Friday, April 26

Mất hơn 30 ngày để trái vải từ vườn tới tay người tiêu dùng Hoa Kỳ

Mở rộng thị trường xuất khẩu vải, nhãn

Thông tin tại Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 5/2023 về chủ đề “Xúc tiến thương mại các mặt hàng quả vải và nhãn”, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sản phẩm vải tươi đã được xuất khẩu tới 30 thị trường khác nhau như: Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,… và đang tiếp tục mở rộng thêm các thị trường mới.

Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 5/2023 về chủ đề 'Xúc tiến thương mại các mặt hàng quả vải và nhãn'. Ảnh: Quang Linh.

Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 5/2023 về chủ đề “Xúc tiến thương mại các mặt hàng quả vải và nhãn”. Ảnh: Quang Linh.

Xuất khẩu vải thiều sang Hoa Kỳ gặp khó do thiếu trung tâm chiếu xạ

Hiện nay, công tác chuẩn bị phục vụ xuất khẩu vải thiều đã cơ bản hoàn tất, hoạt động giao thương, vận chuyển, logistic tới các thị trường nhập khẩu thuận lợi. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lưu ý nông dân, doanh nghiệp thu mua xuất khẩu cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định của nước nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh các thị trường truyền thống ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về các tiêu chuẩn xuất khẩu, còn các thị trường vốn đã “khó tính” yêu cầu kỹ thuật lại đối diện tình hình lạm phát cao khiến sức mua giảm.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, đại diện Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston và Texas (Hoa Kỳ) cho biết Hoa Kỳ là thị trường trọng điểm đối với các loại nông sản Việt Nam, nhất là đối với trái cây. Hoa Kỳ đang nhập khẩu vải từ: Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ.

Vải cũng là 1 trong 7 loại hoa quả tươi của Việt Nam được xuất khẩu sang nước này, đặc biệt, người dân xứ sở cờ hoa luôn đánh giá rất cao sản phẩm vải Lục Ngạn (Bắc Giang) về chất lượng.

Việc tiếp cận thị trường nông sản tại Hoa Kỳ của nông sản Việt Nam nói chung và xuất khẩu vải thiều, nhãn nói riêng vẫn tồn tại nhiều trở ngại như: khoảng cách địa lý quá xa khiến thời gian vận chuyển quá dài, các loại trái cây vì thế cũng hao hụt lớn. Ông Hưng nhấn mạnh, dù từ năm 2021, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có đường bay thẳng, nhưng chi phí vận chuyển trái vải vẫn là quá cao.

Chưa có nhà máy chiếu xạ trái cây đủ điều kiện xuất khẩu đi Hoa Kỳ đang là khó khăn lớn với nông dân và doanh nghiệp phía Bắc. Ảnh: Quang Linh.

Chưa có nhà máy chiếu xạ trái cây đủ điều kiện xuất khẩu đi Hoa Kỳ đang là khó khăn lớn với nông dân và doanh nghiệp phía Bắc. Ảnh: Quang Linh.

Bên cạnh đó, việc chưa có cơ sở chiếu xạ theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ đặt tại miền Bắc, khiến trái cây xuất đi Hoa Kỳ phải vận chuyển vào TP. HCM chiếu xạ, làm tăng chi phí vận chuyển.

“Vụ thu hoạch trái vải rất ngắn, chỉ tập trung trong khoảng 30 đến 45 ngày, đây là loại trái cây chín nhanh nên thường chỉ bảo quản được từ 3-5 ngày trong điều kiện nhiệt độ phòng. Trong khi đó, thời gian quả vải từ khi thu hoạch qua các khâu cho đến khi tới tay người tiêu dùng tại Hoa Kỳ mất từ 30-35 ngày. Các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam là Trung Quốc, Mexico có nhiều kinh nghiệm, hệ thống phân phối rộng khắp, giá cả cạnh tranh, chi phí vận chuyển thấp”, ông Đỗ Ngọc Hưng thông tin.

Để tận dụng tối đa tiềm năng xuất khẩu sang thị trường tiêu thụ trái cây khổng lồ này, ông Đỗ Ngọc Hưng đề xuất các cơ quan chức năng, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp nghiên cứu các giải pháp để giảm chi phí vận chuyển để tăng sức cạnh tranh cho trái vải Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Liên quan đến vấn đề thiếu nhà máy chiếu xạ, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) nhấn mạnh, đây là vấn đề cần xử lý sớm và dứt điểm để trái vải có giá bán cạnh tranh tại thị trường Hoa Kỳ. Ông Vũ Bá Phú đề xuất Bộ NN-PTNT cùng các địa phương có diện tích canh tác trái cây lớn kêu gọi đầu tư các trung tâm chiếu xạ tại khu vực phía Bắc.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, sản lượng trái cây cả nước trong quý II/2023 ước đạt trên 2,6 triệu tấn. Trong đó, vải thiều đạt 330.000 tấn, nhãn 110.000 tấn. Ngoài ra, hàng trăm nghìn tấn dứa, xoài, cam, thanh long cũng vào vụ thu hoạch. Nguồn cung trái cây dồi dào đang đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khi xuất khẩu ở nhiều thị trường giảm mạnh, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng hạn chế.

Vụ vải và nhãn năm 2023, kim ngạch xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại do thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc đã dỡ bỏ chính sách zero Covid, mở cửa trở lại, việc xúc tiến tiêu thụ sang các thị trường khác cũng được Bộ Công thương cùng các cơ quan, đơn vị liên quan, địa phương và doanh nghiệp tích cực thực hiện.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email