Monday, May 6

Hợp tác liên kết có vai trò đặc biệt quan trọng đối với ngành tôm

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo chuỗi liên kết tại xã Cộng Hòa (TP Cẩm Phả). Ảnh: Nguyễn Thành.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo chuỗi liên kết tại xã Cộng Hòa (TP Cẩm Phả). Ảnh: Nguyễn Thành.

Theo đánh giá của Cục Thủy sản, năm 2023, ngành tôm cũng như các ngành kinh tế khác đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là xuất khẩu giảm do suy thoái kinh tế, lạm phát, cầu giảm. Giá tôm nguyên liệu trong nước đã có lúc giảm thấp hơn giá thành, người nuôi gặp khó khăn.

8 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản trên cả nước đạt 5,93 triệu tấn, trong đó, nuôi trồng thủy sản đạt gần 3,3 triệu tấn, trong khi giá trị xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt 5,68 tỷ USD. Riêng với ngành tôm, sản lượng đạt 674 nghìn tấn, trong khi xuất khẩu chỉ đạt 2,22 tỷ USD. Tuy nhiên, giá tôm đã có xu hướng tăng do nhu cầu chung cuối năm và nhu cầu đột biến từ thị trường Trung Quốc.

Hiện ngành tôm vẫn chưa phát huy được hết những tiềm năng và lợi thế về thiên nhiên, con người. Bên cạnh hạn chế về nguồn lực tài chính, biến đổi khí hậu, mối liên kết và quan hệ hợp tác giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị tôm còn rời rạc, lỏng lẻo và không hiệu quả, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Mới đây, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị sơ kết, liên kết ngành tôm với chủ đề “Xây dựng mô hình nuôi tôm công nghiệp liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị”.

Ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản khẳng định: “Cho dù khó khăn hay thuận lợi, công tác tổ chức sản xuất đảm bảo cân đối cung – cầu và nâng cao hiệu quả kinh tế vẫn là một mục tiêu quan trọng để đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững.

Chủ trương chung của Bộ NN-PTNT hiện nay là phát triển ngành kinh tế nông nghiệp chứ không phải sản xuất nông nghiệp, tức là lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo. Muốn vậy, cần phải giảm đầu vào, giảm trung gian, nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị”.

Ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thành.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh Ngô Tất Thắng đánh giá: “Năm 2023 là năm khó khăn chung của toàn ngành nông nghiệp, đặc biệt là ngành tôm nhưng nhờ có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt trong việc chỉ đạo bám sát thực tiến, nắm bắt thời cơ, cơ hội thị trường. Đồng thời chủ động, tích cực trong công tác quan chắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh cho tôm nuôi. Vì vậy, mặc dù diện tích nuôi tôm không tăng nhưng sản lượng đã tăng 12,9% so với cùng kỳ và đạt 81,7% kế hoạch, đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay”.

Tính riêng 8 tháng đầu năm 2023, diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là 7.500 ha, sản lượng đạt gần 22.000 tấn. Số cơ sở nuôi tôm là 3.012 cơ sở (trong đó doanh nghiệp là 10; HTX là 15; hộ dân là 2.987). Có 17 cơ sở sản xuất ương dưỡng giống thủy sản, trong 8 tháng đầu năm đã sản xuất, ương dưỡng tại chỗ đạt 1,8 tỉ con giống thủy sản ra thị trường, trong đó, giống tôm là 1,4 tỷ, đáp ứng 80% nhu cầu giống thả nuôi.

Hiện cả nước hàng năm có diện tích thả nuôi tôm khoảng 740 nghìn ha nhưng có đến 360.720 cơ sở nuôi (nhiều nhất là Cà Mau trên 160.000 cơ sở nuôi), trung bình chỉ có 2ha/cơ sở nuôi).

Tại quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 18/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 đã chỉ rõ: Phát triển các mô hình hợp tác, liên kết dựa trên việc tổ chức các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, chi hội nghề nghiệp để tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung, làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm bớt các khâu trung gian.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email