chăn nuôi quy mô trang trại phát triển nhanh đang thay thế dần chăn nuôi nhỏ lẻ nông hộ.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong chăn nuôi đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương.

Trong đó, phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn được tỉnh Thái Nguyên đặc biệt chú trọng bởi là hoạt động theo chu trình kép kín, giúp chất thải được xử lý làm nguyên liệu cho trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát trong sản xuất.

Ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh, đây là hướng đi bền vững trong định hướng phát triển nông nghiệp tuần hoàn, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành chăn nuôi của tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm vẫn còn hạn chế, khó khăn.

Chăn nuôi tuần hoàn là hướng đi bền vững trong định hướng phát triển nông nghiệp tuần hoàn, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành chăn nuôi của tỉnh. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chăn nuôi tuần hoàn là hướng đi bền vững trong định hướng phát triển nông nghiệp tuần hoàn, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành chăn nuôi của tỉnh. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thực tế cho thấy, nhận thức của người chăn nuôi Thái Nguyên về nông nghiệp tuần hoàn chưa đầy đủ, chưa tạo ra động lực để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Mặc dù gần đây, sản xuất nông nghiệp đã và đang từng bước quan tâm đến sản xuất nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hữu cơ, song về cơ bản vẫn chủ yếu chú trọng đến gia tăng sản lượng.

Các mô hình chăn nuôi tuần hoàn được áp dụng nhưng chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả chưa cao, phương thức chăn nuôi tuần hoàn hiện mới chỉ áp dụng đồng bộ tại các mô hình trang trại tổng hợp.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch, bố trí đất đai cho phát triển chăn nuôi trang trại, cơ sở giết mổ còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc chuyển đổi, bố trí đất đai để thu hút đầu tư các dự án chăn nuôi có quy mô lớn.

Hiện nay, chăn nuôi quy mô nông hộ tại Thái Nguyên vẫn chiếm tỷ lệ cao với trên 60%, hệ thống chuồng trại tận dụng, không đồng bộ, hạn chế về kiến thức khoa học để áp dụng vào thực tiễn nên việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi tuần hoàn, VietGAHP… còn gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó, tình hình dịch bệnh trên trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến hết sức phức tạp, vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi rất khó khăn, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, thiếu bền vững, chưa có thị trường xuất khẩu… nên rủi ro trong sản xuất chăn nuôi vẫn còn cao.

Một số quy định, chính sách hiện nay còn hạn chế, còn thiếu đã ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi như chính sách về đất đai, môi trường chăn nuôi, chính sách hỗ trợ và tiêu trí đánh giá về cơ sở an toàn dịch bệnh, chăn nuôi tuần hoàn…

Người dân trồng cỏ voi làm thức ăn chăn nuôi bò thịt. Ảnh: Phạm Hiếu.

Người dân trồng cỏ voi làm thức ăn chăn nuôi bò thịt. Ảnh: Phạm Hiếu.

Quy hoạch lại các vùng chăn nuôi

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên, địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm đứng 2 trong khu vực các tỉnh trung du miền núi phía Bắc với tổng đàn 650.000 con lợn, 16 triệu con gia cầm, trên 90.000 con trâu, bò, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt gần 213.000 tấn.

Chăn nuôi là ngành chiếm tỷ trọng lớn, năm 2022 đạt hơn 13.800 tỷ đồng chiếm 44% giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và 52% giá trị sản xuất nội ngành nông nghiệp.

Toàn tỉnh có hơn 1.100 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm chiếm khoảng 40% tổng sản lượng thịt hơi các loại. Hầu hết các trang trại chăn nuôi theo chuỗi liên kết kép kín, tuần hoàn trong cung cấp thức ăn, giống, thuốc thú y, xử lý môi trường và tiêu thụ sản phẩm.

Để phát triển chăn nuôi tuần hoàn gắn với tiêu thụ sản phẩm, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Thái Nguyên sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận thức, hiểu biết các mô hình nông nghiệp tuần hoàn để sẵn sàng tham gia cùng phát huy hiệu quả.

Cụ thể, Sở NN-PTNT Thái Nguyên sẽ cung cấp các thông tin, mô hình hiệu quả và quy trình sản xuất chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi tuần hoàn, VietGAHP, hữu cơ… trên các trang thông tin điện tử để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và áp dụng thực hiện.

Bên cạnh đó, Thái Nguyên sẽ đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi thông qua tập huấn, hội thảo, xây dựng, triển khai các dự án, mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cao, công nghệ sinh học, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tái sử dụng chất thải chăn nuôi góp phần giảm ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững.

Đồng thời, tỉnh sẽ xây dựng nhân rộng các mô hình phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái: trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng sản phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi và sử dụng hiệu quả các phụ phẩm chăn nuôi, cung cấp nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ cho trồng trọt. Khuyến khích các mô hình trồng trọt, chăn nuôi bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.

Phân bò sẽ được dùng để nuôi trùn quế làm phân bón hữu cơ. Ảnh: Phạm Hiếu

Phân bò sẽ được dùng để nuôi trùn quế làm phân bón hữu cơ. Ảnh: Phạm Hiếu

Đặc biệt, Thái Nguyên sẽ quy hoạch các vùng chăn nuôi, giết mổ tập trung, ứng dụng công nghệ cao để kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý môi trường chăn nuôi, sử dụng phân bón hữu cơ cho ngành trồng trọt.

Tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi tập trung, thu hút đầu tư chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm chăn nuôi chủ lực, đặc sản của tỉnh như hỗ trợ cơ sở an toàn dịch bệnh, chứng nhận VietGAP, hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ xử lý mô trường, hỗ trợ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, hỗ trợ xử lý môi trường trong chăn nuôi…

Hiện nay, các cơ sở chăn nuôi tại Thái Nguyên tập trung nhiều ở khu vực trung tâm và phía nam của tỉnh. Thực tế cho thấy, một số cơ sở chưa thực hiện nghiêm túc về quy định khoảng cách, môi trường, dẫn tới ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt ở khu dân cư.

Định hướng quy hoạch trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã tham mưu, ban hành Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, trong đó định hướng chăn nuôi tại khu vực phía bắc của tỉnh, nơi còn nhiều quỹ đất, đảm bảo nguyên tắc vừa phát triển chăn nuôi, vừa đảm bảo yêu cầu môi trường.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email