Thursday, May 2

‘Nội chiến’ vùng keo nguyên liệu: [Bài 1] Nhan nhản các điểm thu mua tự phát

Nhan nhản các điểm thu mua keo tự phát gắn bàn cân

Như Thanh (Thanh Hóa) là huyện miền núi có diện tích rừng sản xuất thuộc loại lớn của tỉnh Thanh Hóa. Mặc dù địa phương này có vùng nguyên liệu trù phú, thế nhưng việc quản lý hoạt động thu mua, chế biến lâm sản đang lộ rõ nhiều dấu hiệu bất cập. Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện xuất hiện hàng loạt điểm thu mua keo gắn bàn cân trên đất ở và đất nông nghiệp có dấu hiệu tự phát, gây ảnh hưởng đến môi trường và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Theo tìm hiểu của phóng viên, muốn đặt điểm thu mua gỗ keo có trang bị cân xe tải thì cơ sở thu mua, tập kết phải đảm bảo các tiêu chí về đăng ký ngành nghề kinh doanh, kê khai thuế, công tác phòng cháy, chữa cháy, kiểm định chất lượng cân, được cấp phép đấu nối quốc lộ… Tuy nhiên, nhiều điểm thu mua, tập kết nguyên liệu tại huyện Như Thanh dường như bỏ qua một số quy định nêu trên.

Điểm thu mua keo của ông L.Đ.C nằm ngay cạnh quốc lộ 45, đoạn chạy qua xã Hải Long. Ảnh: Quốc Toản.

Điểm thu mua keo của ông L.Đ.C nằm ngay cạnh quốc lộ 45, đoạn chạy qua xã Hải Long. Ảnh: Quốc Toản.

Trên tuyến quốc lộ 45 đoạn chạy qua xã Hải Long và xã Xuân Khang tồn tại 3 điểm thu mua keo ngay bên đường. Tại đây, một số hộ dân đã tự san ủi, đắp nền làm bãi tập kết thu mua keo có lắp bàn cân. Điển hình như bãi tập kết thu mua keo trên đất trồng cây lâu năm của hộ gia đình ông L.Đ.C (thôn Vĩnh Lợi, xã Hải Long). Theo xác nhận của UBND xã Hải Long, bãi tập kết này rộng gần 500m2 thuộc loại đất trồng cây lâu năm. Đáng nói là, điểm tập kết gỗ keo này nằm ngay cạnh khu vực chống sạt lở tại thôn Vĩnh Lợi. Tại hiện trường, ước tính sản lượng gỗ keo được tập kết lên tới hàng chục tấn.

Bàn cân được được đặt ngay cạnh quốc lộ 45, đoạn chạy qua thôn Xuân Hòa, xã Xuân Khang, đối diện với điểm tập kết thu mua keo. Ảnh: Quốc Toản.

Bàn cân được được đặt ngay cạnh quốc lộ 45, đoạn chạy qua thôn Xuân Hòa, xã Xuân Khang, đối diện với điểm tập kết thu mua keo. Ảnh: Quốc Toản.

Cách đó không xa, tại xã Xuân Khang (Như Thanh) tồn tại hai điểm thu mua keo có gắn bàn cân tại thôn Xuân Hòa và Đồng Mưa nằm cạnh quốc lộ 45. Theo xác nhận của ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Khang, đây là những điểm thu mua keo gắn bàn cân nằm trên đất ở của hộ gia đình, được lắp đặt tại vào thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023.

Cá biệt, trạm cân tại thôn Xuân Hòa (xã Xuân Khang) không thể hiện điểm đấu nối với quốc lộ 45, tiềm ẩn nguy cơ sẽ xung đột giao thông khi các phương tiện lưu thông qua lại. Tại điểm thu mua tập kết gỗ keo tại thôn Xuân Hòa xuất hiện 2 xe đầu kéo chất đầy cả trăm tấn keo và có dấu hiệu quá tải hàng hóa.

Điểm thu mua, tập kết keo nằm cạnh quốc lộ 45 đoạn chạy qua xã Xuân Khang. Tại đây, xuất hiện hai xe đầu kéo chất đầy cả trăm tấn keo. Ảnh: Võ Dũng.

Điểm thu mua, tập kết keo nằm cạnh quốc lộ 45 đoạn chạy qua xã Xuân Khang. Tại đây, xuất hiện hai xe đầu kéo chất đầy cả trăm tấn keo. Ảnh: Võ Dũng.

Nói về pháp lý của bãi tập kết và trạm cân đang hoạt động trên địa bàn xã, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Khang cho biết. “Việc đặt các bàn cân nói trên chưa được sự cho phép của nhà nước. Chúng tôi đã hướng dẫn người dân thủ tục làm giấy phép kinh doanh, hoàn thiện thủ tục đặt bàn cân, kê khai nộp thuế.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dọc tuyến quốc lộ 45 và tỉnh lộ 512 đoạn qua huyện Như Thanh, xuất hiện cả chục điểm thu mua, tập kết gỗ keo có gắn bàn cân. Mỗi ngày các cơ sở này có thể thua mua hàng trăm tấn keo trong rừng để mang đi tiêu thụ. Việc xuất hiện hàng loạt các trạm cân theo kiểu tự phát trên địa bàn huyện Như Thanh trong thời gian qua không chỉ gây khó khăn trong quản lý hoạt động thu mua, chế biến lâm sản mà còn tiềm ẩn nguy cơ về môi trường, an toàn giao thông.

 Một điểm chế biến gỗ keo nằm cạnh tỉnh lộ 512 thuộc địa phận xã Cán Khê (huyện Như Thanh). Ảnh: Quốc Toản.

Một điểm chế biến gỗ keo nằm cạnh tỉnh lộ 512 thuộc địa phận xã Cán Khê (huyện Như Thanh). Ảnh: Quốc Toản.

Tại xã Cán Khê có hai điểm thu mua tập kết keo, ván xẻ nằm ngày trên đường tỉnh lộ. Đáng chú ý, điểm tập kết gỗ keo tại thôn 3 xã Cán Khê thuộc phần đất của gia đình ông N.C.C, nằm ngay cạnh trường học, nơi có lưu lượng phương tiện và học sinh qua lại lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Tại hiện trường máy móc, phương tiện phục vụ cho việc thu gom, vận chuyển hoạt động rầm rộ nhưng không hề có phương án đảm bảo an toàn cho người đi đường và lao động bốc gỗ keo.

Điểm thu mua keo đặt ngay cạnh trường học (vùng khoanh đỏ) tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho học sinh và người đi đường. Ảnh: Võ Dũng.

Điểm thu mua keo đặt ngay cạnh trường học (vùng khoanh đỏ) tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho học sinh và người đi đường. Ảnh: Võ Dũng.

Một phụ huynh tại điểm lẻ của Trường Tiểu học Cán Khê cho biết: “Không hiểu sao họ bốc gỗ keo lên xe không có bất cứ rào chắn, biển báo nào. Người lớn đi qua đây còn sợ huống gì trẻ con. Khúc cua này nếu không để ý có thể va chạm với xe chở keo như chơi…”.

Theo quan sát, đặc điểm chung của hầu hết các điểm thu mua gỗ keo có đặt bàn cân là nằm cạnh các tuyến giao thông huyết mạch, thuận lợi cho việc vận chuyển gỗ. Các cơ sở thu mua keo đặt bàn cân chủ yếu nằm trên đất ở, nông nghiệp của hộ gia đình và không có biển hiệu; Các điểm thu mua gỗ keo được trang bị sơ sài (không tường rào, không nơi tập kết phế phẩm, không có điểm đấu nối giao thông…). Một số điểm tập kết có dấu hiệu ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, các điểm thu mua keo nằm khá gần nhau, tiềm ẩn nguy cơ xung đột lợi ích giữa các hộ kinh doanh.

Điểm thu mua, tập kết keo tại thôn Đồng Tâm xã Mậu Lâm. Ảnh: Quốc Toản.

Điểm thu mua, tập kết keo tại thôn Đồng Tâm xã Mậu Lâm. Ảnh: Quốc Toản.

Sử dụng đất sai mục đích?

Được biết, đây là thời điểm thu mua keo nguyên liệu nên các cơ sở này hoạt động khá tấp nập. Hầu hết các điểm thu mua keo có gắn cân tải trọng và cơ sở chế được đặt trên ở nông thôn, đất nông nghiệp, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Điển hình như, trên địa bàn xã Xuân Phúc (huyện Như Thanh) tồn tại 2 cơ sở thu mua, băm dăm gỗ là Công ty TNHH sản xuất H.P và hộ gia đình ông D.Đ.S.

Tại thôn Phúc Minh, xã Xuân Phúc, Công ty TNHH sản xuất H.P được cấp đăng ký ngành nghề chế biến lâm sản, đã xây dựng xưởng bằng khung sắt, bắn mái tôn để phục vụ sản xuất trên diện tích 1.000m2. UBND xã Xuân Phúc xác nhận đây là diện tích đất ở hộ gia đình nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do đất đã được quy hoạch đường nối cảng Nghi Sơn đi cảng hàng không Thọ Xuân.

Điểm thu mua, chế biến, tập kết nguyên liệu trên địa bàn xã Xuân Phúc. Ảnh: Quốc Toản.

Điểm thu mua, chế biến, tập kết nguyên liệu trên địa bàn xã Xuân Phúc. Ảnh: Quốc Toản.

Đối với hộ gia đình ông L.Đ.S, UBND xã Xuân Phúc xác nhận, trên diện tích đất ở và đất trồng cây lâu năm (đất đứng tên người khác) có một căn nhà, xưởng băm keo, xưởng xẻ gỗ keo và một bàn cân điện tử. Tổng diện tích sử dụng của công trình khoảng 600m2.

Theo quy hoạch sử dụng đất của huyện Như Thanh và quy hoạch chung xây dựng xã Xuân Phúc, giai đoạn 2021-2030 thì vị trí đặt xưởng xẻ và băm dăm keo của ông D.Đ.S là quy hoạch đất dân cư nông thôn và một phần đất thuộc quy hoạch giao thông chứ không phải đất sản xuất kinh doanh…

Mặt bằng cơ sở sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH sản xuất chế biến lâm sản T.T (khu phố Hải Tiến, thị trấn Bến Sung) rất nham nhở. Nhiều hạng mục công trình sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh nằm trên đất ở và đất nông nghiệp. Ảnh: Võ Dũng.

Mặt bằng cơ sở sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH sản xuất chế biến lâm sản T.T (khu phố Hải Tiến, thị trấn Bến Sung) rất nham nhở. Nhiều hạng mục công trình sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh nằm trên đất ở và đất nông nghiệp. Ảnh: Võ Dũng.

Tại thị trấn Bến Sung (huyện Như Thanh) có cơ sở sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH sản xuất chế biến lâm sản T.T (khu phố Hải Tiến), chủ sở hữu là ông H.B.T. Theo UBND thị trấn Bến Sung, diện tích cơ sở sản xuất này rộng hơn 9.000m2, trong đó có hơn 400m2 đất ở. Theo quan sát, phía trong khuôn viên khu đất được xây dựng nhiều hạng mục công trình phục vụ cho sản xuất, kinh doanh (nhà điều hành, xưởng chế biến, bàn cân, bãi tập kết nguyên liệu…). Đa phần diện tích đất nói trên chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Cơ sở sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH sản xuất chế biến lâm sản T.T (khu phố Hải Tiến, thị trấn Bến Sung) có dấu hiệu không đảm bảo môi trường. Ảnh: Võ Dũng.

Cơ sở sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH sản xuất chế biến lâm sản T.T (khu phố Hải Tiến, thị trấn Bến Sung) có dấu hiệu không đảm bảo môi trường. Ảnh: Võ Dũng.

Theo luật sư Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty Luật TNHH AEC, cơ sở tập kết nguyên liệu keo, có gắn trạm cân là hoạt động phục vụ mục đích kinh doanh, thương mại. Do đó, nếu đặt trên diện tích đất nông nghiệp và đất ở là không phù hợp và cần tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp

Vị luật sư viện dẫn: “Điều 10 Luật đất đai 2013 quy định: “2. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây: Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm…”

Cũng theo luật sư Vũ, người dân được quyền tự do mua bán nhưng các cơ sở thu mua keo tự phát (mua đi bán lại) muốn được kinh doanh thì người dân ngoài việc phải đăng ký kinh doanh, cần hoàn thiện các thủ tục về đất đai, đầu tư, môi trường, phòng cháy chữa cháy,…

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email