Sunday, April 28

Nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng GC-PLUS vào chung kết Cuộc thi khởi nghiệp Xanh

15 Dự án bán kết 2 được tiếp tục vào vòng chung kết cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh lần 9. Ảnh: Trần Quỳnh.

15 Dự án bán kết 2 được tiếp tục vào vòng chung kết cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh lần 9. Ảnh: Trần Quỳnh.

Chiều 18/9, tại Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn – Bộ NN-PTNT (số 45 Đinh Tiên Hoàng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM), Ban tổ chức vòng Bán kết Cuộc thi Dự án khởi nghiệp Xanh lần 9 – 2023 đã công bố 15/43 dự án lọt vào vòng chung kết cuộc thi.

Trong 15 dự án ở vòng bán kết lần này có nhiều dự án hướng đến nông nghiệp tuần hoàn, tài nguyên bản địa. Như dự án nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng GC PLUS (Ninh Thuận); Lạp xưởng lá lóc (Đồng Tháp); Trang trại tuần hoàn trên mái nhà (Đà Nẵng); Trà thảo mộc và sản phẩm ứng dụng thảo mộ dựa trên Medical Herb Nhật Bản (Đắk Lắk); Mô hình phát triển cây sâm bố chính gắn liền với văn hóa – ẩm thực – du lịch tại vùng núi và các huyện xã nghèo khó (Huế);

Sản xuất Atiso bền vững (Lâm Đồng); Sản xuất bánh canh rau củ – bánh hỏi rau củ (Bình Định); Chế biến các sản phẩm từ cây măng tây theo mô hình liên kết chuỗi bền vững tại vùng ngập lụt Gò Nổi – Quảng Nam; Bước phát triển mới trong nông nghiệp đô thị (TP.HCM)…

Dự án nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng GC PLUS (Ninh Thuận) của nhóm Lê Minh Vương, Nguyễn Thị Tuyết Vân Linh, Nguyễn Công Tiến tiếp tục được vào vòng Chung kết. Ảnh: Trần Quỳnh.

Dự án nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng GC PLUS (Ninh Thuận) của nhóm Lê Minh Vương, Nguyễn Thị Tuyết Vân Linh, Nguyễn Công Tiến tiếp tục được vào vòng Chung kết. Ảnh: Trần Quỳnh.

Bà Nguyễn Cẩm Chi, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển thanh niên (FYE), thành viên ban giám khảo cho rằng, các bạn thanh niên khởi nghiệp hôm nay đã truyền đi thông điệp về khát vọng muốn đem những nét văn hóa, những ẩm thực bản địa của quê hương mình đến với nhiều người hơn.

Theo bà Cẩm Chi, nhiều dự án còn gặp một số vấn đề, ngoài sản xuất kinh doanh chính, còn có pháp lý, nhiều dự án chúng ta còn chưa có đăng ký, kiểm nghiệm, hay những cấu phần về tài chính, về marketing, nhận diện thương hiệu, định vị khách hàng… Tuy nhiên, những điều này đều có thể hoàn thiện sau cuộc thi.

“Các thế hệ thanh niên khởi nghiệm hôm nay sẽ là những thế hệ doanh nông trẻ tương lai, giúp cho nền nông nghiệp Việt Nam ngày một vươn xa”, bà Cẩm Chi kỳ vọng.

Ngoài 15 dự án vào vòng chung kết, Ban tổ chức cũng trao giải thưởng NTFP – Chương trình trao đổi lâm sản ngoài gỗ Việt Nam, mỗi dự án 10 triệu đồng tiền mặt cho dự án Rượu cần Đăk Giang, đặc sản văn hóa của người Bahbar và dự án Măng khô Vre sản phẩm tự nhiên giúp phụ nữ K’ho Phan Sơn thoát nghèo.

Dự án Atiso đỏ (Lâm Đồng). Ảnh: Trần Quỳnh.

Dự án Atiso đỏ (Lâm Đồng). Ảnh: Trần Quỳnh.

Trước đó, ngày 10/9, tại Bến Tre, Ban tổ chức cũng đã chọn ra 8 dự án vào vòng chung kết. Như vậy, đến nay đã có tổng cộng 23 dự án tiếp tục vào vòng chung kết.

Tuần sau sẽ diễn ra vòng bán kết 3 tại Hà Nội. Vòng chung kết sẽ diễn ra vào tháng 10 tới đây tại TP.HCM.

Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh lần thứ 9/2023 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức với sự phối hợp của Công ty Cổ phần Vinamit, Quỹ Hỗ trợ phát triển Thanh niên, Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao.

Theo bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), hiện nay, các dự án đã tiến bộ vượt bậc so với cách đây 10 năm khi đa dạng hóa danh mục sản phẩm, bao bì mẫu mã đẹp. Đặc biệt, các dự án biết khai thác tài nguyên bản địa gắn với bảo vệ tài nguyên. Từ đó, đem đến mỗi sản phẩm là một câu chuyện hay về quê hương họ.

Tuy nhiên, để các dự án tiếp tục phát triển và được thị trường đón nhận thì cần phải tiếp tục đầu tư hơn nữa, kể cả từ bao bì, mẫu mã, chất lượng cho đến khâu xúc tiến thương mại.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email