Thursday, May 16

Mô hình lúa – tôm, sự kết hợp thông minh, hoàn hảo

Tỉnh Bạc Liêu là trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước. Ảnh: Trọng Linh.

Tỉnh Bạc Liêu là trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước. Ảnh: Trọng Linh.

Với điều kiện sinh thái đặc thù, tỉnh Bạc Liêu đã và đang tập trung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng chủ động thích ứng. Nếu như hạn, mặn được xác định là nguy cơ, thì Bạc Liêu đã hóa giải các nguy cơ thành thời cơ. Trong đó, sản xuất lúa – tôm chính là mô hình thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bạc Liêu được biết đến là trung tâm công nghiệp tôm của cả nước. Trong đó, ngoài các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, Bạc Liêu còn nhiều mô hình nuôi tôm tự nhiên độc đáo khác như mô hình tôm – rừng, tôm – lúa. Các nhà chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp gọi mô hình lúa – tôm là mô hình sản xuất thông minh vì đây là mô hình sản xuất bền vững, sống chung với biến đổi khí hậu. Cái độc đáo của nó chính là sự “kết duyên” giữa cây lúa và con tôm ở một vùng đất mà xưa kia chỉ có lúa ma hay còn gọi là lúa mùa mới sống nổi.

Mô hình lúa - tôm giải quyết bài toán thích nghi với biến đổi khí hậu, hiệu quả, bền vững. Ảnh: Trọng Linh.

Mô hình lúa – tôm giải quyết bài toán thích nghi với biến đổi khí hậu, hiệu quả, bền vững. Ảnh: Trọng Linh.

Đầu những năm 2000, tỉnh Bạc Liêu chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm, con tôm sống trên đất lúa, phá tan thế độc canh cây lúa mỗi năm chỉ trồng được một vụ, thay vào đó là 2 vụ tôm, một vụ lúa/năm. Từ đó, làm cho cây lúa “xinh thêm” với hàng loạt các giống lúa mới trên vùng mặn được ra đời, cho năng suất đạt gần 7 tấn/ha (so với trước đây chỉ đạt từ 3 – 4 tấn/ha).

Hiệu quả từ mô hình lúa – tôm đã làm cho các địa phương vùng sản xuất phía bắc Quốc lộ 1A thay da đổi thịt, khoác nên mình những chiếc áo mới rực rỡ. Nhiều nhà tường, nhà lầu và nhiều tuyến đường giao thông, hạ tầng thủy lợi không ngừng được mở rộng để phục vụ cho ngành sản xuất nông nghiệp được xem là thế mạnh trong phát triển kinh tế của tỉnh Bạc Liêu.

Từ những mô hình sản xuất nhỏ lẻ, đã phát triển thành những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn theo mô hình cánh đồng lớn. Nếu vào năm 2001, diện tích của mô hình lúa – tôm chỉ có khoảng 5.800ha thì đến nay đã vượt trên con số 40.000ha.

Nhiều giống lúa mới thích nghi với môi trường tự nhiên tại vùng sản xuất lúa - tôm của Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh.

Nhiều giống lúa mới thích nghi với môi trường tự nhiên tại vùng sản xuất lúa – tôm của Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh.

Một trong những lý do để mô hình sản xuất lúa – tôm phát triển nhanh và được nhiều nông dân áp dụng chính là sự thích nghi thông minh và cả những lợi ích thiết thực mà mô hình mang lại. Ưu điểm của mô hình lúa – tôm là sự đa đạng về sản phẩm. Ngoài sản phẩm chính là con tôm sú, tôm càng xanh và hạt lúa, mô hình còn còn có thể tận dụng nguồn lực để xen canh các loại cây trồng, thủy sản khác mang tính bền vững, giúp nông dân tăng thu nhập như mô hình lúa – tôm kết hợp với nuôi cá đồng, mô hình trồng rau màu trên bờ líp vuông tôm.

Ưu điểm khác là hệ thống canh tác lúa – tôm rất thân thiện với môi trường, dễ dàng áp dụng các giải pháp quản lý tổng hợp, giảm nhu cầu sử dụng các loại hóa chất trong sản xuất lúa, ít gây hại đến môi trường tự nhiên, phù hợp với các yêu cầu về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và sản xuất hữu cơ.

Nông dân huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) vào vụ thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: Trọng Linh.

Nông dân huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) vào vụ thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: Trọng Linh.

Bên cạnh đó, mô hình lúa – tôm còn có thể phát huy các yếu tố tích cực của con tôm và cây lúa như giúp cải tạo đất, trừ sâu hại và cắt đứt vòng đời sâu bệnh trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Sau một vụ tôm, các chất thải được cây lúa chuyển hóa và hấp thụ, góp phần hạn chế lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong giai đoạn đầu.

Còn sau một vụ lúa, các loại rơm rạ, thóc rơi vãi từ cây lúa bỏ lại trên đồng sau thu hoạch bị phân hủy tạo môi trường sống và nguồn thức ăn tự nhiên giàu dinh dưỡng cho tôm trong vụ nuôi tiếp theo mà nông dân không cần phải đầu tư tiền mua thức ăn cho con tôm như mô hình nuôi tôm công nghiệp. Nhờ đó, mô hình này góp phần giảm chi phí sản xuất, đầu tư, tăng năng suất và lợi nhuận.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email