Friday, April 26

Khởi nghiệp xanh kiến tạo những doanh nông trẻ

Tọa đàm 'Khởi nghiệp xanh hành trình 10 năm kiến tạo những doanh nông trẻ'. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tọa đàm “Khởi nghiệp xanh hành trình 10 năm kiến tạo những doanh nông trẻ”. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hệ sinh thái khởi nghiệp hạnh phúc

Tại buổi tọa đàm “Khởi nghiệp xanh hành trình 10 năm kiến tạo những doanh nông trẻ” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức chiều 31/5, nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thành công đã chia sẻ những câu chuyện thú vị xoay quanh hành trình khởi nghiệp với nghề nông từ các tài nguyên bản địa.

Họ là những người đạt giải cao trong cuộc thi dự án khởi nghiệp của BSA tổ chức như bạn trẻ Lê Minh Vương (Ninh Thuận), người đạt giải Nhì cuộc thi lần 1 năm 2015 với mô hình nuôi trùn quế; hay như Phạm Đình Ngãi (Trà Vinh) đã giải Nhất cuộc thi năm 2020, với sản phẩm mật, đường… từ hoa dừa đạt chuẩn ISO, HCCAP, chuẩn hữu cơ quốc tế; hay như bạn trẻ Đoàn Hồng Thắm (Cần Thơ) đạt giải Nhì cuộc thi khởi nghiệp năm 2022 với các sản phẩm dược trà; bạn trẻ Trần Đăng Đạt với các sản phẩm bơ đậu phộng.

Để có được những thành quả của ngày hôm nay, các bạn trẻ khởi nghiệp đã trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc, hạnh phúc có, đắng cay có, thậm chí có người còn từng bị lửa thiêu cháy hết nhà xưởng, nhưng họ vẫn kiên trì, đứng lên và vững trãi trong suốt hành trình khởi nghiệp của chính mình, vì chính quê hương mình, và vì một nền nông nghiệp xanh, bền vững với những sản phẩm chất lượng, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Vinamit cho biết, ngày xưa khi nói tới nghề nông người ta cho rằng đó là nghề nghèo nàn vất vả, còn nói đến “doanh nông” thì quá là xa xỉ rồi. Nói “doanh nông” ngày xưa thì không ai có thể nghĩ đến chuyện sang trọng, quý phái. Nhưng ngày hôm nay cách nhìn nhận này đã được đảo chiều.

“Ngày hôm nay chúng ta ngồi đây có thể tự hào, chúng ta là những doanh nông thực sự. Doanh nông khác với các doanh nhân khởi nghiệp khác như thế nào. Khác bởi trên khuôn mặt của các doanh nông trẻ trong chương trình khởi nghiệp của BSA luôn tỏa ra một sự khát vọng mãnh liệt và họ khát khao nâng cao giá trị của quê hương, bản địa của họ.

Các bạn trẻ ngày hôm nay khác nhiều so với các bạn ngày xưa khởi nghiệp. Bởi các bạn trẻ khởi nghiệp ngày nay có đủ kiến thức, kỹ năng quản trị và khả năng thích ứng, thích nghi với mọi hoàn cảnh. Đó là điều mà có lẽ chỉ các doanh nông mới có”, ông Lâm Viên nói.

Theo bà Nguyễn Cẩm Chi, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Hỗ trợ Phát triển Thanh niên (FYE), những gì BSA làm được trong 10 năm qua không phải chỉ tổ chức các cuộc thi, mà còn tạo ra các cơ hội để các bạn trẻ trải nghiệm và hoàn thiện doanh nghiệp của mình.

Bà Chi cho biết thêm, từ năm nay, Quỹ hỗ trợ Phát triển Thanh niên sẽ hỗ trợ thêm các bạn trẻ khởi nghiệp xuất khẩu.

Hoạt động với mục tiêu trọng tâm là hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và lập nghiệp thành công, xây dựng cộng đồng tài năng trẻ khởi nghiệp, là mạng lưới để các doanh nghiệp trẻ, các bạn thanh niên trao đổi kinh nghiệm khởi sự kinh doanh, lập nghiệp, kết nối với nhau xây dựng chuỗi giá trị liên kết vững mạnh, đến nay Chương trình Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo do BSA sáng lập và vận hành đã bước qua năm thứ 10.

Bền bỉ 10 năm qua, chương trình “Khởi nghiệp xanh” đã có gần 400 lớp tập huấn với khoảng 30.000 lượt thành viên tham dự cùng hơn 50 lượt chuyên gia tham gia chia sẻ, hướng dẫn.

Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh là một trong những hoạt động trọng tâm của chương trình khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp. Trong 9 năm qua, đã có khoảng 1.000 chủ dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp trên khắp cả nước tham gia, trở thành một hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp rộng khắp, năng động, sáng tạo sản xuất ra những sản phẩm mới từ tài nguyên bản địa, sản vật quê hương.

Theo bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm BSA, thông qua cuộc thi Dự án khởi nghiệp Xanh đã hình thành được hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp với cả ngàn bạn trẻ khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa.

Đây chính là lớp doanh nông trẻ tiêu biểu trong cả nước, với đam mê cháy bỏng làm giàu từ nguồn tài nguyên, đặc sản bản địa. Nhiều “doanh nông” trẻ đã xuất khẩu chính ngạch qua các thị trường lớn của Châu Âu, Mỹ và khu vực như Kim Hằng Yeshue, Ngọc Hương với các loại bột rau, Phạm Đình Ngãi với Mật hoa dừa Sokfarm, Khánh Hà Ohuga với mì, nui; hạt điều Gia Bảo… Nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao, sản phẩm được chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, sản phẩm tiêu biểu nông thôn cấp tỉnh, thành…

Ngoài việc để các bạn trẻ thường xuyên có không gian bán hàng ở Phiên chợ Xanh – Tử tế vào hai ngày cuối tuần, chúng tôi cũng khuyến khích các dự án tham gia chương trình của các hệ thống siêu thị quốc tế ở Việt Nam, đặc biệt là chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ phối hợp với Central Group tham gia Tuần hàng Việt Nam tại Thái từ 2017 đến nay, hay đưa hàng vào hệ thống Gigamall, Uniqlo…”, bà Kim Anh thông tin.

Bạn trẻ Lê Minh Vương (Ninh Thuận) đạt giải Nhì cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 1 năm 2015 với nuôi sản phẩm trùn quế và quyết định tham gia cuộc thi năm 2023 với Dự án nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng GC PLUS. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bạn trẻ Lê Minh Vương (Ninh Thuận) đạt giải Nhì cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 1 năm 2015 với nuôi sản phẩm trùn quế và quyết định tham gia cuộc thi năm 2023 với Dự án nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng GC PLUS. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phát động cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh lần thứ 9/2023

Cũng tại buổi toạ đàm, bà Vũ Kim Anh đã phát động cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh lần thứ 9/2023. Đối tượng dự thi là các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, HTX thuộc các ngành nghề nông đặc sản chế biến, thực phẩm chế biến; các nhóm nghiên cứu phát triển sản phẩm và đổi mới mô hình kinh doanh nông sản trong các doanh nghiệp, các mô hình thực hành kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; các dự án này phải có yếu tố mới, phát triển so với dự án đã tham gia các kỳ thi trước… và có thời gian hoạt động trên 1 năm.

Đặc biệt, các dự án tham gia thi phải thể hiện được mục đích, lý do thực hiện dự án, quy trình phương thức thực hiện sáng tạo, thực tế phù hợp với mục tiêu phát triển phải bền vững; Có tính hỗ trợ, tác động đến cộng đồng cao, chú ý đến lợi ích chung. Dự án trên cơ sở ứng dụng tài nguyên bản địa có tính tăng trưởng bền vững, có ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh sinh lợi nhuận, cách thức thực hiện và tính khả thi cao… Thời gian triển khai cuộc thi từ tháng 5/2023 đến cuối tháng 10/2023.

Làm nông nghiệp là gieo trồng cho tương lai

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá, hành trình 10 năm, hệ sinh thái BSA đã mang hạnh phúc, tiếp thêm nguồn năng lượng, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ khởi nghiệp trên mọi nẻo đường đất nước, từ vùng miền núi phía Bắc, đến miền Trung Tây Nguyên hay những làng quê ở ĐBSCL.

Hệ sinh thái BSA đã nỗ lực, đào tạo ra một thế hệ những bạn trẻ khởi nghiệp và chứng minh được rằng, sức trẻ của đất nước này, nếu được sự chăm sóc, vun trồng, hỗ trợ thì sẽ trở thành một nguồn lực vô cùng quý giá trong tương lai.

Hai cuốn sách 'Thay tư duy, đổi cuộc đời', 'Hạnh phúc tại tâm' được Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi tới, tặng các bạn trẻ khởi nghiệp.

Hai cuốn sách “Thay tư duy, đổi cuộc đời”, “Hạnh phúc tại tâm” được Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi tới, tặng các bạn trẻ khởi nghiệp.

“Làm nông nghiệp nghĩa là gieo trồng, gieo trồng ở đây không phải chỉ là trồng cây, gieo trồng đất, mà nó còn là gieo trồng người, gieo trồng tâm hồn, gieo trồng cho tương lai. Hôm nay, chúng ta có những bạn trẻ chập chững bước chân vào con đường khởi nghiệp thì 5-10 năm sau sẽ có những thế hệ doanh nhân cho đất nước.

Hệ sinh thái BSA đã quy tụ được nguồn lực lớn và thông qua BSA tôi hoàn toàn tin vào sức mạnh của xã hội vô cùng lớn lao và mọi người đều có thể đóng góp cho đất nước này với một tâm thế, vị thế, tâm nguyện của mình”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Thay mặt lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cam kết sẽ luôn đồng hành cùng BSA, để cùng nhau hợp lực vì đất nước, vì một nền nông nghiệp xanh, vì một thế hệ doanh nông khởi nghiệp hôm nay và những doanh nhân thành đạt mai sau cho đất nước khi bước vào chặng đường phát triển mới.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email