Thursday, April 18

Nông nghiệp Bình Phước không để lỡ ‘chuyến tàu’ chuyển đổi số

Số hóa quản lý vùng trồng

Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước đã triển khai phối hợp với các địa phương để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở dữ liệu, đăng ký mã số vùng trồng. Điều này giúp kết nối chặt chẽ giữa sản xuất với thị trường và người tiêu dùng.

Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhiều diện tích sầu riêng của Bình Phước đã được cấp mã vùng trồng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: Trần Trung.

Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhiều diện tích sầu riêng của Bình Phước đã được cấp mã vùng trồng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: Trần Trung.

Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước chia sẻ, Bình Phước là tỉnh nông nghiệp, diện tích đất nông nghiệp lớn, chủ yếu là cây công nghiệp dài ngày như cao su, điều. Những năm gần đây, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương chuyển biến mạnh mẽ, từ các loại cây có hiệu quả kinh tế thấp sang cây hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là cây ăn quả, đã hình thành các vùng chuyên canh bưởi da xanh, sầu riêng

10 năm trở lại đây, cây ăn quả được xem là cây trồng mang lại nguồn thu đáng kể cho nông dân Bình Phước. Diện tích cây ăn quả của Bình Phước hiện có trên 13 ngàn ha, sản lượng gần 64 ngàn tấn/năm, trong đó chủ yếu là sầu riêng, bưởi, mít… Mặc dù vậy, trái cây Bình Phước vẫn chưa có được những thương hiệu lớn. Việc thúc đẩy các tổ chức, cá nhân đăng ký mã số vùng trồng là điều cần thiết nhằm định vị giá trị cây ăn quả Bình Phước trên bản đồ nông sản sản Việt Nam, đó cũng chính là “tấm vé thông hành” cho xuất khẩu nông sản ra thị trường quốc tế.

Nhờ có mã vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, Công ty TNHH Minh Hàng ở Bù Đăng (Bình Phước) đang tất bật chuẩn bị hàng xuất chính ngạch đi Trung Quốc. Ảnh: Hồng Thủy.

Nhờ có mã vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, Công ty TNHH Minh Hàng ở Bù Đăng (Bình Phước) đang tất bật chuẩn bị hàng xuất chính ngạch đi Trung Quốc. Ảnh: Hồng Thủy.

“Trong sản xuất nông nghiệp, mã số vùng trồng được hiểu là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc nông sản… Theo đó, Bình Phước xác định chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt có 2 nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành trồng trọt và xây dựng, quản lý mã số vùng trồng. Hiện toàn tỉnh đã cấp 19 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu với diện tích hơn 1.997ha, sản lượng khoảng 223.500 tấn/năm”, ông Trần Văn Phương chia sẻ.

Để tiếp tục cấp và quản lý mã số vùng trồng, UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành công văn về việc giao nhiệm vụ cấp, quản lý mã số vùng trồng. Theo đó, UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu Sở NN-PTNT tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ cấp, quản lý mã số vùng trồng theo quy định.

Vườn mít ruột đỏ của HTX Phước Thiện tại huyện biên giới Bù Đốp. Ảnh: Trần Trung.

Vườn mít ruột đỏ của HTX Phước Thiện tại huyện biên giới Bù Đốp. Ảnh: Trần Trung.

UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng NN-PTNT/phòng kinh tế là cơ quan đầu mối, chủ trì thực hiện công tác thiết lập hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng và thực hiện công tác quản lý, sử dụng mã số vùng trồng ở địa phương đảm bảo đúng quy định. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân về mã số vùng trồng và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng mã số vùng trồng đã được cấp cho các tổ chức, cá nhân tại địa phương đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc khi cần thiết. Hằng năm xây dựng kế hoạch, dự trù và bố trí kinh phí xây dựng và quản lý mã số vùng trồng tại địa phương theo quy định.

Giúp nông dân hòa mình vào “dòng chảy số”

Song song với xây dựng cơ sở dữ liệu mã số vùng trồng, ngành nông nghiệp Bình Phước khuyến khích, hỗ trợ nông dân ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất để nâng cao thu nhập.

Đoàn công tác thuộc Sở Khoa học - Công nghệ Bình Phước thẩm định năng lực HTX Phước Thiện (huyện Bù Đốp). Ảnh: Hồng Thủy.

Đoàn công tác thuộc Sở Khoa học – Công nghệ Bình Phước thẩm định năng lực HTX Phước Thiện (huyện Bù Đốp). Ảnh: Hồng Thủy.

Với diện tích trồng và liên kết trồng khoảng 800ha mít ruột đỏ và vú sữa hoàng kim, HTX Thương mại – Dịch vụ Phước Thiện (Bù Đốp, Bình Phước) là một trong những HTX đầu tiên của tỉnh ứng dụng công nghệ cao vào trồng và chế biến sản phẩm, hướng đến chuỗi quy trình khép kín từ canh tác, thu hoạch, chế biến sau thu hoạch. Đây cũng là một trong 2 HTX thụ hưởng chương trình chuyển đổi số của tỉnh Bình Phước giai đoạn 2023 – 2025.

Theo đó, HTX Phước Thiện được hỗ trợ lắp đặt wifi, hệ thống tưới tự động bằng công nghệ IoT, camera giám sát thu thập dữ liệu phục vụ chăm sóc, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, HTX Phước Thiện còn được hỗ trợ phần mềm trong quản lý điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đây, HTX chủ động tìm kiếm thị trường qua các kênh thương mại điện tử.

“Nhờ được thụ hưởng chính sách chuyển đổi số nông nghiệp, HTX hoạt động hiệu quản hơn. Phương châm xuyên suốt của HTX Phước Thiện là liên kết sản xuất sản phẩm sạch, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, giúp nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm…

Do đó, quy trình canh tác luôn đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP và hướng tới hữu cơ, đề cao sức khỏe người tiêu dùng và người sản xuất. Việc thực hiện chuyển đổi số không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập mà còn từng bước làm thay đổi nhận thức và nâng cao trình độ của nông dân”, ông Nguyễn Viết Vị, Giám đốc HTX Phước Thiện chia sẻ.

Đoàn công tác thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư thăm và làm việc tại HTX Phước Thiện. Ảnh: Trần Trung.

Đoàn công tác thuộc Bộ Kế hoạch – Đầu tư thăm và làm việc tại HTX Phước Thiện. Ảnh: Trần Trung.

Nắm bắt xu thế chuyển đổi số, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bình Phước đã tích cực triển khai các chương trình dự án, đào tạo huấn luyện, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần thay đổi tập quán canh tác của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh; khuyến khích, hỗ trợ nông dân áp dụng chuyển đổi số, xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất…

Mặc dù việc triển khai thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp mới chỉ ở giai đoạn đầu, nhưng đã đạt được những kết quả quan trọng, từng bước thay đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả sang liên kết chuỗi giá trị.

Một số mô hình ứng dụng chuyển đổi số tiêu biểu như: Mô hình liên kết hồ tiêu theo tiêu chuẩn R.A (Rainforest Alliance), mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu, mô hình chế biến hạt điều bằng công nghệ hấp hơi nước, mô hình trồng mít ruột đỏ, mô hình trồng giống bơ sáp Mã Dưỡng, mô hình trồng bưởi da xanh và các mô hình được dán tem truy xuất nguồn gốc như hồ tiêu, hạt điều, dưa lưới, mật ong, yến sào…

HTX Tiêu hữu cơ Lộc Quang (huyện Lộc Ninh, Bình Phước) tiên phong ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Hồng Thủy.

HTX Tiêu hữu cơ Lộc Quang (huyện Lộc Ninh, Bình Phước) tiên phong ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Hồng Thủy.

Các mô hình thực hiện chuyển đổi số không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân mà còn từng bước làm thay đổi nhận thức và nâng cao trình độ của nông dân trong công tác tổ chức sản xuất.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp tại Bình Phước vẫn còn manh nha, mới mẻ. Thực tế cho thấy, ở lĩnh vực trồng trọt, phương thức sản xuất truyền thống vẫn rất phổ biến, chủ yếu dựa vào sức lao động. Các mô hình ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số vẫn ít, đa số mới chỉ ứng dụng ở một số khâu nhất định. Bởi trình độ ứng dụng công nghệ của đa phần nông dân hiện nay thấp, chưa kể đến yếu tố về nguồn lực đầu tư hạn chế.

Bình Phước hiện có 226 HTX đang hoạt động, trong đó có 196 HTX nông nghiệp. Hiện toàn tỉnh có khoảng 28 HTX có ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng không toàn diện, chủ yếu sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Nhờ chuyển đổi số, một số sản phẩm nông nghiệp của Bình Phước dần có chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: Trần Trung.

Nhờ chuyển đổi số, một số sản phẩm nông nghiệp của Bình Phước dần có chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: Trần Trung.

Trên cơ sở cụ thể hóa Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ, Bình Phước đã ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 – 2025 với những mục tiêu, nhiệm vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp hiện đại, thông minh.

“Cùng với các chính sách đã rõ ràng, ngành nông nghiệp Bình Phước sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nông dân hiểu rõ trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, họ phải là nông dân thời đại 4.0, dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận thị trường nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản”, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước, ông Trần Văn Phương khẳng định.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email