Thursday, May 2

Khó quản lý tàu cá mất tín hiệu giám sát hành trình

Ngành chức năng tỉnh Cà Mau tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân. Ảnh: Trọng Linh.

Ngành chức năng tỉnh Cà Mau tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân. Ảnh: Trọng Linh.

Những năm qua, cùng với nỗ lực chung của cả nước trong thực hiện nhiệm vụ gỡ “thẻ vàng” của Uỷ ban Châu Âu (EC) cảnh báo đối với thuỷ sản Việt Nam, tỉnh Cà Mau đã quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Cùng với các địa phương ven biển, tỉnh Cà Mau luôn đi đầu trong quyết tâm chống khai thác IUU. Tính đến cuối tháng 9/2023, lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện, xử phạt hơn 150 vụ vi phạm về khai thác thuỷ sản với số tiền trên 5,2 tỷ đồng. Trong đó, vi phạm về khai thác IUU 87 vụ/4,3 tỷ đồng, riêng vi phạm về giám sát hành trình tàu cá 20 vụ/948 triệu đồng.

Ông Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết: Qua tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt hoạt động khai thác hải sản, Chi cục và cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Vì vậy, tình hình tàu cá khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp.

Ông Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau hướng dẫn quy định chống khai thác IUU. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau hướng dẫn quy định chống khai thác IUU. Ảnh: Trọng Linh.

Theo ông Triều, khó khăn, tồn tại hiện nay là tình trạng tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mất kết nối không rõ nguyên nhân thường xuyên xảy ra. Trong khi đó, chưa có cơ sở và cơ quan, tổ chức độc lập có chức năng để xác định chính xác nguyên nhân mất kết nối. Chủ tàu và nhà cung cấp đổ lỗi cho nhau gây ảnh hưởng đến công tác quản lý và điều tra, xác minh, xử lý.

Để đón đoàn EC sang kiểm tra về IUU lần thứ 4 vào tháng 10/2023, Cà Mau tiếp tục kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm các quy định về khai thác IUU. Hoàn thiện, củng cố, nâng cao năng lực thực thi pháp luật thuỷ sản; tiếp tục nghiên cứu, thành lập lực lượng kiểm ngư địa phương phù hợp với tình hình thực tế.

Cùng với đó, tăng cường trách nhiệm của đăng kiểm viên khi thực hiện đăng kiểm tàu cá. Giao người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng tàu cá, ngư dân của địa phương khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài; tàu cá hết hạn đăng ký, đăng kiểm ra biển hoạt động bị lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt.

Ngư dân Cà Mau ngày càng có trách nhiệm trong chống khai thác hải sản theo quy định pháp luật Việt Nam và khuyến nghị chống khai thác IUU từ EC. Ảnh: Trọng Linh.

Ngư dân Cà Mau ngày càng có trách nhiệm trong chống khai thác hải sản theo quy định pháp luật Việt Nam và khuyến nghị chống khai thác IUU từ EC. Ảnh: Trọng Linh.

Đến nay, hầu hết ngư dân Cà Mau đều hiểu biết và có trách nhiệm trong chống khai thác hải sản theo quy định của pháp luật Việt Nam và khuyến nghị chống khai thác IUU từ EC. Đồng hành, chung tay cùng địa phương thực hiện các quy định về IUU, không thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thuỷ sản có nguồn gốc IUU.

Ðể làm tốt hơn công tác chống khai thác IUU, nhất là minh bạch mọi công việc liên quan, Cà Mau kiến nghị Bộ NN-PTNT cải thiện tốc độ truy cập vào hệ thống giám sát tàu cá; tích hợp nhật ký khai thác điện tử. Cùng với đó, ban hành quy định thời gian cụ thể về thực hiện trách nhiệm, thủ tục dân sự trong mua bán tàu cá, chuyển đổi hạn ngạch giấy phép khai thác thuỷ sản.

Tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Ngoại giao thông qua công tác ngoại giao, đối ngoại đề nghị lực lượng chức năng của nước ngoài (hoặc Ðại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài) cung cấp thông tin, hồ sơ có liên quan đến các tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý để làm cơ sở cho lực lượng chức năng tỉnh củng cố hồ sơ xử phạt đúng quy định, cũng như nắm tình hình các thuyền viên bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ để thực hiện công tác bảo hộ công dân khi cần thiết.

Ngư dân trình thủ tục tại cảng cá Sông Đốc trước khi xuất bến. Ảnh: Trọng Linh.

Ngư dân trình thủ tục tại cảng cá Sông Đốc trước khi xuất bến. Ảnh: Trọng Linh.

Song song đó, các hiệp hội liên quan đến chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc cam kết chỉ mua sản phẩm thuỷ sản được khai thác hợp pháp, không vi phạm các quy định về khai thác IUU.

Tính đến giữa tháng 9/2023, tỷ lệ đánh dấu tàu cá và tàu cá đang hoạt động lắp đặt thiết bị giám sát hành trình của Cà Mau đã đạt 100%. Cà Mau cũng cập nhật đầy đủ 100% dữ liệu tàu cá của tỉnh trên hệ thống phần mềm VN-Fishbase và hệ thống giám sát tàu cá. Hằng tuần lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU để theo dõi, quản lý. Bên cạnh đó, theo dõi, giám sát 24/7 tại hệ thống giám sát tàu cá, đảm bảo kiểm soát 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động trên biển.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email