Saturday, May 18

Liên kết theo chuỗi, đồng bào chuyển từ bán bò vàng theo con sang bán cân

Con bò vàng là vật nuôi đặc sản, thế mạnh của tỉnh Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Con bò vàng là vật nuôi đặc sản, thế mạnh của tỉnh Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Gia đình anh Lầu Mý Pó, thôn Khai Hoang Một, xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang chăn nuôi 6 con bò. Anh Pó cho biết, hiện nay người dân ở thôn của anh gặp 2 khó khăn đó là thị trường Trung Quốc thắt chặt, trong khi đó việc đi lại của bà con khó khăn, nên các hộ muốn bán bò thường phải bán giá rẻ hơn so với thị trường. Tư thương mua bò sẽ tìm được nhiều lý do để trả giá thấp. Như con bò mã không đẹp, bò già… người dân cần tiền nên vẫn phải bán.

Riêng gia đình anh có kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi, nên anh biết cách mang bò đến các chợ bò để bán. Nếu tại chợ bò không được giá anh liên hệ với các đầu mối, HTX thu mua ở thành phố Hà Giang và được giá cao và ổn định. Hiện nay, bò được các thương lái quen của anh thu mua với giá từ 75.000 đến 80.000 đồng/kg hơi, chứ không thu mua và trả giá theo con như nhiều tiểu thương đến thôn bản vẫn trả.

Thôn Sán Sì Lủng, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc hiện có khoảng 200 con bò. Chăn nuôi bò được người dân nơi đây phát triển nhiều năm nay. Nuôi bò ngoài dùng làm sức kéo trên nương, người nông dân còn coi như tích lũy vốn trong gia đình. Thế nhưng, mấy năm nay khi bò khó bán, người dân ở Sán Sì Lủng rất cần có sự kết nối với các doanh nghiệp, HTX đảm bảo con bò được bán đúng với giá trị trường.

Ông Vừ Mí Hờ, Trưởng thôn Sán Sì Lủng, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc cho biết, do ở trên núi cao lại ít có điều kiện tiếp xúc với thị trường nên thương lái trả giá bò bao nhiêu người dân thường bán bằng giá ấy hoặc cao hơn không đáng kể.

Riêng gia đình ông Hờ thường xuyên duy trì 6 con bò trong chuồng. Trước khi bán bò, ông luôn hỏi xin ý kiến tư vấn cán bộ thú y xã về giá thị trường, đảm bảo khi bán sẽ được đúng giá. Ông mong muốn chính quyền địa phương cũng như doanh nghiệp hỗ trợ người dân đẩy mạnh liên kết tiêu thụ con bò vàng cho người dân. Để khi con bò đến tuổi được bán người dân sẽ bán được với giá cao đúng với giá thị trường, như thế mới đỡ thiệt thòi cho bà con vùng cao.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Yên Minh, đến nay toàn huyện có hơn 21.000 con bò. Con bò là vật nuôi chủ yếu giúp tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống của nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện. Thúc đẩy phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa, huyện đã xây dựng các mô hình liên kết trong chăn nuôi, xây dựng các tổ, nhóm hợp tác để hình thành vùng sản phẩm hàng hóa.

Việc liên kết trong chăn nuôi là rất cần thiết giúp người nông dân tiếp cận tốt hơn với thị trường. Ảnh: Đào Thanh.

Việc liên kết trong chăn nuôi là rất cần thiết giúp người nông dân tiếp cận tốt hơn với thị trường. Ảnh: Đào Thanh.

Ồng Nguyễn Văn Chương, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Yên Minh cho biết, để con bò vàng được giá, trước hết người nông dân phải học cách tiếp cận thị trường, gắn với chăn nuôi tập trung. Đây thực sự là thách thức bởi trong thời gian ngắn không thể thay đổi được thói quen và phong tục tập quán vốn gắn bó lâu đời với bà con.

Đồng hành cùng người nông dân, huyện Yên Minh đã chủ động liên kết, kết nối tiêu thụ nông sản, gia súc cho bà con; vận động người dân tham gia các tổ, nhóm hợp tác để cùng phát triển, cùng nâng cao giá trị của đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, huyện cũng vận đồng người dân chú trọng cải thiện công tác thú y trong chăn nuôi gắn với vệ sinh môi trường.

Mở rộng thị trường cho người chăn nuôi, tỉnh Hà Giang đang tập trung phát triển 3 chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi gồm: Chuỗi giá trị sản phẩm bò vàng, lợn đen địa phương và chuỗi giá trị sản phẩm mật ong bạc hà. Trong đó, chuỗi giá trị sản phẩm bò vàng tập trung ở 4 huyện vùng cao nguyên đá với tổng đàn bò tính đến cuối năm 2022 là khoảng hơn 110.000 con.

Anh Thượng Thái Cát, Giám đốc HTX Cát Lý, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang cho biết, hiện nay HTX đang triển khai chương trình liên kết chăn nuôi theo hình thức đầu tư có thu hồi. HTX đã trao 50 con bò cho các hộ dân có đủ điều kiện về nhân lực, diện tích trồng cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn.

Trong quá trình nuôi, HTX sẽ phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho người dân. Sau thời gian 3 tháng, HTX sẽ mua lại bò, với giá từ 70.000 – 100.000 đồng/kg sau khi trừ trọng lượng ban đầu. Mô hình liên kết này vừa đảm bảo đầu ra ổn định cho người chăn nuôi, đồng thời giúp HTX có nguồn cung thịt bò chất lượng, ổn định cho thị trường.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email