Sunday, May 5

Gìn giữ ‘mái nhà xanh’ xứ Tuyên

Lâm Bình là địa phương có độ che phủ rừng lớn nhất tỉnh Tuyên Quang với khoảng 79%. Ảnh: Đào Thanh.

Lâm Bình là địa phương có độ che phủ rừng lớn nhất tỉnh Tuyên Quang với khoảng 79%. Ảnh: Đào Thanh.

Huyện Lâm Bình hiện có 76.000ha rừng trải dài trên địa bàn 10 xã, thị trấn, trong đó rừng tự nhiên gần 68.000ha, còn lại là rừng trồng, tỷ lệ che phủ đạt gần 79%. Để giữ được những cánh rừng, cán bộ, công nhân viên của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình thực hiện tốt việc dựa vào dân để giữ rừng. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất đó là diện tích rừng phòng hộ được giao quản lý lớn, trong khi đó biên chế đơn vị được giao mỏng, đa số diện tích được giao đều ở xa, không có đường giao thông…

Ông Nguyễn Hữu Tình, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình cho biết, là huyện có nhiều khu vực giáp ranh với các huyện Na Hang và Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang hay Bắc Quang, Vị Xuyên, Bắc Mê của tỉnh Hà Giang. Địa hình hiểm trở, chia cắt nhiều núi cao, suối sâu gây khó khăn trong công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng. Nếu không dựa vào dân bản địa, đặc biệt là những ngôi làng sống gần bìa rừng thì sẽ là thách thức lớn cho lực lượng kiểm lâm cũng như cán bộ công nhân viên của Ban.

Để người dân đồng hành và trở thành “tai, mắt” cùng tham gia giữ rừng, Ban đã thực hiện khoán bảo vệ rừng từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường theo Phương án số 26/PA-BQL ngày 28/5/2013, phương án hợp đồng bảo vệ rừng phòng hộ khu lưu vực hồ thủy điện Tuyên Quang cho tổ chức, cá nhân đã được UBND huyện phê duyệt ngày 30/5/2013. Tổng diện tích giao khoán là trên 183ha/29 hộ, tại 3 xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, Phúc Yên.

Thực hiện giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ từ nguồn ngân sách nhà nước với tổng diện tích khoán bảo vệ là hơn 8.820ha/21 tổ chức với 173 hộ gia đình tham gia. Trong đó khoán bảo vệ rừng theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, thực hiện tại địa bàn các xã, thị trấn khu vực I có tổng diện tích khoán bảo vệ là hơn 4.500ha/4 tổ chức, 145 hộ gia; khoán bảo vệ rừng theo Tiểu dự án 1, Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, thực hiện tại địa bàn các xã khu vực II có tổng diện tích khoán bảo vệ hơn 4.288ha/17 tổ chức, 28 hộ gia đình tham gia.

Một góc rừng của huyện Lâm Bình trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Một góc rừng của huyện Lâm Bình trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, thực hiện nhận diện tích khoán bảo vệ là 123ha và là một trong những tổ thực hiện tốt nhất công tác giao khoán bảo vệ rừng trên địa bàn huyện. Sở dĩ như vậy bởi sự nhiệt huyết của người Trưởng thôn Hoàng Văn Minh.

Ông Minh chia sẻ, để việc giữ rừng hiệu quả thì trước hết phải tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu được ý nghĩa của nó. Khi người dân đã coi rừng như một phần trong cuộc sống của mình thì ý thức của việc giữ gìn, bảo vệ những cánh rừng cũng sẽ tốt hơn. Từ những việc làm như thế, những cánh rừng phòng hộ, rừng tự nhiên rộng bạt ngàn ở huyện Lâm Bình thường xuyên có dấu chân của người dân tham gia tuần rừng. Những gốc cây cổ thụ, cây nghiến, cây lim cũng vững chãi cùng nắng gió.

Từ khi nhận hơn 19ha rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình, ông Nguyễn Văn Tùng, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm chưa khi nào để mất rừng. Để làm được điều đó, ngày nào cũng thế, khi có thời gian rảnh là ông đều đi tuần rừng. Ông Tùng cũng thường xuyên nghe ngóng thông tin từ bà con xem các đối tượng phá rừng cộm cán lâu nay hoạt động ra sao để nắm tình hình. Nếu phát hiện thấy những vụ việc phức tạp, ông kịp thời báo cho lực lượng chức năng để giải quyết.

Ông Tùng cho biết, từ khi nhận giao khoán bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình, công việc của ông bận rộn hơn. Nhưng đã nhận tiền của nhà nước rồi thì ông sẽ làm hết trách nhiệm. Mà giữ được những cánh rừng, đâu chỉ có lợi cho nhà nước, mà cho chính những người dân như ông bởi hạn chế được lũ quét, sạt lở đất, giữ được nguồn nước ngầm và cân bằng hệ sinh thái.

Để phát huy vai trò của nhân dân, cộng đồng tham gia bảo vệ rừng trong những năm qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình luôn phối hợp với chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm huyện làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, ngăn chặn không cho người dân vào rừng hoạt động trái phép, với phương châm “bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn dân”. Đơn vị chỉ đạo lực cán bộ, công nhân viên của đơn vị làm tốt công tác bám nắm địa bàn, thấu hiểu được những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, từ đó kịp thời phản ánh, báo cáo lãnh đạo đơn vị.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email