Wednesday, May 8

Mùa ‘làm nước’ tàu cá

Nhiều tàu cá được kéo lên bờ gần gần cảng cá Đông Tác để sửa chữa. Ảnh: KS.

Nhiều tàu cá được kéo lên bờ gần gần cảng cá Đông Tác để sửa chữa. Ảnh: KS.

Nhộn nhịp “làm nước” tàu cá

Sau một thời gian hoạt động trên biển, việc duy tu, bảo dưỡng sửa chữa tàu cá là rất cần thiết và quan trọng, nhằm đảm bảo an toàn cho các ngư dân vươn khơi. Thời điểm cuối mùa nắng, chuẩn bị bước vào mùa mưa bão, ngư dân kéo tàu lên bờ để sửa chữa là rất thích hợp. Do đó, từ tháng 7-8 hàng năm, ngư dân Phú Yên gọi là mùa sửa chữa tàu cá.

Ghi nhận của chúng tôi tại khu vực gần cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa), có đến hàng chục tàu cá được kéo lên bờ để sửa chữa. Trong đó có tàu cá PY 96199 TS của ngư dân Đào Duy Phong, ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa).

Ngư dân Phong cho biết, mỗi năm, tàu cá phải đưa lên đà “làm nước”, tức sửa chữa, sơn sửa lại tàu ít nhất một lần, nhằm bảo đảm an toàn vươn khơi mùa biển động. Thời điểm này là phù hợp nhất do cuối mùa biển, hải sản cũng thưa dần.

Cũng giống tàu ông Phong và nhiều tàu khác tranh thủ trời nắng để “làm nước”, tàu PY90829 TS của ngư dân Huỳnh Tấn Thành ở phường Phú Đông cũng đưa lên bờ sửa chữa tại khu vực gần cảng cá Đông Tác.

Ngư dân Thành cho hay, đợt này tàu của ông sửa chữa khá nhiều, thậm chí tháo sửa cả hai máy chính và máy phụ, với tổng chi phí gần 100 triệu đồng. Đến nay, các công việc đã cơ bản, chỉ còn sơn lại toàn bộ con tàu, dự kiến mất khoảng một tuần nữa là xong.

Việc sửa chữa nhỏ của con tàu mất thời gian gần 1 tháng. Ảnh: KS.

Việc sửa chữa nhỏ của con tàu mất thời gian gần 1 tháng. Ảnh: KS.

“Mặc dù sửa chữa tốn nhiều chi phí nhưng chủ tàu đều chấp nhận để đảm bảo an toàn cho ngư dân vươn khơi bám biển trong thời gian tới”, ngư dân Thành chia sẻ.

Theo ông Đào Duy Quý, một thợ sửa chữa tàu cá ở phường Phú Đông cho biết, để bảo dưỡng tàu cá, việc đầu tiên phải kéo tàu lên bờ, rồi đưa vào các ụ (các chân trụ vững chắc) của khu vực sửa chữa. Tùy theo nhu cầu, các chủ tàu sẽ thuê thợ cho phù hợp, như thợ máy, thợ sơn, làm nước… Thông thường, một con tàu sửa chữa nhỏ mất từ 15-30 ngày, chi phí từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Bù lại, việc này sẽ giúp tàu cá đảm bảo an toàn, cũng như tăng tuổi thọ.

Phải đảm bảo an toàn kỹ thuật

Xí nghiệp Đóng tàu cá Hùng Thi của Công ty TNHH Vận tải – Thương mại Hùng Thi, ở phường Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa) là cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ gỗ có chiều dài lớn nhất dưới 24m.

Giám đốc Nguyễn Tấn Hùng cho biết, mỗi năm xí nghiệp tiếp nhận hàng trăm tàu cá cải hoán, sửa chữa. Ngay hiện tại cũng đang có hàng chục tàu thuyền sửa chữa ở đây. Xí nghiệp đã cử đội ngũ thợ lành nghề nhằm đảm bảo an toàn, đạt yêu cầu kỹ thuật giúp ngư dân vươn khơi bám biển hiệu quả.

Ngư dân cho biết, việc bảo dưỡng tàu là rất cần thiết và quan trọng để đảm bảo vươn khơi trong mùa biển động. Ảnh: KS.

Ngư dân cho biết, việc bảo dưỡng tàu là rất cần thiết và quan trọng để đảm bảo vươn khơi trong mùa biển động. Ảnh: KS.

Theo Chi cục Thủy sản Phú Yên, toàn tỉnh có hơn 1.900 tàu cá, trong đó 655 tàu có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động khai thác xa bờ.

Ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, thông tin: “Hằng năm, ngư dân Phú Yên có nhu cầu cải hoán, sửa chữa tàu cá để đảm bảo vươn khơi an toàn là rất lớn. Tuy nhiên, đối với những tàu cá cải hoán, tức thay đổi công suất máy, kích thước vỏ tàu gọi là sửa chữa lớn thì phải được cấp giấy phép. Cũng như thực hiện việc cải hoán này tại các cơ sở đủ điều kiện. Còn việc sửa chữa nhỏ, ngư dân có thể đưa tàu cá của mình đến bất kỳ cơ sở nào”.

Về phía Chi cục Thủy sản sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, cũng như hướng dẫn ngư dân làm các thủ tục thuận lợi. Đối với các cơ sở và thợ sửa chữa cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, sửa chữa trong thời gian nhanh nhất để ngư dân bám biển khai thác hải sản.

Theo Chi cục Thủy Phú Yên, toàn tỉnh có 23 cơ sở đóng và sửa chữa tàu thuyền. Trong đó 1 cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá dưới 24m (cơ sở loại 2), các cơ sở còn lại chủ yếu làm dịch vụ kéo và sửa chữa tàu thuyền theo phương pháp truyền thống, thủ công.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email