Friday, April 26

Không để cá lồng bè chết trắng theo nước lũ

Không để cá chết trắng, tiền tỷ trôi sông

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 8 khu vực nuôi thủy sản lồng bè, gồm: hồ Trị An; sông Đồng Nai (địa phận TP Biên Hòa, huyện Tân Phú, Định Quán); khu vực rừng ngập mặn trên địa bàn huyện Long Thành và Nhơn Trạch. Tổng số bè nuôi hiện nay là 618 bè và 1.236 lồng. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại khu vực hồ Trị An.

Mực nước xuống quá thấp hoặc dâng quá nhanh cũng là nguyên nhân khiến tình trạng cá lồng bè ở đây ngộp thở, chết trắng. Đây là tình trạng xảy ra phổ biến trong nhiều năm liên tiếp đối với các hộ nuôi cá lồng bè. Số liệu thống kê từ năm 2019 – 2021, lượng cá lồng bè chết tại Đồng Nai do tác động của thiên tai là 11.000 tấn.

Cá lồng bè tại khu vực sông La Ngà ngộp thở, chết trắng hồi tháng 5/2020 do nước lũ lên quá nhanh. Ảnh: Trần Trung.

Cá lồng bè tại khu vực sông La Ngà ngộp thở, chết trắng hồi tháng 5/2020 do nước lũ lên quá nhanh. Ảnh: Trần Trung.

Tại sông La Ngà, người nuôi cá lồng bè đang khẩn trương di dời vào khu vực an toàn khi mực nước hồ rút quá nhanh và mùa mưa bão đang cận kề. Điều này nhằm hạn chế tình trạng cá chết hàng loạt.

Nhớ lại thảm cảnh giữa tháng 5/2018, ông Trần Quyết Hùng (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) cho biết, cá bè nuôi tại đây chết trắng cả một khúc sông dài gần 5km.

“Nhà nhà nuôi cá đều chết, nổi trắng, hôi thối nồng nặc. Nước lũ về quá nhanh, chúng tôi không kịp làm gì cả. Cá đến độ thu hoạch nhưng không kịp bán, cá chết cũng chỉ đành bán cho thương lái làm phân bón hoặc thức ăn chăn nuôi với giá rẻ mạt”, ông Hùng chia sẻ.

Lượng nước trên sông La Ngà cuối tháng 5/2023 vẫn cạn ở mức báo động, đe dọa đến hàng trăm hộ nuôi cá lồng bè tại đây. Ảnh: Lê Bình.

Lượng nước trên sông La Ngà cuối tháng 5/2023 vẫn cạn ở mức báo động, đe dọa đến hàng trăm hộ nuôi cá lồng bè tại đây. Ảnh: Lê Bình.

Đến hẹn lại lên, liên tiếp các năm từ 2018 – 2021, cá liên tục chết nổi trắng tại sông La Ngà mỗi độ nước lũ về. Nhiều người nuôi cá mất trắng, có người vỡ nợ lên bờ đi làm thuê!

Lý giải về hiện tượng này, ông Châu Thanh An – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai cho biết, nguyên nhân được xác định là do sự xuất hiện mưa lớn, nước mưa đã kéo rác thải hữu cơ từ thượng nguồn đổ xuống khu vực nuôi cá lồng bè làm thay đổi môi trường đột ngột khiến cá chết.

“Mực nước tại sông La Ngà rút xuống thấp làm thu hẹp không gian sống của cá nuôi; nước sông bị ô nhiễm hữu cơ. Nước lũ tăng cao đột ngột cũng làm cá sặc phù sa, thay đổi môi trường đột ngột. Ngoài ra, nguyên nhân gây rủi ro cá chết còn do người nuôi thả cá với mật độ dày; sử dụng thức ăn tươi sống hoặc thức ăn tự chế biến còn phổ biến gây ra ô nhiễm môi trường nước”, ông An phân tích.

Nỗ lực để bà con an tâm sản xuất

Nhằm tránh thiệt hại cho các hộ nuôi cá lồng bè, tỉnh Đồng Nai đã triển khai đề án Quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An với 7 khu vực nuôi trồng. Mục tiêu của đề án là di dời các bè nuôi cá trên hồ Trị An vào các vùng quy hoạch nhằm phát triển nuôi thủy sản lồng nói chung và phòng chống thiệt hại trong mùa mưa bão nói riêng.

Cán bộ của Chi cục Thủy sản Đồng Nai thực hiện quan trắc, giám sát môi trường nước để kịp thời thông báo, khuyến cáo, hướng dẫn người nuôi cá khi có những dấu hiệu bất thường. Ảnh: Trần Trung.

Cán bộ của Chi cục Thủy sản Đồng Nai thực hiện quan trắc, giám sát môi trường nước để kịp thời thông báo, khuyến cáo, hướng dẫn người nuôi cá khi có những dấu hiệu bất thường. Ảnh: Trần Trung.

Từ giữa tháng 4/2023, huyện Định Quán đã chỉ đạo các ngành có liên quan phối hợp với Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai thực hiện tuyên truyền, vận động đối với các hộ thực hiện di dời ra các vùng nuôi để đảm bảo phát triển kinh tế.

Lồng bè nuôi cá diêu hồng của anh Nhì Anh (ấp 1, xã La Ngà, huyện Định Quán) đang vào vụ thu hoạch cuối để kịp nhổ neo, di dời đến vùng nuôi an toàn. Hiện Đồng Nai vẫn đang trong mùa khô, cộng với mực nước lòng hồ Trị An xuống thấp, gây ảnh hưởng rất lớn đối với các hộ đang nuôi cá lồng bè tại khu vực buộc phải di dời.

“Bên khu bảo tồn, xã La Ngà và tỉnh cũng xuống vận động bà con để mình di dời lồng bè đi. Cá mình đang chờ xuất bán nên vẫn neo đậu ở đây, khi nào bán được thì dời bè xuống ngã ba dưới. Nói chung nuôi cá bè thì cũng canh thời điểm lúc nước xuống hay lũ để né vụ, nhưng cá nhỏ cũng đỡ hơn cá lớn. Cá lớn thì nó bị tình trạng cháy mình và chết”, anh Nhì Anh chia sẻ.

Còn gia đình ông Nguyễn Trung Hậu – chủ hộ nuôi cá bè trên sông La Ngà đã thực hiện việc di dời bè cá khỏi khu vực gần cầu La Ngà. Ông Hậu cho biết, như mọi năm, vào mùa mưa bão, gia đình ông sẽ chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên liệu, máy móc, thiết bị phục vụ công tác phòng tránh, khắc phục hậu quả do thiên tai.

“Chúng tôi gia cố công trình, bè, lồng nuôi, công trình phụ trợ có khả năng chịu ảnh hưởng của bão gió, mưa lũ. Nếu dự báo thời tiết có bão lớn, chúng tôi sẽ khẩn trương thu hoạch thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm, di dời lồng, bè nuôi đến nơi tránh trú an toàn. Đồng thời sơ tán lao động về nơi tránh trú, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người do thiên tai”, ông Hậu chia sẻ.

Nhờ di chuyển vào đúng vùng quy hoạch, nhiều hộ nuôi cá lồng bè an tâm sản xuất, ít bị thiệt hại do con nước thất thường gây ra. Ảnh: Lê Bình.

Nhờ di chuyển vào đúng vùng quy hoạch, nhiều hộ nuôi cá lồng bè an tâm sản xuất, ít bị thiệt hại do con nước thất thường gây ra. Ảnh: Lê Bình.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán – ông Ngô Tấn Tài cho biết, hiện đa số các hộ nuôi cá bè ở khu vực cầu La Ngà đã di dời bè nuôi đến khu vực an toàn trên hồ Trị An. Nhiều hộ nuôi cá bè, cá đến lứa cũng chủ động thu hoạch và bán cho thương lái sớm hơn thời điểm mọi năm để tránh rủi ro cá chết trong giai đoạn giao mùa.

“Hiện khu vực này chỉ còn các hộ dân sống trên bè làm nghề đánh bắt thủy sản và khoảng 30 hộ nuôi cá bè nhưng đều đã xuất bán cá. Họ cũng đã ký cam kết không thả lứa cá giống mới trong thời điểm hiện nay. Bản thân người nuôi cá bè cũng chủ động phòng tránh”, ông Tài chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó Phòng NN-PTNT huyện Định Quán, hiện tại, khu vực này có hơn 210 hộ đang nuôi cá bè, trong đó có 168 hộ nuôi với hàng trăm lồng bè và gần 9 triệu con cá tại những vị trí không phù hợp. Chính quyền huyện Định Quán đã thông báo chủ trương di dời đến tất cả các hộ nuôi cá bè trên sông La Ngà, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ di dời đến địa điểm nuôi theo quy hoạch. Nhiều hộ dân đồng tình với chủ trương trên và đã bắt đầu thực hiện di dời.

Với những hộ không tự nguyện di dời, cơ quan chức năng buộc phải có hình thức cưỡng chế. Hiện mực nước hồ Trị An đang xuống thấp, thời tiết giao mùa có nhiều thay đổi, các hộ nuôi cá bè trên sông La Ngà nếu không sớm di dời sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, khả năng xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho người dân và gây ô nhiễm môi trường.

Là đơn vị thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Sở NN-PTNT, định kỳ hàng tháng, cán bộ của Chi cục Thủy sản Đồng Nai đều quan trắc, giám sát môi trường nước nuôi trồng thủy sản khu vực nuôi cá lồng bè để kịp thời thông báo, khuyến cáo, hướng dẫn người nuôi thực hiện các giải pháp phòng tránh khi có sự biến động của môi trường nước.

“Chúng tôi cũng phối hợp với các đơn vị, HTX đi từng hộ chăn nuôi khuyến khích các hộ nuôi thu hoạch thủy sản khi đạt kích cỡ thương phẩm trước mùa mưa lũ, không thả giống trước, trong những tháng cao điểm mùa mưa, bão”, ông Châu Thanh An – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Nai cho biết.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email