Saturday, April 27

Năng lực tìm kiếm thị trường của hợp tác xã hạn chế

Năng lực quản lý, tư duy còn yếu

Theo Liên minh Hợp tác xã Đắk Lắk, địa phương có 763 hợp tác xã (HTX), với khoảng 70.000 thành viên hoạt động. Khu vực HTX của tỉnh đã thu hút khoảng 23.000 lao động thường xuyên, lợi nhuận bình quân đạt 150 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân thành viên/người lao động khoảng 45 triệu đồng/năm. Đắk Lắk đã hình thành nhiều mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng sản phẩm đặc trưng của vùng, miền; nhiều sản phẩm của HTX đạt được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao.

Tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện có 517 HTX, chiếm hơn 69% số HTX toàn tỉnh; có 34 sản phẩm của 26 HTX được phân hạng OCOP, trong đó có 6 sản phẩm đạt 4 sao OCOP. Tuy số lượng HTX tại Đắk Lắk lớn nhưng việc tìm đầu ra cho sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn.

Bà Hoàng Thị Thúy, Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm sạch Núi Xanh cho biết, doanh nghiệp đang tham gia phân phối các sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương.

Quy mô nhỏ và thiếu tính ổn định trong cung cấp sản phẩm là điểm yếu hiện nay của các HTX ở Đắk Lắk . Ảnh: Quang Yên.

Quy mô nhỏ và thiếu tính ổn định trong cung cấp sản phẩm là điểm yếu hiện nay của các HTX ở Đắk Lắk . Ảnh: Quang Yên.

Theo bà Thúy, qua thời gian làm việc, doanh nghiệp nhận thấy sản phẩm của các HTX tốt nhưng bao bì chưa đẹp, chưa có nhận diện thương hiệu. Sản phẩm của các HTX còn phụ thuộc nhiều vào thời vụ cũng như gặp nhiều khó khăn, hạn chế về lao động và vốn.

“Các HTX nông nghiệp chưa chủ động được năng suất, sản lượng một cách ổn định để xúc tiếp thương mại. Chỉ một số ít các HTX định vị được thương hiệu và nhãn mác. Doanh nghiệp chúng tôi rất mong muốn liên kết, hợp tác với các HTX trong việc phân phối sản phẩm, tuy nhiên các HTX cần tổ chức sản xuất, chế biến sản phẩm một cách ổn định, chuẩn hơn về chất lượng sản phẩm cũng như tính hấp dẫn về mẫu mã sản phẩm…”, bà Thúy nói.

Cũng theo bà Thúy, để sản phẩm đến tay người tiêu dùng, bên cạnh vai trò của các doanh nghiệp phân phối sản phẩm thì vai trò của chính quyền các địa phương là rất quan trọng.

“Thông thường các HTX, tổ hợp tác ít có lợi thế, việc bán hàng phải có bàn tay của doanh nghiệp thương mại một cách chuyên nghiệp. Tuy nhiên để kết nối chặt chẽ được giữa doanh nghiệp và HTX, phải có bàn tay của chính quyền. Ngoài ra nhà khoa học cũng đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này.

Hiện nay, năng lực quản lý của HTX còn yếu. Thời gian qua chính quyền địa phương đã có nhiều chương trình nâng cao năng lực quản trị, tiếp cận công nghệ 4.0 cho các HTX. Lãnh đạo là người quyết định sứ mệnh của HTX. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều lãnh đạo HTX bảo thủ, vẫn còn thói quen sản xuất theo hình thức hộ gia đình nên không phát triển lên được”, bà Thúy nhấn mạnh.

Lãnh đạo Liên minh HTX Đắk Lắk khai trương cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm của các HTX. Ảnh: Quang Yên.

Lãnh đạo Liên minh HTX Đắk Lắk khai trương cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm của các HTX. Ảnh: Quang Yên.

Bà Phan Mến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Khoa học công nghệ SuTech cho rằng, các HTX hiện nay cần nâng cao tư duy tổ chức công việc, tư duy về các quy định đáp ứng các thị trường xuất khẩu cũng như trong nước. Hiện nhiều HTX chưa hình dung được thị trường, chưa tiêu chuẩn hóa được chất lượng sản phẩm.

“Thời gian vừa qua, chúng tôi đã tư vấn cho các doanh nghiệp, HTX nhằm đáp ứng các quy định của nước nhập khẩu cũng như thị trường trong nước. Công ty đã kết hợp với Liên minh HTX Việt Nam cũng như với các địa phương để tập huấn nhận thức cho các HTX ở địa phương”, bà Mến thông tin.

Chưa có tư duy bán sản phẩm thị trường cần

Theo bà Mến, từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng là quá trình dài, cần sự tham gia của các bên liên quan. Trong đó, vai trò của nông dân, HTX, doanh nghiệp và chính quyền địa phương cần phân chia rõ. “Với vai trò của đơn vị tư vấn, chúng tôi thấy rằng các HTX vẫn còn yếu về năng lực. Tính liên kết, nhận thức của các HTX vẫn chưa toàn diện. Do đó, chất lượng sản phẩm, dịch vụ đôi khi rất tốt nhưng thị trường tiêu thụ chưa lớn. Lý do là các HTX chưa nhận thức và hiểu rõ được các quy định của thị trường.

Các sản phẩm của HTX, tổ hợp tác chất lượng tốt nhưng còn hạn chế trong tổ chức tiêu thụ. Ảnh: Quang Yên.

Các sản phẩm của HTX, tổ hợp tác chất lượng tốt nhưng còn hạn chế trong tổ chức tiêu thụ. Ảnh: Quang Yên.

Để làm được việc này, nông dân phải liên kết, thành lập HTX, các HTX phải chủ động trong việc tìm hiểu thông tin, quy định về thị trường. Nếu các HTX chưa làm được việc này thì có các đơn vị tư vấn như Công ty SuTech có thể đồng hành, hỗ trợ, đảm bảo chất lượng của sản phẩm đi kèm với thị trường tiêu thụ rộng lớn”, bà Mến nói.

Cũng theo bà Mến, Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung nông sản có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển. Tuy nhiên, hiện nay người dân, HTX vẫn còn tư duy manh mún, chưa có tư duy đáp ứng các quy định của thị trường. Người dân mới có tư duy trồng và bán chứ chưa có tư duy bán những sản phẩm thị trường cần.

Ông Huỳnh Bài, Chủ tịch Liên minh HTX Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 700 HTX nhưng thực chất hoạt động chỉ trên 650 HTX. Vấn đề khó khăn hiện nay là số lượng HTX lớn nhưng số thành viên ít. Cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật của HTX hiện nay còn nhiều hạn chế, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý. Việc thiếu thốn, khó khăn này dẫn đến việc xây dựng chiến lược kinh doanh của HTX chưa đảm bảo, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển của HTX trong thời gian tới.

“Nhận thấy những tồn tại, hạn chế, yếu kém của HTX nên chúng tôi đã đề xuất lãnh đạo tỉnh có những chủ trương, chính sách phát triển. Một là củng cố lại các HTX còn yếu kém, hạn chế. Đối với các HTX hoạt động không hiệu quả thì cần giải thể. Song song đó, cần đầu tư cho HTX về vấn đề nhân lực, cơ sở vật chất.

Các doanh nghiệp, HTX cần chủ động tìm hiểu thị trường, cung cấp sản phẩm thị trường cần. Ảnh: Quang Yên.

Các doanh nghiệp, HTX cần chủ động tìm hiểu thị trường, cung cấp sản phẩm thị trường cần. Ảnh: Quang Yên.

Chúng tôi cũng khuyến khích các HTX cần có sự liên kết chuỗi từ sản xuất đến khâu tiêu thụ, kể cả khoa học kỹ thuật để từng bước vươn ra thị trường trong nước và xuất khẩu”, ông Bài chia sẻ.

Cũng theo ông Bài, hiện nay theo đánh giá, chất lượng sản phẩm của các HTX tốt nhưng còn chưa đồng đều, mẫu mã chưa bắt mắt. Đặc biệt là sản lượng chưa đảm bảo khi thị trường cần. Việc này đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ.

“Chúng tôi đã làm việc với các HTX, trước hết là giảm chi phí sản xuất không cần thiết nhằm tạo giá thành hợp lý, xây dựng được chất lượng đồng đều. Các kênh phân phối cần dựa vào nền tảng công nghệ số để tiếp cận người tiêu dùng. Vai trò của các cấp, ngành cần quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ trong thời gian tới”, ông Huỳnh Bài, Chủ tịch Liên minh HTX Đắk Lắk nói.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email