Saturday, May 18

Liên kết chuỗi giá trị lúa gạo giúp nông dân chủ động

Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trò chuyện với ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, An Giang là một trong những tỉnh sản xuất và xuất khẩu lúa, gạo trọng điểm của toàn vùng ĐBSCL và cả nước. An Giang cũng là tỉnh tiên phong trong xây dựng cánh đồng lớn và hiện nay là các mối liên kết sản xuất – tiêu thụ lúa gạo cũng như các loại nông sản khác đã góp phần phát triển ngành hàng chủ lực và tăng thu nhập cho người dân trồng lúa ra sao?

Có thể nói thời gian qua, việc phát triển các loại hình kinh tế tập thể, HTX liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị các ngành hàng nông nghiệp chủ lực, trong đó lúa gạo dành được sự quan tâm hàng đầu của Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang. An Giang đã tập trung triển khai các nhiệm vụ về phát triển HTX, tổ hợp tác gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ lâu dài, bền vững. Song song đó từng bước khuyến khích, tạo động lực cho nhà đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, hướng đến sản xuất theo thị trường đơn đặt hàng.

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Từ đó ngành nông nghiệp An Giang đã chủ động cùng các đơn vị liên quan phối hợp triển khai, ký kết các chương trình phối hợp liên ngành với Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh, Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh An Giang. Đây được xem là một trong những nội dung được quan tâm trong công tác phối hợp là xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững tại địa phương. Đồng thời, để đẩy mạnh phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết, phát huy được tiềm năng thế mạnh địa phương.

Mặt khác, để đảm bảo công tác tuyên truyền về chính sách liên kết và tiêu thụ được thông suốt, Sở NN-PTNT đã chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan và UBND cấp huyện triển khai thực hiện các lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền về chính sách liên kết sản xuất cho các đối tượng là hộ nông dân, tổ hợp tác, HTX và các doanh nghiệp. Thông qua các hình thức như pano, sổ tay, tờ bướm, sổ tay hướng dẫn chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Với sự nỗ lực tập trung tối đa các nguồn lực hỗ trợ sản xuất lúa gạo và liên kết theo chuỗi giá trị bền vững. Trong quá trình thực hiện An Giang đã mang lại kết quả như thế nào?

Tính đến nay, toàn tỉnh có 209 HTX nông nghiệp, 2 liên hiệp HTX, trong đó có 37 HTX nông nghiệp và 2 liên hiệp HTX có nhân sự của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tham gia quản lý điều hành và liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, nếp với Tập đoàn Lộc Trời hàng năm. Trong năm 2022, tỉnh có 63 HTX, 2 liên hiệp HTX và 180 tổ hợp tác thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với các tổ chức, doanh nghiệp, diện tích liên kết khoảng 123.089 ha. Từ năm 2021-2022, tổng diện tích thực hiện liên kết với khoảng 206.000 ha, các doanh nghiệp chủ yếu là Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Angimex, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, Công ty TNHH Tân Thạnh An, Công ty TNHH An Thạnh, Công ty CP Quốc Tế Gia, Công ty TNHH Phước Thịnh…

An Giang đẩy mạnh phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết, phát huy được tiềm năng thế mạnh địa phương. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

An Giang đẩy mạnh phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết, phát huy được tiềm năng thế mạnh địa phương. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Về phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao trong thực hiện mô hình: “Mặt ruộng không dấu chân” (mô hình canh tác lúa an toàn liên kết sản xuất và tiêu thụ của HTX Bình Thành, huyện Thoại Sơn với Tập đoàn Lộc Trời) và được Công ty cam kết mức lợi nhuận tối thiểu từ 40 triệu đồng/ha/năm và được bao tiêu đầu ra.

Thực hiện sản xuất lúa gắn với ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa từ đầu vụ đến cuối vụ giúp tiết kiệm lượng giống sử dụng, giảm lượng phân bón và thuốc hóa học, giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất so với truyền thống từ 20 – 30%, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu đúng theo tinh thần Quyết định 854/QĐTTg ngày 19/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của HTX nông nghiệp vùng ĐBSCL, giai đoạn 2021 – 2025.

Song song đó, vừa kết hợp phát triển mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, vừa tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp bỏ đi. Mô hình sản xuất phân hữu cơ từ rơm rạ của HTX Phú Thạnh được hình thành và bước đầu mang lại hiệu quả cao.

Tiếp nhận sự đầu tư hỗ trợ trang thiết bị của Dự án “Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh” (máy trộn phân hữu cơ), HTX Phú Thạnh mở rộng thêm dịch vụ sản xuất phân hữu cơ từ phế phẩm rơm rạ sau thu hoạch lúa để tạo ra giá trị tăng thêm trong chuỗi sản xuất như: thu mua rơm, hợp đồng mua bán với các hộ trồng nấm rơm trên địa bàn, đến thực hiện quy trình kỹ thuật xử lý ủ, trộn rơm rạ (sau khi trồng nấm) tạo ra sản phẩm mới là phân hữu cơ an toàn cho cây trồng, cung cấp ra thị trường. Từ đó giúp tăng hiệu quả kinh tế cho thành viên HTX và góp phần giảm tác động xấu đến môi trường (phát thải, ô nhiễm môi trường).

Trong năm 2022, tỉnh có 63 HTX, 2 liên hiệp HTX và 180 tổ hợp tác thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với các tổ chức, doanh nghiệp, diện tích liên kết khoảng 123.089 ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong năm 2022, tỉnh có 63 HTX, 2 liên hiệp HTX và 180 tổ hợp tác thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với các tổ chức, doanh nghiệp, diện tích liên kết khoảng 123.089 ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đây là hoạt động mới ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn, sử dụng tối đa các tài nguyên trong thích ứng với biến đổi khí hậu, và hiện nay đang trong giai đoạn thí điểm, đánh giá hiệu quả để có thể hoàn thiện và nhân rộng. Bên cạnh đó địa phương còn thực hiện hiệu quả các biên bản ghi nhớ, ký thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh và doanh nghiệp, với mục tiêu hàng đầu nhằm hỗ trợ tạo điều kiện để người dân tham gia các HTX để kết nối, liên kết sản xuất và tiêu thụ với nhiều doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài tỉnh.

Từng bước hình thành quan hệ hợp tác sản xuất, mua bán theo đơn đặt hàng của đối tác, với giá bán cam kết rõ ràng ngay từ đầu. Nông dân thực hiện mua chung – bán chung, được mua vật tư nông nghiệp với giá cả hợp lý, được nợ cuối vụ, chất lượng vật tư được bảo đảm, sản phẩm được hỗ trợ bao tiêu đầu ra.

Từ thực tiễn triển khai chính sách hỗ trợ liên kết chuỗi giá trị lúa gạo với xúc tác chính là HTX, vậy An Giang có những thuận lợi gì trong quá trình thực hiện?

Trong việc gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua tổ chức đại diện nông dân để phát huy vai trò và mối liên kết sản xuất giữa các bên. Từ đó nhận thức, tư duy, trình độ của bộ máy quản lý, điều hành của HTX ngày càng được cải thiện, nhiều HTX bắt đầu quan tâm chuyển sang sản xuất nông nghiệp tập trung, đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị liên kết với doanh nghiệp từ sản xuất đến bao tiêu đầu ra, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường.

An Giang từng bước hình thành quan hệ hợp tác sản xuất, mua bán theo đơn đặt hàng của đối tác, với giá bán cam kết rõ ràng ngay từ đầu. Nông dân thực hiện mua chung - bán chung. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

An Giang từng bước hình thành quan hệ hợp tác sản xuất, mua bán theo đơn đặt hàng của đối tác, với giá bán cam kết rõ ràng ngay từ đầu. Nông dân thực hiện mua chung – bán chung. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Việc tuyên truyền chính sách về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang phần nào đã thúc đẩy được mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, song song đó cũng là động lực khuyến khích để duy trì bền vững hơn. Hiện có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến chất lượng sản phẩm nên đã đầu tư vào sản xuất.

Xin cảm ơn ông!

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email