Thursday, May 16

Liên kết yếu, doanh nghiệp vẫn phải mua lúa gạo qua ‘cò’

Mô hình liên kết sản xuất lúa gạo với Tập đoàn Lộc Trời tại HTX Bình Thành, huyện Thoại Sơn, An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mô hình liên kết sản xuất lúa gạo với Tập đoàn Lộc Trời tại HTX Bình Thành, huyện Thoại Sơn, An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vừa qua, tại TP Long Xuyên, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT) phối hợp Sở NN-PTNT An Giang tổ chức hội thảo thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.

Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, tổng diện tích cả năm sản xuất lúa gạo của nước ta khoảng gần 4 triệu ha, cho ra sản lượng từ 24 – 25 triệu tấn/năm, riêng năm 2022, xuất khẩu 7,1 triệu tấn, trong đó ĐBSCL đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu, thị trường xuất khẩu chính như Philippines, Trung Quốc, Bờ Biển Ngà, EU, Nhật, Mỹ…

Hiện nay, các doanh nghiệp mua lúa của nông dân thường phải thông qua trung gian, thương lái và “cò lúa”. Tỷ lệ lúa tiêu thụ qua liên kết trong doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác vẫn chưa nhiều, từ đó gây khó khăn tiêu thụ lúa gạo trong dân. Chủ yếu doanh nghiệp liên kết khi có yêu cầu đặc biệt về chất lượng sản phẩm như hữu cơ, kiểm soát dư lượng trong hạt gạo, SRP, an toàn, GAP, GlobalGAP…

Hiện nay các doanh nghiệp mua lúa của nông dân thường phải thông qua trung gian, thương lái và 'cò lúa'. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay các doanh nghiệp mua lúa của nông dân thường phải thông qua trung gian, thương lái và “cò lúa”. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vì vậy, liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo hướng đến bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay là rất quan trọng. Trong đó, mối liên kết sản xuất cần đảm bảo các yếu tố như: Tiêu thụ sản phẩm ổn định; ổn định giá tiêu thụ sản phẩm, hạn chế được mùa ép giá; tạo điều kiện cho ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; xây dựng vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; nông dân sản xuất sản phẩm theo nhu cầu thị trường, theo đặt hàng của doanh nghiệp; áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm đồng đều…

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, cho biết: An Giang là một trong những tỉnh sản xuất và xuất khẩu lúa gạo trọng điểm của toàn vùng ĐBSCL và của cả nước. An Giang cũng là tỉnh tiên phong trong xây dựng cánh đồng lớn và hiện nay là các mối liên kết sản xuất – tiêu thụ lúa gạo cũng như các loại nông sản đạt hiệu quả cao, góp phần phát triển các ngành hàng chủ lực và tăng thu nhập cho người dân trồng lúa.

An Giang hiện có 209 HTX nông nghiệp và 22 liên hiệp HTX, trong đó 37 HTX và 2 liên hiệp HTX có nhân sự của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tham gia. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

An Giang hiện có 209 HTX nông nghiệp và 22 liên hiệp HTX, trong đó 37 HTX và 2 liên hiệp HTX có nhân sự của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tham gia. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Thọ, với nỗ lực tập trung tối đa các nguồn lực hỗ trợ sản xuất lúa gạo và liên kết theo chuỗi giá trị bền vững, đến nay, toàn tỉnh An Giang có 209 HTX nông nghiệp và 22 liên hiệp HTX, trong đó có 37 HTX và 2 liên hiệp HTX có sự nhân sự của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tham gia quản lý điều hành và liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, nếp với Tập đoàn Lộc Trời hàng năm. Riêng trong năm 2022, tỉnh có 63 HTX nông nghiệp, 2 liên hiệp HTX và 180 tổ hợp tác thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với các tổ chức, doanh nghiệp, diện tích liên kết khoảng 123 ngàn ha.

Từ năm 2021 – 2022, tổng diện tích thực hiện liên kết sản xuất lúa của An Giang là khoảng 206 ngàn ha, các doanh nghiệp chủ yếu là Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Angimex, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, Công ty TNHH Tân Thạnh An, Công ty TNHH An Thạnh, Công ty Cổ phần Quốc Tế Gia, Công ty TNHH Phước Thịnh…

Tại hội thảo, các HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp đã nêu những mặt còn tồn tại trong chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo như: Quy mô sản xuất của nông dân nhỏ, sản xuất rời rạc, chưa liên kết theo nhóm hoặc qua tổ chức đại diện HTX, tổ hợp tác để cùng sản xuất với diện tích lớn và sản phẩm đồng nhất.

Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn đề xuất thời gian tới, các tỉnh ĐBSCL cần xây dựng diễn đàn lúa gạo trên nền tảng số hóa để phục vụ HTX, tổ hợp tác. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn đề xuất thời gian tới, các tỉnh ĐBSCL cần xây dựng diễn đàn lúa gạo trên nền tảng số hóa để phục vụ HTX, tổ hợp tác. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng, giai đoạn phát triển nông nghiệp đến năm 2025 là nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Trong đó, số hóa phát triển nông nghiệp rất quan trọng, sẽ đóng góp cho nền nông nghiệp phát triển theo kỳ vọng.

Theo ông Quang, hiện nay trong nước có nhiều mô hình HTX nông nghiệp sản xuất kinh doanh trong ngành lúa gạo rất thành công, tuy nhiên lại thiếu thông tin chia sẻ những thành công để nhân rộng. Ông Quang đề xuất, để chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo bền vững, các HTX, tổ hợp tác ngày càng phải gần lại với nhau hơn, chia sẻ thông tin rộng rãi, liên kết trong sản xuất.

Thời gian tới, các tỉnh ĐBSCL cần xây dựng diễn đàn lúa gạo trên nền tảng số hóa để phục vụ HTX, tổ hợp tác như: Đào tạo trực tuyến cho các đối tượng của HTX, xây dựng cơ sở tài liệu phục vụ việc tự nghiên cứu, học tập; chia sẻ các bài học kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp nông thôn; phát triển HTX nông nghiệp, giới thiệu sản phẩm của các HTX nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại sản phẩm dịch vụ giữa các HTX; lưu trữ thông tin về tiến trình đào tạo cho HTX và cuối cùng là cung cấp thông tin cần thiết cho HTX.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email