Sunday, May 5

Kiến nghị cho nông dân, doanh nghiệp vay vốn thông qua hợp đồng liên kết

Lúa gạo, thủy sản và trái cây được ưu tiên tín dụng

Ngày 20/9 tại An Giang, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Sở NN-PTNT An Giang tổ chức hội nghị thúc đẩy tín dụng và bảo hiểm nông nghiệp theo chuỗi liên kết trong vùng nguyên liệu lúa gạo và trái cây ĐBSCL.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho rằng, vai trò của tín dụng trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp rất quan trọng của nước ta, trong đó nông dân, HTX thường rơi vào cảnh thiếu vốn để phục vụ sản xuất. Trong khi các mô hình tín dụng truyền thống (dựa trên thế chấp tài sản) ít phù hợp với nông dân, HTX quy mô sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay sẽ khó tiếp cận được vốn tín dụng từ các ngân hàng.

ĐBSCL có ngành hàng lúa gạo, trái cây, thủy sản luôn được ngành ngân hàng ưu tiên đầu tư vốn tín dụng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

ĐBSCL có ngành hàng lúa gạo, trái cây, thủy sản luôn được ngành ngân hàng ưu tiên đầu tư vốn tín dụng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vì vậy cần có chiến lược hợp tác chặt chẽ giữa ngân hàng, doanh nghiệp chế biến và HTX để đảm bảo tín dụng nhằm tạo ra tăng trưởng và giá trị gia tăng trong chuỗi. Từ đó giúp lợi ích các bên tăng lên, đó cũng chính là mấu chốt để liên kết, hợp tác bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp một cách lâu dài.

ĐBSCL có ngành hàng lúa gạo, trái cây, thủy sản luôn được các ngân hàng ưu tiên đầu tư vốn tín dụng nhằm thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông sản. Cơ chế, chính sách tín dụng không ngừng được hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu vốn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung, ngành lúa gạo, trái cây, thủy sản nói riêng thông qua chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Tại hội nghị, đại diện Agribank cho biết, Agribank luôn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế đất nước, giữ vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển “tam nông” với tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong các năm qua luôn chiếm khoảng 70% tổng dư nợ cho vay. Vốn tín dụng Agribank đã phủ kín đến 100% số xã trên cả nước, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, Agribank có hơn 3 triệu khách hàng là hộ gia đình, cá nhân với tổng dư nợ gần 1 triệu tỷ đồng. Agribank xác định khu vực ĐBSCL là một trong những khu vực phát triển kinh tế trọng điểm, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Những năm qua, Agribank đã tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong ngành lúa gạo, sản xuất trồng trọt phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Tính đến 31/8/2023, tổng dư nợ cho vay của Agribank đạt 1.477 ngàn tỷ đồng, tăng 34 ngàn tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay của khu vực ĐBSCL đạt 232 ngàn tỷ đồng, chiếm 16% tổng dư nợ của Agribank, tăng 12 ngàn tỷ đồng so với năm 2022. Trong đó, tín dụng lĩnh vực lúa gạo chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng dư nợ cho vay toàn khu vực. Tổng dư nợ lĩnh vực lúa gạo của Agribank là 58 ngàn tỷ đồng, riêng ĐBSCL dư nợ cho vay lĩnh vực lúa gạo đạt hơn 27 ngàn tỷ đồng với gần 33 ngàn khách hàng.

Về cây trồng, tổng dư nợ cho vay 21.665 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,5% dư nợ toàn hệ thống. Dư nợ cho vay cây ăn trái tập trung chủ yếu ở khu vực Tây Nam bộ với dư nợ 8.016 tỷ đồng.

Trên cơ sở bám sát định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và diễn biến thị trường, thời gian qua, Agribank đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp kinh doanh, chủ động giảm lãi suất huy động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó còn ban hành nhiều chính sách, sản phẩm nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là khách hàng kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản, lúa gạo.

Tín dụng lĩnh vực lúa gạo chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng dư nợ cho vay của Agribank toàn khu vực ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tín dụng lĩnh vực lúa gạo chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng dư nợ cho vay của Agribank toàn khu vực ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngoài triển khai các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Agribank đã thực hiện giảm lãi suất và triển khai các chương trình ưu đãi. Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, Agribank đã 7 lần giảm sàn lãi suất cho vay với đối tượng thông thường, lãi suất sàn cho vay ngắn hạn giảm từ 1,3 – 4%/năm tùy từng lĩnh vực, sàn lãi suất cho vay trung và dài hạn giảm từ 0,3 – 1,5%/năm.

Về giải pháp triển khai bảo hiểm nông nghiệp phục vụ đề án phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo và trái cây ĐBSCL, Agribank sẽ giữ vai trò tư vấn, hỗ trợ các đối tượng tham gia thuộc đề án về chính sách tín dụng, quy trình vay vốn và lập dự án, phương án vay khi có nhu cầu. Trên cơ sở vốn tín dụng từ Agribank, Bảo hiểm Agribank sẽ phối hợp cung cấp các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp bảo vệ rủi ro cho pháp nhân, cá nhân tham gia bằng các sản phẩm với chính sách ưu đãi về tỷ lệ phí và phạm vi bảo hiểm.

Nên cho nông dân vay thông qua hợp đồng liên kết

Tại hội nghị, các hiệp hội, doanh nghiệp, HTX và nông dân đã phản ánh khó khăn đang phải đối mặt, những vướng mắc trong quan hệ tín dụng với các tổ chức tín dụng để cùng nhau tháo gỡ. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp, HTX đề xuất ngân hàng cần có cơ chế, định mức vay thông thoáng hơn như tăng thời hạn và định mức vay cho các doanh nghiệp có nhu cầu và đang sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Ông Võ Văn Vang, Giám đốc vùng An Giang (Công ty Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời) cho biết, hiện nay nguồn vốn vay của ngân hàng đang bị “thắt cổ chai” ở các doanh nghiệp, vì vậy ngân hàng cần có chính sách cho nông dân vay vốn trên cơ sở các hợp đồng cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp thông qua việc cho vay về giống, vật tư nông nghiệp chứ không nhất thiết phát vay bằng tiền mặt.

“Thời gian tới, chúng tôi đang có những đơn hàng lớn nên rất cần các ngân hàng có chính sách tăng định mức vốn tín dụng. Đồng thời tăng thời gian phát vay từ 6 tháng hiện nay lên 12 tháng hoặc 18 tháng để doanh nghiệp có điều kiện đầu tư cho nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản”, ông Vang đề nghị.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp, HTX đề xuất ngân hàng cần có cơ chế, định mức vay thông thoáng hơn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp, HTX đề xuất ngân hàng cần có cơ chế, định mức vay thông thoáng hơn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Vang cũng đưa ra một số đề xuất cấp tín dụng cho nông dân ở ĐBSCL cho 1 vụ lúa khoảng 30 – 40 ngàn tỷ đồng, thời hạn cho vay là 4 tháng; cho doanh nghiệp vay vốn từ 60 – 80 ngàn tỷ đồng, thời hạn cấp theo thị trường tiêu thụ. Đối với nông dân, ngân hàng cần cho vay trên cơ sở chứng minh thế chấp bằng hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, tín dụng cấp thông qua hàng hóa là giống, phân, thuốc để tránh sử dụng sai mục đích vay, thời hạn vay là 123 ngày, cấp tín dụng qua tài khoản cá nhân và thu tiền qua tài khoản bán lúa.

Đối với việc cấp tín dụng cho doanh nghiệp trong chuỗi liên kết nông nghiệp, cần thế chấp bằng hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tín dụng cấp thông qua hàng hóa khi đầu tư cho nông dân từ 20 – 25 triệu đồng/ha, tín dụng cấp bằng tiền khi mua lúa hàng hóa của nông dân với mức 15 triệu đồng/ha.

Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp chất lượng cao Trung An, hiện doanh nghiệp lúa gạo của Trung An hoạt động không thiếu vốn. Nguồn vốn hoạt động của doanh nghiệp hiện đã được các ngân hàng cho vay đảm bảo hoạt động tốt, thậm chí một số doanh nghiệp kinh doanh hiện tại còn thừa vốn vì sản xuất khó khăn.

“Thiếu vốn hiện nay là thiếu vốn để phát triển chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo. Vì vậy, rất mong muốn các ngân hàng cần có tư duy mới đầu tư cho vay để phát triển theo chuỗi giá trị cho 3 ngành hàng chủ lực của ĐBSCL là lúa gạo, trái cây và thủy sản thì cả khu vực ĐBSCL mới phát triển”, ông Phạm Thái Bình đề nghị.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email